Thành công nhờ "Lấy dân làm gốc"

  • Cập nhật: Thứ sáu, 29/10/2010 | 9:39:32 AM

YBĐT - Nhiều năm nay, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ(Yên Bái) là địa phương điển hình đi đầu trong xây dựng nông thôn mới. Có được kết quả đó nhờ cơ sở Đảng nơi đây đã biết tập hợp và phát huy sức mạnh của toàn dân theo phương châm "Lấy dân làm gốc".

Ông Lường Láng - Bí thư Đảng ủy xã (thứ 2 từ phải sang) trao đổi với các trưởng thôn về triển khai làm đường giao thông nông thôn.
Ông Lường Láng - Bí thư Đảng ủy xã (thứ 2 từ phải sang) trao đổi với các trưởng thôn về triển khai làm đường giao thông nông thôn.

Ông Lường Láng - Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa An cho biết, để đạt được hiệu quả trong lãnh đạo phát triển kinh tế, xã hội ở một địa phương mà hầu hết là đồng bào dân tộc ít người, đời sống còn nhiều khó khăn, dân trí không đồng đều... nhiều năm qua, Đảng bộ xã luôn xác định rằng, yếu tố quan trọng hàng đầu là Đảng bộ phải phát huy được sự đoàn kết, thống nhất, dân chủ trong Đảng cùng toàn bộ hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân.

Với tinh thần đó, Đảng ủy xã luôn quan tâm, chú trọng quán triệt mọi chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến đội ngũ đảng viên để họ trở thành hạt nhân đưa các nội dung này vào thực tế đời sống ở cơ sở. Đồng thời Đảng bộ coi trọng giáo dục tư tưởng, chính trị, phẩm chất đạo đức cho mỗi đảng viên; đánh giá chất lượng, phân xếp loại đảng viên dựa trên cơ sở thực hiện quy chế làm việc, tiền phong gương mẫu, vì nhân dân phục vụ và thể hiện được năng lực tập hợp quần chúng, phát huy quyền làm chủ cũng như sức mạnh đoàn kết của nhân dân trong phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Mọi công việc trước khi triển khai đến cơ sở đều được thông qua và lấy ý kiến của nhân dân, sau đó xã mở hội nghị quân - dân - chính - Đảng để tranh thủ trí tuệ tập thể, dân chủ bàn bạc và đi đến thống nhất về giải pháp triển khai. Sau đó, các trưởng thôn, bí thư chi bộ và đồng chí cấp ủy phụ trách cơ sở có trách nhiệm triển khai các nội dung đến toàn thể nhân dân và thực hiện ngay những công việc cụ thể.

Mọi công việc trước khi triển khai đến cơ sở đều được lấy ý kiến của nhân dân, sau đó xã mở hội nghị quân - dân - chính - Đảng để tranh thủ trí tuệ tập thể, dân chủ bàn bạc và đi đến thống nhất về giải pháp triển khai. Sau đó, các trưởng thôn, bí thư chi bộ và đồng chí cấp ủy phụ trách cơ sở có trách nhiệm triển khai các nội dung đến toàn thể nhân dân, thực hiện ngay những công việc cụ thể. Đảng bộ xã Nghĩa An đã thực hiện tốt việc giao nhiệm vụ cho các ủy viên Ban chấp hành phụ trách từng thôn. Hiện tại, bình quân mỗi cụm thôn có 2 đồng chí cấp ủy phụ trách.

Các đồng chí này phải làm tốt việc nắm bắt tình hình thực tế ở cơ sở và báo cáo định kỳ; giải quyết đúng, kịp thời những vướng mắc diễn ra ở cơ sở... Nếu có các vấn đề như: học sinh bỏ học; vi phạm chính sách dân số, xảy ra tệ nạn xã hội, khiếu kiện... thì chi bộ và trực tiếp đồng chí phụ trách địa bàn đó phải chịu trách nhiệm trước Đảng ủy xã.

Với quan điểm “Thôn tốt thì xã sẽ tốt”, Đảng ủy xã Nghĩa An rất chú trọng đến đội ngũ trưởng thôn vì họ là những người trực tiếp đối mặt và giải quyết triệt để mọi công việc ở cơ sở. Vì vậy, cùng với việc bồi dưỡng năng lực quản lý, xã cố gắng tạo thêm thu nhập để động viên đội ngũ này hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hiện nay, theo quy định của Nhà nước, trưởng thôn có mức phụ cấp là 730.000 đồng/tháng. Nhưng ở Nghĩa An, nếu một trưởng thôn kiêm bí thư chi bộ và tham gia cấp ủy thì cộng thêm phụ cấp các công việc này với việc tham gia làm dịch vụ cho hợp tác xã sẽ có thu nhập từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng mỗi tháng.
Nâng cao đời sống của nhân dân, quan điểm chung của toàn Đảng bộ là sự quan tâm trước hết phải được bắt đầu từ những vấn đề thiết thực và cấp bách nhất.

 Quãng 15 năm về trước, Đảng bộ xã tập trung chủ yếu vào nhiệm vụ xóa đói trong nhân dân. Với nhiệm vụ này, Nghĩa An rất thành công bởi đã mở ra phong trào đưa các giống lúa mới có năng suất cao vào sản xuất; tăng thêm vụ ba trên đất hai vụ lúa bằng các loại cây rau màu. Có sự chỉ đạo quyết liệt của Ban chấp hành Đảng ủy xã nên chỉ trong vòng ba năm triển khai thực hiện, Nghĩa An đã cơ bản xóa được tình trạng thiếu đói.

Sau đó, xã tiếp tục với nhiệm vụ giảm nghèo và là địa phương khởi đầu rất thành công trong sản xuất lúa giống. Xã hiện đã chuyển hướng sang sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao cho trên 80% diện tích ruộng nước hai vụ và năng suất vẫn dẫn đầu vùng Mường Lò. Đi đôi với sản xuất lương thực, địa phương đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa; khai thác tốt thế mạnh đất rừng để trồng cây nguyên liệu.

Nông dân xã Nghĩa An khai thác gỗ rừng trồng.

Với 25% hộ giàu, 25% hộ khá, 32% hộ trung bình, 18% hộ nghèo theo tiêu chí mới sau 15 năm tích cực thực hiện xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm của một xã nghèo, thì quả là một con số rất ấn tượng ở vùng Mường Lò. Phía sau sự thành công đó có sự đóng góp công sức của đội ngũ đảng viên trong toàn Đảng bộ xã Nghĩa An. Bởi lẽ, khi trình độ dân trí còn nhiều hạn chế thì việc tiếp thu cái mới như: sản xuất vụ đông, sản xuất lúa giống và lúa chất lượng cao, trồng rừng, chăn nuôi theo hướng hàng hóa... không phải bà con sẵn sàng làm ngay mà còn phải nhìn thấy hiệu quả thiết thực, cụ thể thì mới làm theo. Đảng bộ xã đã quán triệt các đảng viên phải gương mẫu làm trước và làm thật nghiêm túc để đạt hiệu quả, để cho nhân dân làm theo. Ngược lại, nếu thất bại thì đảng viên sẽ lại sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân về kinh tế.

Bằng cách làm như vậy, Đảng bộ xã Nghĩa An đã tạo tinh thần phấn khởi và lòng tin tuyệt đối của nhân dân. Vậy nên, Nghĩa An hôm nay mới huy động được sức mạnh của nhân dân để cơ bản hoàn thành bê tông hóa đường giao thông và mương nội đồng, phục vụ yêu cầu cơ giới hóa trong nông nghiệp. Xã hiện có 6/8 thôn có đường bê tông đi lại thuận tiện 100% số thôn có nhà văn hóa. Cách làm của Nghĩa An là không để các thôn "mạnh ai nấy chạy" mà làm công trình ở đâu, nơi nào làm trước... đều có sự bàn bạc kỹ lưỡng. Với 609 hộ dân, mỗi hộ đóng góp 100.000 đồng thì đã được trên 60 triệu đồng và cùng với sự đóng góp sức người, sự tài trợ tài chính từ các nguồn khác, địa phương chỉ cần hơn 3 năm là đã xây dựng xong nhà văn hóa ở các thôn. Những công trình xây dựng khác cũng được xã triển khai thực hiện tương tự và nhân dân thực sự phấn khởi, đồng tình ủng hộ.

Nghĩa An đang mở hướng làm giàu trong nhân dân với trọng tâm là khai thác tốt thế mạnh nông - lâm nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch. Tuy nhiên, chìa khóa cho thành công cần phải tập trung mọi khả năng để nâng cao dân trí. Do đó, xã phấn đấu từ nay đến năm 2015, cả ba cấp học: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đều phải đạt chuẩn quốc gia (hiện tại mới chỉ có bậc tiểu học đạt chuẩn). Trên 200 triệu đồng trong Quỹ Khuyến học của xã là con số thể hiện quyết tâm lớn đối với mục tiêu này của Đảng bộ. Đảng bộ còn quy định, mỗi cán bộ xã mỗi tháng trích 5% lương để ủng hộ quỹ khuyến học và hàng năm có trên chục triệu đồng để xây dựng tường rào, công trình vệ sinh... cho các trường học mà không phải huy động sự đóng góp của nhân dân.

Nhiều dòng họ cũng xây dựng được quỹ khuyến học, có quỹ lên tới hơn 3 tấn thóc. Đảng ủy xã chỉ đạo Hợp tác xã Nghĩa An đưa số thóc này vào kinh doanh và trả lãi đúng quy định cho quỹ khuyến học của các dòng họ. Điều đáng mừng, những năm gần đây, con em các dân tộc trong xã tốt nghiệp trung học phổ thông và đi học chuyên nghiệp ngày càng đông; phong trào thi đua học tập giữa các dòng họ, các học sinh ngày càng sôi nổi, phát triển mạnh.

Yếu tố quan trọng nữa trong mục tiêu mở hướng làm giàu cho nhân dân là Đảng bộ xã chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ trong tương lai. Đặc biệt chú ý đến các yêu cầu về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới và có 5 cán bộ trẻ đang được đào tạo trình độ đại học.

Những cách làm và những thành công trong phát triển kinh tế, xã hội ở Đảng bộ xã Nghĩa An dựa trên tinh thần “Lấy dân làm gốc” là bài học kinh nghiệm quý để nhiều địa phương khác học tập và làm theo.

Hoàng Nhâm

Các tin khác

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ra Chỉ thị số 1971/CT-TTg về tăng cường công tác dân tộc thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước.

Sau lễ đón chính thức Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và Phu nhân, chiều tối 28/10, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã hội kiến với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái tại tổ thảo luận

YBĐT - Ngày 28/10, các đại biểu Quốc hội tham đóng góp ý kiến vào Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng tại các tổ thảo luận.

Trưởng đoàn các nước Asean dự hội nghị (Ảnh: Chinhphu.vn)

Đúng 13 giờ 45 phút, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 17 đã khai mạc trọng thể tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), với sự tham dự của các nhà lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN Surin Pitsuwan.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục