Đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
- Cập nhật: Thứ tư, 15/9/2010 | 9:19:45 AM
YBĐT - Sau 5 năm Thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tỉnh Yên Bái đã thu được những kết quả tích cực.
Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Thương Lượng kiểm tra thiết kế và tiến độ thi công kè suối Hát (huyện Trạm Tấu).
|
Kể từ khi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được ban hành, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã sớm giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành chức năng. Cùng với ban hành quyết định quy định một số biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là chỉ thị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản, ngân sách Nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp của tỉnh.
Đi liền với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức học tập, phổ biến sâu rộng cho cán bộ, công chức, viên chức về ý thức thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong khi thi hành nhiệm vụ; đưa kết quả thực hành thành nội dung xem xét, đánh giá thi đua hằng năm. Đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đặc biệt là tư tưởng đạo đức của Người về vấn đề này. Nhờ vậy, nhận thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức cùng nhân dân đã được nâng lên.
Các đơn vị, các cấp, các ngành, ngay từ đầu năm khi có kế hoạch được UBND tỉnh giao, đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động, bố trí nhiệm vụ phù hợp với nguồn kinh phí được giao nhằm mục tiêu hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra; đồng thời tiếp tục xây dựng chương trình, điều chỉnh bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ là cơ sở thực hiện cho năm ngân sách.
Ở các đơn vị có hoạt động kinh doanh dịch vụ có nguồn thu thì xây dựng được quy định về tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, tiêu hao vật tư dùng cho sản xuất kinh doanh.
Thông qua quá trình tổng hợp quyết toán, nhìn chung, các đơn vị đã chấp hành nghiêm theo các quy định của Nhà nước; việc thực hiện mua sắm tài sản đã được thực hiện theo tiêu chuẩn định mức quy định và nguồn kinh phí của đơn vị nên mỗi năm tiết kiệm được khoảng 7 – 10% so với dự toán của đơn vị xây dựng mua sắm. Riêng tại các cơ quan, đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm về tài chính đều hoàn thành nhiệm vụ quản lý chặt chẽ tài sản tiền vốn, sử dụng lao động hợp lý, tăng thu bổ sung thêm nguồn kinh phí phục vụ cho công tác chuyên môn và tăng thêm thu nhập cho người lao động.
Năm 2009, các đơn vị được giao quyền tự chủ hoàn thành nhiệm vụ được giao, biên chế thực hiện đối với các đơn vị quản lý hành chính giảm được 92 biên chế so với kế hoạch giao và kinh phí tiết kiệm được toàn tỉnh là 2.387 triệu đồng.
Năm 2010 ước biên chế thực hiện giảm 120 người so với kế hoạch giao và ước thu nhập tăng thêm bình quân 2,7 triệu đồng/người/năm. Việc quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước đã được Ủy ban nhân dân tỉnh chú trọng, chỉ đạo quyết liệt ngay từ khâu phân bổ và giao dự toán thông qua việc sử dụng 50% số tăng thu ngân sách hàng năm, tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên, sử dụng 40% thu sự nghiệp để cải thiện tiền lương.
Từ năm 2006 đến năm 2009 đã dành được trên 57 tỷ đồng nguồn tăng thu ngân sách địa phương; 27 tỷ đồng tiết kiệm 10% chi thường xuyên; 4,2 tỷ đồng nguồn thu sự nghiệp, phí lệ phí và được để lại để cải cách chế độ tiền lương.
Đặc biệt năm 2008 đã triển khai thực hiện tốt chủ trương tiết kiệm 10% chi thường xuyên phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát theo Quyết định số 390/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tạm dừng mua sắm ô tô, phương tiện làm việc đắt tiền, đồng thời giảm trừ dự toán chi ngân sách tiết kiệm được trên 18 tỷ đồng để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển, cứu trợ xã hội, xoá đói giảm nghèo.
Tại các đơn vị, các cấp, các ngành, việc quản lý sử dụng kinh phí thường xuyên, quản lý tài sản công bảo đảm công khai, dân chủ, tuân thủ theo các quy định hiện hành của Nhà nước; không sử dụng tiền ngân sách làm quà biếu không đúng đối tượng; chi tiêu tiếp khách đúng định mức, tiết kiệm…
Càng ngày, việc tăng vai trò và quyền hạn của hội đồng nhân dân các cấp trong quyết định phân bổ dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách càng phát huy được vai trò giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất tại địa phương và các tầng lớp nhân dân đối với việc quản lý, sử dụng ngân sách.
Rồi việc đẩy mạnh thực hiện chế độ tự chủ tài chính cũng đã tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được quan tâm sâu hơn đến việc quản lý, sử dụng kinh phí trong các đơn vị sử dụng ngân sách, đảm bảo công khai, minh bạch hơn so với trước.
Hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái đều chỉ đạo các sở, ban, ngành và các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tốt công tác lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo sát với tình hình thực tế địa phương, tránh việc triển khai các dự án chồng chéo, kém hiệu quả.
Trong đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện giao chỉ tiêu kế hoạch các nguồn vốn đúng thời gian theo quy định, công tác bố trí vốn được thực hiện theo hướng dẫn cơ cấu vốn của Trung ương, thực hiện lồng ghép các nguốn vốn khác trên địa bàn, đảm bảo sử dụng hiệu quả nhất. Gắn với đó là tăng cường quản lý đầu tư theo hướng phân cấp mạnh trong công tác phê duyệt dự án cho các huyện, thị xã, thành phố, nâng cao trách nhiệm và quyền hạn của chủ đầu tư.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh Yên Bái còn được thực hiện trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai và khoáng sản. Hiện nay toàn tỉnh có 5 khu công nghiệp và 10 cụm công nghiệp; 1 khu du lịch sinh thái; 1 dự án khu chung cư với tổng diện tích được phê duyệt lên đến gần 1.000 ha.
Nhìn chung, các dự án đang ở giai đoạn giải phóng mặt bằng, một số dự án đã phát huy hiệu quả như Khu công nghiệp phía Nam, Khu công nghiệp Bắc Văn Yên, cụm công nghiệp Đầm Hồng (thành phố Yên Bái); riêng dự án xây dựng khu chung cư của Công ty cổ phần Xây dựng số 3 - VINACONEX do chậm tiến độ đã thu hồi giấy phép.
Còn việc quy hoạch, quản lý cấp phép thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản tỉnh đã có 3 quy hoạch được lập và phê duyệt. Các quy hoạch góp phần định hướng cho hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh, giúp công tác quản lý hoạt động khoáng sản tập trung hơn.
Tuy nhiên, công tác lập quy hoạch vẫn chưa rà soát được hết các khu vực khoáng sản có triển vọng, chưa đánh giá toàn diện và nắm bắt được nhu cầu thị trường nên còn xảy ra tình trạng bổ sung quy hoạch chắp vá, không tập trung.
Nhìn chung, sau 5 năm Thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tỉnh Yên Bái đã thu được những kết quả tích cực. Thành công ban đầu chính là điều kiện để Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo việc quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, tài nguyên khoáng sản có hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tích cực vào phòng, chống tham nhũng tại địa phương.
T. Q
Các tin khác
Chiều 14/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Chính phủ, nhân dân Việt Nam mong muốn đẩy mạnh quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức ngày càng phát triển, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.
YBĐT - Chiều 14/9, làm việc với Thanh tra tỉnh Yên Bái, đồng chí Đào Ngọc Dung - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ ra 5 vấn đề mà Thanh tra tỉnh cần thực hiện tốt trong thời gian tới. >>>Tăng cường công tác thanh tra, thực hiện các kết luận sau thanh tra
YBĐT - Ngày 13 và 14/9, Đại hội Hội văn học nghệ thuật tỉnh Yên Bái lần thứ V nhiệm kỳ 2005 – 2010 đã diễn ra và thành công tốt đẹp. Các đồng chí Hoàng Xuân Lộc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Phạm Thị Thanh Trà - Phó chủ tịch UBND tỉnh, nhà văn Tùng Điển - Ủy viên Thường trực Đoàn chủ tịch Liên hiệp toàn quốc các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam đã dự đại hội.