Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện Đề án tái cơ cấu kinh tế

  • Cập nhật: Thứ hai, 2/4/2012 | 8:22:41 AM

Đánh giá thực trạng, thuận lợi, khó khăn của quá trình tái cơ cấu; làm rõ mục tiêu của tái cơ cấu, nội dung của tái cơ cấu, giải pháp thực hiện..là một trong những nội dung chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra từ ngày 31/3-1/4.

Chú trọng duy trì tăng trưởng hợp lý

Ngày 31/3 và 01/4 năm 2012, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 03 năm 2012, thảo luận và quyết nghị về một số nội dung.

Về kinh tế - xã hội tháng 03 và ba tháng đầu năm 2012, GDP quý I/2012 ước tăng 4%.

Mặc dù tình hình kinh tế khó khăn nhưng số doanh nghiệp thành lập mới lớn hơn số doanh nghiệp giải thể và đăng ký ngừng hoạt động (số doanh nghiệp thành lập mới trên 15.300 doanh nghiệp, trong khi đó số doanh nghiệp đã làm thủ tục giải thể là trên 2.200 doanh nghiệp và có trên 9.700 doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động có thời hạn hoặc dừng thực hiện nghĩa vụ thuế).

Về du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 1,9 triệu lượt, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2011.

Giá cả, thị trường khá ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2012 chỉ tăng 0,16% so với tháng 02/2012; so với tháng 12/2011, CPI tháng 3/2012 tăng khoảng 2,55%, là mức tăng thấp nhất so với nhiều năm qua.

Về tiền tệ và tín dụng: NHNN đã có nhiều nỗ lực để bình ổn tiền tệ, tín dụng. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã có bước chuyển tích cực. Kim ngạch xuất khẩu tăng dần theo từng tháng trong Quý I/2012, tăng 23,6% so với Quý I/2011. Xuất khẩu gạo đã cải thiện đáng kể, Quý I/2012 đã xuất khẩu trên 1 triệu tấn và đang có thêm nhiều đơn đặt hàng từ Trung Quốc, Nhật Bản...

Kim ngạch nhập khẩu tăng 6,9% so với Quý I/2011. Nhập siêu trong Quý I/2012 là 251 triệu USD, tương đương 1% kim ngạch xuất khẩu, là mức thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm gần đây.

Thu ngân sách tăng khá. Các nhiệm vụ chi cơ bản được đáp ứng, đặc biệt là các khoản chi thường xuyên. Tổng vốn đầu tư xã hội tăng 12,8% so với Quý I/2011. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt 2,52 tỷ USD bằng cùng kỳ năm 2011.

Về việc làm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội: Trong ba tháng đầu năm 2012, đã tạo việc làm cho khoảng 341,4 nghìn người. Các cấp các ngành tích cực triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

Công tác y tế dự phòng và an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm; phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tích cực ngăn chặn kịp thời và giảm thiểu việc xâm nhập, lây truyền dịch bệnh...

Các bộ, ngành chức năng và các địa phương đã tích cực triển khai các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông. So với cùng kỳ, Quý I/2012 số vụ tai nạn giao thông giảm, số người chết giảm và số người bị thương đã giảm.

Tuy nhiên,  tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2012 thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào cao, tiêu thụ chậm, tồn kho còn ở mức cao, dẫn đến quy mô sản xuất thu hẹp, nhiều doanh nghiệp phải ngừng sản xuất hoặc phá sản, giải thể. Rét đậm, rét hại kéo dài ở miền Bắc, dịch bệnh gia súc, gia cầm đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, tiến độ gieo cấy lúa vụ đông xuân bị chậm lại, chăn nuôi gia súc bị ảnh hưởng. Lãi suất giảm nhưng còn cao, việc tiếp cận vốn còn khó khăn.

Chính phủ yêu cầu các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nỗ lực khắc phục những khó khăn, tồn tại; chủ động bám sát tình hình kịp thời đề xuất những cơ chế, chính sách, giải pháp ứng phó kịp thời với tình hình kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp, kiên trì thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra theo hướng ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời cần chú trọng nhiệm vụ duy trì tăng trưởng hợp lý và đảm bảo an sinh xã hội. Điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và lãi suất linh hoạt, phù hợp với yêu cầu kiềm chế lạm phát, tăng trưởng tín dụng, giải quyết thanh khoản để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển; hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm hàng tồn kho; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy thị trường trong nước, đưa hàng hóa dịch vụ về thị trường nông thôn.

Các bộ, ngành địa phương khẩn trương triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2012; kế hoạch đầu tư phát triển từ nguồn vốn NSNN và vốn TPCP năm 2012. Đẩy mạnh huy động các nguồn vốn trong nước, tạo điều kiện để giải ngân các nguồn vốn đã cam kết trong các dự án FDI đã được cấp phép; ưu tiên vốn đối ứng để giải ngân nhanh nguồn vốn đã được các nhà tài trợ cam kết trong các Hiệp định ODA. Đẩy nhanh hoàn thiện các Đề án tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước một cách đồng bộ và hiệu quả.

Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nhất là đối với các gia đình chính sách, người nghèo không để tình trạng thiếu đói xảy ra, nhất là trong thời gian giáp hạt sắp tới; tiếp tục tăng cường các giải pháp chống ùn tắc và giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo đảm an toàn giao thông và trật tự xã hội.

Sớm hoàn thiện dự thảo Đề án tái cơ cấu kinh tế

Về dự thảo Đề án đề tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tiếp tục làm rõ hơn những nội dung liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc chức năng nhiệm vụ của cơ quan mình; cần bám sát định hướng, quan điểm chỉ đạo về tái cơ cấu kinh tế; đánh giá thực trạng, thuận lợi, khó khăn của quá trình tái cơ cấu; làm rõ mục tiêu của tái cơ cấu, nội dung của tái cơ cấu, giải pháp thực hiện... để hoàn thiện Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Quốc hội.

Nội dung dự thảo Đề án đã làm rõ những quan điểm, định hướng và giải pháp chủ yếu thực hiện “cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ phù hợp với các vùng; thúc đẩy tái cấu trúc doanh nghiệp và điều chỉnh chiến lược thị trường; tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của cả nền kinh tế; phát triển kinh tế tri thức… phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Về quan điểm chỉ đạo, dự thảo Đề án xác định tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng là nhiệm vụ lớn, khó khăn và phức tạp, đòi hỏi phải được triển khai đồng bộ ở tất cả các ngành, các cấp, các lĩnh vực trên phạm vi cả nước và ở từng địa phương, đơn vị cơ sở trong thời gian nhiều năm. Do đó, cần tuân thủ các nguyên tắc trong chỉ đạo và thực hiện tái cơ cấu kinh tế như: thực hiện tăng trưởng hợp lý, bền vững và ưu tiên chất lượng tăng trưởng; thực hiện đồng bộ và thống nhất hệ thống các giải pháp tái cơ cấu kinh tế với kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội; tái cơ cấu kinh tế phải gắn liền với tiếp tục đổi mới, mở cửa tích cực và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng tiến hành toàn diện, đồng bộ, tuần tự từng bước và có hệ thống.

Tái cơ cấu Vinashin để tiếp tục phát triển công nghiệp đóng tàu

Trong buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều nay (1/4), Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, việc tái cơ cấu Tập đoàn Vinashin là đảm bảo cho sự phát triển công nghiệp đóng tàu Việt Nam, tiến trình đã được Chính phủ thảo luận rất kỹ và có lộ trình cụ thể.

Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, vì việc tái cơ cấu nợ của Vinashin có liên quan đến các đối tác nước ngoài, các cơ quan trước đây cung cấp vốn cho Vinashin, do đó, trước hết, Tập đoàn Vinashin dưới sự hướng dẫn của Chính phủ đang thực hiện công tác này theo đúng lộ trình, chủ động, kết quả bước đầu đem lại những kết quả tích cực.

(Theo VnMedia)

Các tin khác

YBĐT - Ban thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái tổ chức Hội nghị cán bộ toàn tỉnh nghiên cứu, quán triệt, triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI)/ HĐND tỉnh Yên Bái khóa XVII đã khai mạc kỳ họp thứ 4/ UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị sơ kết, đánh giá lại tình hình chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng quý I và triển khai thực hiện nhiệm vụ quý II/2012... và một số thông khác.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dự lễ dâng hương.

Đúng 7h30 sáng 31-3 (tức mồng 10 tháng 3 âm lịch), lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng diễn ra tại Đền Hùng (Phú Thọ). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng nhiều lãnh đạo, nhân dân dự lễ dâng hương.

Việt Nam khẳng định việc Trung Quốc tổ chức đua thuyền buồm tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đi ngược lại chính cam kết của Trung Quốc là không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông.

YBĐT – Như tin đã đưa, chiều ngày 30/3, HĐND tỉnh Yên Bái khóa XVII đã bế mạc kỳ họp thứ 4 (kỳ họp chuyên đề).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục