Khai mạc Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 13

  • Cập nhật: Thứ năm, 7/10/2010 | 2:28:26 PM

Ngày 7/10, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã có bài phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X).

Toàn cảnh phiên khai mạc Hội nghị.
Toàn cảnh phiên khai mạc Hội nghị.

Tại Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương sẽ thảo luận về tình hình thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2011; định hướng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 5 năm 2011-2015; nghe Báo cáo tổng kết việc thực hiện thí điểm chủ trương không tổ chức hội đồng nhân dân cấp quận, huyện và phường và kiến nghị chủ trương tiếp theo; thảo luận bước đầu về phương án nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI trình Đại hội lần thứ XI của Đảng; thảo luận và cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng khác.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 13 (Khóa X) họp giữa lúc đang diễn ra Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Với tình cảm thiêng liêng và lòng tự hào sâu sắc, Tổng Bí thư nhấn mạnh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệt liệt chúc mừng Đại lễ, chúc mừng Thủ đô ngàn năm văn hiến, trái tim của cả nước đang không ngừng phát triển, văn minh, hiện đại.

Cũng trong những ngày này, lũ lụt nặng nề đang xảy ra ở một số tỉnh miền Trung. Với tinh thần trách nhiệm và sự cảm thông sâu sắc, Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẻ chia sẻ những đau thương, mất mát và khó khăn của nhân dân và mong rằng lãnh đạo các bộ, ngành, các cấp chính quyền ở Trung ương và địa phương sẽ nêu cao trách nhiệm, nỗ lực thực hiện các biện pháp kịp thời và có hiệu quả, cùng nhân dân khắc phục khó khăn để sớm ổn định cuộc sống.

Về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2010; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2011, Tổng Bí thư cho biết, báo cáo của Ban cán sự đảng Chính phủ đã nêu rõ rằng trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức do chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu và tình hình thiên tai, dịch bệnh bất lợi, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự phấn đấu của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, chúng ta đã thực hiện có kết quả mục tiêu đề ra cho năm 2010.

Nền kinh tế có bước phục hồi khá nhanh, nhiều ngành và lĩnh vực đang lấy lại được đà tăng trưởng. Sản xuất, kinh doanh phát triển quý sau tăng hơn quý trước; giá trị sản xuất công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao; sản xuất nông nghiệp ổn định; an ninh lương thực được bảo đảm; thị trường trong và ngoài nước được khai thác tốt hơn, xuất khẩu tăng nhanh.

Các cân kinh tế vĩ mô cơ bản được bảo đảm; ngân sách nhà nước vượt dự toán; bội chi giảm so với dự kiến, lạm phát được kiểm soát và kiềm chế, huy động được khối lượng vốn khá lớn cho đầu tư phát triển, an sinh xã hội tiếp tục được chăm lo tốt hơn; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, an ninh, quốc phòng được giữ vững; công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế đạt được kết quả quan trọng, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam được nâng cao.

Kết quả đạt được trong năm 2010 có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010 và tạo đà cho việc thực hiện mục tiêu của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Chiến lược kinh tế-xã hội 2011-2020.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Bí thư cũng chỉ rõ trong năm 2010 vẫn còn một số mặt hạn chế, yếu kém cần được quan tâm xử lý như cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm; hiệu quả đầu tư thấp; cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém; hiệu quả các giải pháp giảm nhập siêu còn hạn chế; chi tiêu ngân sách còn lãng phí, bội chi còn cao; việc bảo vệ môi trường và hạn chế tổn thất tài nguyên còn kém; chất lượng giáo dục-đào tạo, công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân còn nhiều hạn chế.

Về mục tiêu tổng quát đề ra cho kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011, Tổng Bí thư cho biết, tiếp tục tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2010 gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường ổn định chính trị-xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Theo đó, các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 là tăng trưởng GDP 7-7,5%; lạm phát dưới mức tăng trưởng (khoảng 7%); bội chi ngân sách 5,5%; giảm nhập siêu xuống mức dưới 20% kim ngạch xuất khẩu; điều hành chặt chẽ xuất khẩu gạo để bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước.

Về định hướng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 5 năm 2011-2015, Tổng Bí thư cho rằng, cần nhận thức rõ kế hoạch 5 năm lần này được xây dựng và thực hiện trong bối cảnh Đại hội XI sắp diễn ra, tại Đại hội, Đảng ta sẽ tổng kết 25 năm đổi mới, 20 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2001-2010 và quyết định Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2011-2020).

Do vậy, việc xây dựng kế hoạch 5 năm 2011-2015 phải gắn với các mục tiêu dài hạn, xác định 5 năm tới phải tạo được nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương và Kết luận của Bộ Chính trị (khoá X) về thực hiện chủ trương thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân cấp huyện, quận, phường, Chính phủ đã xây dựng đề án trình Quốc hội ban hành nghị quyết thực hiện thí điểm tại 67 huyện, 32 quận, 483 phường của 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Sau một năm rưỡi thực hiện, Ban Chỉ đạo Trung ương đã tổ chức tổng kết bước một của cuộc thí điểm này và nêu ra những kết quả có ý nghĩa rất quan trọng khẳng định chủ trương thực hiện thí điểm theo Nghị quyết Trung ương 5 (khoá X) là đúng đắn, phù hợp với yêu cầu cải cách bộ máy hành chính nhà nước trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Các tỉnh, thành phố đã tiến hành cuộc thí điểm nói trên đề xuất cần sớm mở rộng thêm việc thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân huyện, quận, phường. Kết quả điều tra xã hội học ở một số tỉnh, thành phố cũng cho thấy đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ tiếp tục việc thí điểm này.

Tại Hội nghị lần này, Trung ương sẽ thảo luận bước đầu về phương án nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI trình Đại hội lần thứ XI của Đảng.

Tổng Bí thư cho biết, cuộc thảo luận này có ý nghĩa hết sức quan trọng để tạo điều kiện cho Hội nghị Trung ương lần thứ 14 (khoá X) có thêm cơ sở để tiếp tục thảo luận và cho ý kiến nhằm đáp ứng được các yêu cầu xây dựng Ban Chấp hành Trung ương khoá XI trình Đại hội lần thứ XI của Đảng.

Ban Chấp hành Trung ương khoá XI phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có tầm nhìn chiến lược, có trí tuệ, tư duy đổi mới, sáng tạo, ý chí chiến đấu cao; có phẩm chất đạo đức trong sáng, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; có uy tín, đủ năng lực lãnh đạo đất nước trong giai đoạn mới.

Ban Chấp hành Trung ương khoá XI phải bảo đảm tiêu chuẩn, có số lượng và cơ cấu hợp lý để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo toàn diện, đặc biệt là ở các vị trí, địa bàn, lĩnh vực công tác quan trọng; bảo đảm tính kế thừa và phát triển liên tục.

Theo chương trình, hội nghị sẽ làm việc đến ngày 15/10.

(Theo TTXVN)

Các tin khác
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tiếp đoàn đại biểu kiều bào nhân dịp về nước tham dự Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Ngày 6/10, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã tiếp thân mật các đại biểu kiều bào tiêu biểu từ nhiều nước trên thế giới về dự Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Ngày 11/9/2010, phía Trung Quốc đã bắt giữ tàu cá số hiệu QNg 66478TS cùng 9 ngư dân Việt Nam tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Hội viên phụ nữ Mông Mù Cang Chải tham gia lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Hội phụ nữ. (Ảnh: Quỳnh Nga)

YBĐT - Hiện toàn huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái có trên 90% diện cán bộ chủ chốt cấp cơ sở có trình độ học vấn hết tiểu học, nhiều đồng chí có trình độ sơ cấp lý luận và được đào tạo về chuyên môn; gần 20% cán bộ lãnh đạo chủ chốt, trưởng, phó các ban, ngành, đoàn thể cấp huyện có trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học chuyên ngành và trên 15% có trình độ cao cấp, cử nhân chính trị.

Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ tám (ASEM 8) diễn ra tại Bỉ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế thúc đẩy mô hình phát triển bền vững, coi đây là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục