Hiến pháp phải phù hợp thực tiễn và hội nhập
- Cập nhật: Thứ sáu, 16/11/2012 | 2:33:13 PM
YBĐT - Trong phiên họp cuối tuần, ngày 16/11, Quốc hội dành cả ngày tiếp tục thảo luận sôi nổi về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với các đại biểu Đoàn đại biểu QH tỉnh Yên Bái.
|
Tại phiên thảo luận này, các đại biểu QH tiếp tục bày tỏ quan điểm thống nhất cao với sự cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp. Các ý kiến khẳng định, qua 20 năm thực hiện Hiến pháp năm 1992, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đến nay, đất nước đã có nhiều thay đổi trong bối cảnh tình hình quốc tế có những biến đổi to lớn, sâu sắc và phức tạp, vì vậy, cần sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho phù hợp.
Các đại biểu cơ bản đồng tình với các yêu cầu, quan điểm và phạm vi nội dung sửa đổi mà Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã xác định, đồng thời góp ý cụ thể về các chương, điều, giải thích từ ngữ, tên gọi trong dự thảo; về cách thể hiện các thành phần kinh tế trong Hiến pháp; phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ; cơ quan bảo vệ Hiến pháp; quy trình sửa đổi Hiến pháp; việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp...
Các đại biểu cho rằng, dự thảo sửa đổi đã thể hiện được tinh thần kế thừa, bổ sung và phát triển của Hiến pháp năm 1992. Trong bản so sánh với Hiến pháp năm 1992 do Bộ Tư pháp tổng hợp, Dự thảo Hiến pháp giảm 1 chương, 21 điều; giữ nguyên 18 điều, sửa đổi 95 điều và bổ sung 13 điều mới.
Trong các buổi thảo luận, một số vấn đề hiện còn nhiều ý kiến khác nhau là cách thể hiện các thành phần kinh tế trong Hiến pháp; thẩm quyền điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh; việc bầu thành viên Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; thẩm quyền phong hàm, cấp sỹ quan cấp cao của Chủ tịch nước; phân chia đơn vị hành chính lãnh thổ; địa vị pháp lý của Hội đồng Nhân dân; cơ quan bảo vệ Hiến pháp; việc trưng cầu ý dân về Hiến pháp...
Việc lấy ý kiến nhân dân được thực hiện thông qua các hình thức: góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đến các cơ quan, tổ chức; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm; phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức phù hợp khác.
Thống nhất với các nội dung sửa đổi, đa số các đại biểu đều cho rằng, việc sửa đổi Hiến pháp hướng tới tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn những nội dung cơ bản có tính bản chất của chế độ ta đã được quy định trong Hiến pháp năm 1992 về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Sửa đổi Hiến pháp cũng phải thể chế hóa kịp thời những quan điểm, chủ trương lớn được nêu trong Cương lĩnh và các văn kiện khác của Đảng; đồng thời hoàn thiện kỹ thuật lập hiến, bảo đảm để Hiến pháp thực sự là đạo luật cơ bản, có tính ổn định, lâu dài. Và theo nhiều đại biểu, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, nhưng cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan hành pháp, tư pháp, lập pháp để đảm bảo phát huy vai trò, hiệu quả trong lĩnh vực được phân công.
Về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến. Theo đó, các đại biểu đề nghị bổ sung vào Hiến pháp sửa đổi những điều khoản sao cho thể hiện rõ nét hơn nữa nguyên tắc bình đẳng trong quan hệ của công dân với Nhà nước; các cơ quan Nhà nước phải công khai mọi thông tin để người dân hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình; đồng thời cần bổ sung nhiều hơn điều khoản thể hiện quyền dân chủ của công dân thông qua việc tổ chức trưng cầu dân ý, bầu cử.
Một số đại biểu đề nghị, thay vì quy định kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo nên quy định kinh tế trong nước giữ vai trò chủ đạo cho phù hợp với xu thế phát triển, hội nhập quốc tế. Đồng thời, Hiến pháp cũng cần làm rõ hơn tính chất, mô hình kinh tế và vai trò quản lý của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Các ý kiến cũng đề nghị cần bổ sung quy định đối với thành phần kinh tế tư nhân, bởi đây là thành phần không thể thiếu trong nền kinh tế. Đối với đất đai, có ý kiến đề nghị Hiến pháp sửa đổi cần có quy định cụ thể về quyền sử dụng đất là quyền bất khả xâm phạm của người dân.
Về chế định Chủ tịch nước, hầu hết các ý kiến tán thành với vị trí thống lĩnh lực lượng vũ trang, tuy nhiên cần làm rõ hơn thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh; công bố tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiết quân luật… Có ý kiến đề nghị cần phân định rõ thẩm quyền ký kết Điều ước quốc tế giữa Chủ tịch nước với QH.
Các đại biểu cũng mong muốn những nội dung dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cần sớm được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Trước yêu cầu của thời đại và thực tiễn, việc sửa đổi Hiến pháp 1992 phải bảo đảm phù hợp hơn với sự phát triển của đất nước và công cuộc hội nhập.
Huy Văn
Các tin khác
YBĐT - 40 năm qua, nhà trường đã đón trên 33.000 học sinh đến trường học tập, trong đó trên 10.000 học sinh tốt nghiệp bậc trung học phổ thông. Nhiều học sinh của nhà trường đã trở thành những cán bộ lãnh đạo, giữ các cương vị chủ chốt trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng, trên cương vị mới, ông Tập Cận Bình sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Việt Nam-Trung Quốc.
YBĐT - Đều với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã tiến hành thông qua các dự thảo Nghị quyết về phân bổ ngân sách năm 2013 và Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2013 vào phiên họp sáng 15/11. >> Tiết kiệm 10% chi thường xuyên, tăng lương 100.000 đồng/tháng
YBĐT - Ngày 15/11, đồng chí Tạ Văn Long - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái đã dự Ngày hội đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư thôn Ban Chang, xã Phan Thanh, huyện Lục Yên.