Đảng bộ huyện Mù Cang Chải 55 năm xây dựng và phát triển
- Cập nhật: Thứ hai, 2/7/2012 | 10:02:08 AM
YBĐT - Những ngày này, quân và dân các dân tộc Mù Cang Chải (Yên Bái) đang nô nức thi đua học tập, lao động, sản xuất chào mừng kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện, tiến tới kỷ niệm 55 năm ngày thành lập huyện (18/10/1957 - 18/10/2012).
Lãnh đạo xã Cao Phạ và cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Mù Cang Chải kiểm tra chất lượng mô hình thâm canh ngô lai Biôxít trên nương.
(Ảnh: Sùng Chí Sinh)
|
Trước khi Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, nhân dân các dân tộc Mù Cang Chải đã liên tiếp nổi dậy chống lại áp bức bóc lột của thực dân cướp nước và phong kiến tay sai. Các phong trào diễn ra mạnh mẽ, sáng ngời tinh thần yêu nước, tiêu biểu như đội du kích Khau Phạ, Chế Tạo, Lao Chải với những người con tiêu biểu của dân tộc Mông như: Lý Nủ Chu, Giàng A Hồ, Giàng Khua Kỷ... Các đội du kích đã phối hợp với bộ đội chủ lực tổ chức nhiều trận đánh lớn làm cho thực dân Pháp khiếp sợ, góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954), giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Trước yêu cầu và nhiệm vụ mới đối với đồng bào các dân tộc miền núi phía bắc, ngày 18/10/1955 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 606 - TTg lập châu Mù Cang Chải trong khu tự trị Thái - Mèo, gồm 13 xã của ba châu: Than Uyên, Văn Chấn, Mường La. Đến giữa năm 1957 khu tự trị Thái - Mèo đổi thành khu tự trị Tây Bắc. Phần lớn Đảng bộ các châu mới chỉ có Ban cán sự Đảng chưa có điều kiện thành lập châu ủy. Tổ chức cơ sở Đảng còn nhiều yếu kém nhất là vùng cao xa xôi hẻo lánh, nhiều nơi chưa có đảng viên. Vì vậy, công tác phát triển Đảng và xây dựng tổ chức cơ sở Đảng ở vùng cao đặt ra yêu cầu hết sức cấp bách.
Trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, ngày 02/7/1957 Khu ủy Tây Bắc ra quyết định số 41 - QĐ/TB thành lập Ban phụ trách châu Mèo Mù Cang Chải gồm có các đồng chí Phạm Văn Thuận (bí danh Thuận Lợi) - Ban cán sự Đảng châu Than Uyên, đồng chí Nguyễn Trung - cán bộ tổ chức Khu, đồng chí Lò Văn Khét (bí danh Cẩm Yên) thuộc nông hội Mường La.
Đồng chí Thuận Lợi được Khu ủy chỉ định làm tổ trưởng. Ngày 15/7/1957 đoàn cán bộ đã tới văn phòng Khu ủy nhận nhiệm vụ, cùng thời gian này Ban cán sự Đảng châu Than Uyên cử thêm một số cán bộ sang phối hợp với tổ công tác để xúc tiến xây dựng bộ máy hành chính châu Mù Cang Chải. Đoàn gồm: đồng chí Nguyễn Minh Kiển, Nguyễn Đức Cường, Hoàng Văn Sửu, Trần Bình, Trần Văn Minh, Nông Văn Học...
Với sự kiện lịch sử này, từ đây cán bộ, nhân dân các dân tộc châu Mù Cang Chải được sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, tạo bước ngoặt lớn trong lịch sử Đảng bộ huyện.
Ngay sau khi thành lập Ban cán sự Đảng, Châu ủy đã tập trung lãnh đạo ổn định chính trị, đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng. Đặc biệt từ ngày 18/10/1957, Ủy ban hành chính châu được thành lập, đồng chí Phạm Nhương được Ban thường vụ Châu ủy chỉ định làm trưởng Ban cán sự, đồng chí Thuận Lợi được bầu làm Chủ tịch hành chính châu, tiếp đó các cơ quan chuyên môn được thành lập và đi vào hoạt động.
Nhiệm vụ đầu tiên của Đảng bộ và chính quyền huyện là phải tiến hành cuộc cách mạng dân chủ xóa bỏ tận gốc chế độ phong kiến, xóa bỏ bóc lột, giải phóng giai cấp nông dân, đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa, vận động nhân dân hợp tác hóa nông nghiệp. Kết quả, từ năm 1959 đến 1961 đã cải tạo được 28 địa chủ, đem lại cho nông dân 30 công mẫu ruộng, 20 công mẫu nương, 208 con trâu, bò và 57 con ngựa. Từ đây người Mông đã có ruộng đất của mình, cuộc đời đã sang trang mới, càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính phủ, đoàn kết cùng nhau xây dựng quê hương mới.
Năm 1954 đến năm 1975, Đảng bộ vừa lãnh đạo nhân dân xây dựng CNXH vừa chống trả chiến tranh phá hoại bằng không quân, biệt kích, gián điệp của địch. Đảng bộ huyện đã chỉ đạo việc sơ tán, bảo vệ cơ quan huyện, các mục tiêu kinh tế, các vị trí trọng điểm. Thành lập 3 trận địa pháo phòng không bắn rơi 3 máy bay mỹ, tổ chức 12 trung đội dân quân tự vệ thường trực ngày đêm sẵn sàng chiến đấu. Năm 1968 - 1969 đã tổ chức 3 đoàn dân công 300 người sang phục vụ bên nước bạn Lào.
Ngoài ra còn động viên 400 người phục vụ chiến đấu ở trong nước và vận động nhân dân đóng góp nhiều của cải cho cán bộ và các lực lượng làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng trăm con em các dân tộc huyện nhà đã lên đường nhập ngũ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh góp phần cùng nhân dân cả nước đánh thắng đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước.
Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI Đảng khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong huyện đã phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết dân tộc, nỗ lực vươn lên thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và đạt được những thành tựu quan trọng.
Từ nền kinh tế lạc hậu tự cung tự cấp, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn đến nay đã xóa được đói lưu niên, giảm được nghèo, đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân đã được cải thiện rõ rệt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2005-2010 đạt 11,45%/năm. Năm 2011 tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 14%, cao nhất từ trước tới nay, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng nông - lâm nghiệp giảm; tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ tăng; GDP bình quân đầu người đạt trên 6,3 triệu đồng/năm; sản xuất lương thực năm 2011 đạt 21.778 tấn; độ che phủ rừng đạt 56%; tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp năm 2011 đạt trên 31,1 tỷ đồng.
Cơ sở hạ tầng tiếp tục được đầu tư xây dựng. Sự nghiệp văn hoá - xã hội được coi trọng và có nhiều tiến bộ. Việc thực hiện các chính sách xã hội với thương binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, các đối tượng chính sách thường xuyên được đảm bảo. Công tác quốc phòng an ninh được củng cố và tăng cường góp phần làm cho tình hình chính trị - xã hội ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Cùng với những kết quả phát triển kinh tế xã hội, Đảng bộ luôn coi trọng nhiệm vụ then chốt xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị cơ sở. Từ chỗ có 1 tổ Đảng năm 1957 đến nay đã có 34 chi, Đảng bộ trực thuộc và 170 chi bộ thuộc Đảng bộ cơ sở với 1.711 đảng viên, hàng năm 80 - 85 % tổ chức cơ sở Đảng và chính quyền đoàn thể vững mạnh, không có tổ chức yếu kém.
Từ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ nhất tháng 5/1960 đến Đại hội XVII tháng 9/2010 đã khẳng định sự trưởng thành, năng lực lãnh đạo của Đảng bộ trong suốt chặng đường nửa thế kỷ qua với 8 thành tựu nổi bật:
Thứ nhất: Đã tiến hành thắng lợi cách mang dân chủ, đánh đổ giai cấp địa chủ, xóa bỏ chế độ phong kiến áp bức bóc lột, mạng lại ruộng đất và địa vị cho người nông dân lao động.
Thứ hai: Đã động viên sức người sức của tham gia cùng cả nước kháng chiến chống Mỹ thắng lợi hoàn toàn, cả nước đi lên CNXH và thực hiện thành công bước đầu sự nghiệp đổi mới.
Thứ ba: Vận động đồng bào thay đổi tập quán sản xuất, ổn định định canh định cư, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển sản xuất nông lâm nghiệp có hiệu quả, cải thiện đời sống nhân dân.
Thứ tư: Lãnh đạo nhân dân xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực sản xuất và tạo môi trường cảnh quan mới, phục vụ công nghiệp hoá - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn miền núi.
Thứ năm: Đảng bộ đã kiên trì vận động, thuyết phục, giáo dục nhân dân bỏ tập quán lâu đời trồng cây thuốc phiện, đẩy lùi các tệ nạn xã hội đặc biệt là nghiện hút thuốc phiện.
Thứ sáu: Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ lãnh đạo nhân dân phát triển kinh tế - xã hội đã tạo nên bộ mặt mới đối với nông thôn miền núi Mù Cang Chải.
Thứ bảy: Đảng bộ đã tập trung xây dựng lãnh đạo bộ máy tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể vững mạnh, xây dựng được đội ngũ cán bộ các dân tộc trung thành với cách mạng tận tuỵ phục vụ nhân dân.
Thứ tám: Trong quá trình lãnh đạo, Đảng bộ luôn xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, đồng thời phải củng cố, phát triển giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội mang lại bình yên cho người dân.
Với sự đóng góp và thành tích vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Mù Cang Chải trong 55 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, huyện đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quí cho các tập thể, cá nhân và nhân dân các dân tộc trong huyện cùng nhiều huy hiệu, cờ luân lưu, bằng khen của Chính phủ, các bộ, ngành, Quân khu II, Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Nhiều cán bộ đảng viên được trao huy hiệu 55-50-45-30 năm tuổi Đảng.
Phát huy truyền thống vẻ vang, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Mù Cang Chải quyết tâm vượt qua khó khăn thử thách trong giai đoạn cách mạng mới, lãnh đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng, củng cố và xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, đưa huyện Mù Cang Chải ngày một phát triển giàu mạnh.
Ngô Thanh Giang - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải
Các tin khác
YBĐT - Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Yên Bái đã có buổi tiếp xúc với các cử tri tại 9/9 huyện thị trong tỉnh/ UBND tỉnh tổ chức đánh giá tình hình phát triển KT - XH 6 tháng đầu năm, bàn phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm và tham gia vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2013... và một số thông tin khác.
YBĐT - Trải qua 17 kỳ đại hội, mỗi kỳ đại hội là một mốc son trong quá trình lãnh đạo, 67 năm qua, Đảng bộ Yên Bái đã cùng nhân dân vượt qua nhiều khó khăn, vững tin bước vào công cuộc đổi mới trên mọi lĩnh vực với nhiều thành tựu quan trọng, góp phần đưa Yên Bái hòa nhịp cùng cả nước tiến lên CNXH, đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã chọn.
YBĐT - Ngày 29/6, HĐND thành phố Yên Bái khóa XIX đã tổ chức kỳ họp thứ 5 nhằm đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch nhà nước 6 tháng đầu năm, triển khai các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm.
YBĐT - Sự kiện chi bộ cộng sản đầu tiên được thành lập tại thị xã Yên Bái (7.5.1945) là một sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước ngoặt của phong trào cách mạng tỉnh Yên Bái, đưa phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân lên một bước mới.