Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng về bến xe Mỹ Đình
- Cập nhật: Thứ năm, 22/8/2013 | 1:28:09 PM
Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản số 8659 /BGTVT-VT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề liên quan đến việc tổ chức, hoạt động bến xe Mỹ Đình trong đó, Bộ Giao thông Vận tải thống nhất với các giải pháp "dẹp" vi phạm tại bến Mỹ Đình của thành phố Hà Nội.
Bến xe Mỹ Đình.
|
5 nguyên nhân bến Mỹ Đình quá tải, lộn xộn
Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và theo khảo sát hiện trạng khai thác tại Bến xe của Bộ Giao thông Vận tải thì nguyên nhân gây ùn tắc giao thông tại Bến xe Mỹ Đình là do sự gia tăng nhanh chóng của nhu cầu vận tải hành khách liên tỉnh giữa phục vụ của Bến xe Mỹ Đình (quận Cầu Giấy, quận Thanh Xuân, huyện Từ Liêm) với các địa phương trong cả nước.
“Công tác quản lý, điều hành bến chưa khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế; việc phân luồng, kiểm soát luồng hành khách ra vào bến chưa được chú trọng... đã dẫn đến lịch trình xuất bến và đến bến của xe khách chưa được quản lý chặt chẽ khiến cho tại một số giờ cao điểm số xe đến bến nhiều hơn số vị trí trả khách có trong bến gây ùn tắc giao thông trong bến và khu vực xung quanh,” Bộ Giao thông Vận tải đánh giá.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông cũng cho rằng, công tác thanh kiểm tra và giám sát việc thực hiện các điều kiện kinh doanh vận tải cũng như phương án khai thác tuyến đã đăng ký của các Sở Giao thông Vận tải chấp thuận khai thác tuyến đến bến Mỹ Đình chưa nghiêm, chưa kịp thời phát hiện và đình chỉ khai thác các phương tiện cũng như đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm quy định.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, các lực lượng thực thi công tác tác tuần tra, bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại khu vực bên ngoài bến xe Mỹ Đình còn bị buông lỏng dẫn đến hiện tượng phương tiện đón trả khách không đúng nơi quy định (bến cóc), phương tiện không đủ điều kiện kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định (xe dù) vẫn đón, trả khách, gây ùn tắc, mất trật tư an toàn giao thông tại khu vực bến xe.
Nguyên nhân cuối cùng mà Bộ Giao thông Vận tải nêu quan điểm là việc thành phố Hà Nội chưa thực hiện đầy đủ quy hoạch bến xe Mỹ Đình. Cụ thể, bến Mỹ Đình được quy hoạch với diện tích là 3,5 ha vào năm 2010. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, bến xe này mới chỉ hoạt động trên mặt bằng chưa đầy 2 ha.
Sớm sắp xếp lại mạng lưới tuyến vận tải
Đánh giá của Bộ Giao thông cũng cho thấy, trật tự an toàn xung quanh bến Mỹ Đình có nhiều chuyển biến trong thời gian từ tháng Sáu đến nay là do các lực lượng công an, chính quyền địa phương, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Xí nghiệp Quản lý bến xe Mỹ Đình) triển khai có hiệu quả các phương án tăng cường thanh tra, tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm đồng thời Sở Giao thông Vận tải cũng đã có phương án rà soát, sắp xếp dự kiến điều chuyển 352 xe đang hoạt động ở bến xe Mỹ Đình về bến xe Yên Nghĩa (221 xe), bến xe Nam Thăng Long (61 xe) và cắt giảm 70 xe trên các tuyến hoạt động kém hiệu quả.
Để tăng cường chấn chỉnh trật tự an toàn giao thông tại bến xe Mỹ Đình, báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải trình lên Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ, Bộ và thành phố Hà Nội đã thống nhất chỉ đạo các đơn vị liên quan về công tác quản lý vận tải hành khách liên tỉnh tại Hà Nội và tại bến xe Mỹ Đình.
Theo đó, các đơn vị chức năng sẽ tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, giải quyết dứt điểm hiện tượng phương tiện đón, trả khách không đúng nơi quy định, phương tiện vận tải hành khách trái phép tại khu vực xung quanh các bến xe trên địa bàn thành phố, đặc biệt là xung quanh khu vực bến Mỹ Đình.
“Thành lập tổ công tác liên ngành hoạt động tại các bến xe gồm Công an, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải và đại diện Công ty Quản lý bến xe, thực hiện giao ban hàng sáng để giải quyết các vướng mắc trong ngày,” Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị.
Song song với việc ứng dụng công nghệ nâng cao hiệu quả khai thác của bến xe với mặt bằng hiện có, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu cần đẩy nhanh thủ tục đầu tư để mở rộng bến Mỹ Đình theo cơ chế đặc thù Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định, hoàn thành việc đầu tư trong tháng 12/2013.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải và Hà Nội cũng thống nhất thực hiện trong việc phải sớm hoàn thiện phương án điều chỉnh hoạt động khai thác của các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh cố định tại bến xe Mỹ Đình, kiểm tra điều kiện của đơn vị kinh doanh vận tải trước khi thực hiện; khẩn trương xác định vị trí bến xe mới trung hạn tại khu vực phía Nam thành phố; có giải pháp quản lý hiệu quả hoạt động vận tải hành khách và các bến xe đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch phát triển bến xe khách liên tỉnh trên địa bàn thủ đô./.
Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ôtô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, có hiệu lực từ ngày 1/10/2013. Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải đang xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ thay thế Nghị định số 91/2009/NĐ-CP theo hướng quy định chặt chẽ hơn nữa về điều kiện được phép kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định. Dự kiến, dự thảo Nghị định này sẽ được trình Chính phủ trong quý I/2014. |
Các tin khác
Ngày 20/8, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung chính sách tái định cư và Khung chính sách dân tộc thiểu số của Dự án "Quản lý tổng hợp tài nguyên nước Mekong" vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB).
YBĐT - Cụ thể hóa Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thành phố Yên Bái đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết một cách đồng bộ, hiệu quả.
Mức giá điện thương phẩm bình quân mới là 1.508,85 đồng/KWh, tăng 71,85 đồng/KWh so với mức giá hiện hành 1.437 đồng/kWh.
Ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho biết, xuất khẩu than đang giảm mạnh nên doanh thu và kết quả kinh doanh thấp.