Giá sữa vẫn... bất kham

  • Cập nhật: Thứ tư, 2/10/2013 | 8:24:09 AM

Bộ Y tế dự kiến ban hành thông tư mới nhằm chấn chỉnh tình trạng giá sữa tăng vô tội vạ nhưng nhiều ý kiến hoài nghi về hiệu quả của thông tư này

Giá sữa ngoại đã tăng giá 5 lần từ đầu năm đến nay
Giá sữa ngoại đã tăng giá 5 lần từ đầu năm đến nay

Ngày 1-10, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã tổ chức lấy ý kiến của đại diện Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh các sản phẩm sữa để đóng góp cho dự thảo Thông tư Danh mục sữa và các sản phẩm từ sữa thuộc mặt hàng dành cho trẻ dưới 6 tuổi.

Đổi tên để tăng giá

Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết: Theo dự thảo này, các sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ từ 0-36 tháng tuổi, sữa và sản phẩm dinh dưỡng có chứa sữa được bổ sung hoặc không có bổ sung vi chất dinh dưỡng nhưng không theo công thức đã quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật có công bố sử dụng cho trẻ dưới 6 tuổi, sẽ được đưa vào danh mục kiểm soát giá.

Tại cuộc họp xây dựng danh mục các sản phẩm dinh dưỡng chứa sữa, các mặt hàng sữa nước dành riêng cho trẻ dưới 6 tuổi cũng được đề nghị đưa vào danh mục quản lý giá theo quy định tại Luật Giá. Ông Trung cho biết nếu thông tư này được thông qua, kể từ ngày 20-11, các mặt hàng trên sẽ được kiểm soát giá tương tự các sản phẩm sữa trước đây.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Người Lao Động, từ nhiều tháng nay, các sản phẩm vốn có tên gọi là sữa bột của nhiều hãng sữa như Friso, Enfa, Dutch Lady, Dielac, Dumex, một số sản phẩm của hãng sữa Abbott… đã bất ngờ đổi tên gọi thành “sản phẩm dinh dưỡng”, “thực phẩm bổ sung”, “sản phẩm dinh dưỡng chất lượng cao”.

Trong khi Bộ Y tế cho rằng việc “thay tên đổi họ” này phù hợp với các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, làm căn cứ cho việc thực hiện quản lý nhà nước thì Bộ Tài chính nhận định đây là kẽ hở để các doanh nghiệp lợi dụng ồ ạt tăng giá sữa. Bởi từ khi thay tên gọi mới, các sản phẩm vốn được gọi là sữa trước đây được loại khỏi nhóm hàng hóa cần phải quản lý giá. Do đó, các doanh nghiệp đã tự ý tăng giá mặt hàng này mà không phải đăng ký với cơ quan chức năng.

Doanh nghiệp hưởng lợi kép

Theo các chuyên gia, việc kiểm soát giá rất cần thiết đối với những sản phẩm đổi tên gọi nhưng bản chất, thành phần, hàm lượng sản phẩm vẫn được giữ nguyên. Tuy vậy, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng việc đưa các “sản phẩm dinh dưỡng”, “thực phẩm bổ sung” vào danh mục do Bộ Tài chính quản lý giá chưa chắc đã giúp làm cho mặt hàng này giảm giá.

“Bằng chứng là trong 6 năm gần đây, giá sữa đã tăng gấp 30 lần, mỗi lần tăng từ 3%-20%. Chỉ riêng từ đầu năm đến nay, nhiều hãng sữa ngoại tăng giá lần thứ 5 liên tiếp. Việc đổi tên sữa thời gian qua có thể chỉ là cơ hội để sữa tiếp tục tăng giá chứ không phải là nguyên nhân chính” - ông Phú nhận định.

Ông Phú phân tích giá sữa... bất kham do công tác quản lý còn thiếu chặt chẽ. Giá sữa được cho là hợp lý nếu giá bán đến tay người tiêu dùng cao hơn khoảng 30% so với giá gốc. Trong khi đó, giá sữa tại Việt Nam bị đẩy lên cao từ 400%-500% so với giá gốc là quá phi lý song vẫn không có cơ quan nào chịu trách nhiệm.

Hiện cả nước có tới 200 nhà nhập khẩu, chiếm đến 80% thị trường sữa bột cho trẻ nhỏ nên các hãng sữa nước ngoài đã độc quyền thao túng thị trường sữa. “Để kiểm soát giá sữa, Bộ Tài chính phải có trách nhiệm xây dựng cơ cấu giá thành để kiểm soát giá sữa. Trong điều kiện doanh nghiệp bán giá bất hợp lý mà không có biến động thì phải kiểm tra giá” - ông Phú kiến nghị.

Một số ý kiến cho rằng Bộ Y tế ban hành Thông tư Danh mục sữa và các sản phẩm từ sữa thuộc mặt hàng dành cho trẻ dưới 6 tuổi công nhận các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ là “thực phẩm bổ sung” hay “sản phẩm dinh dưỡng” còn ảnh hưởng đến việc thực thi Luật Quảng cáo. Trong đó có điều khoản quy định cấm quảng cáo các sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi, có hiệu lực từ tháng 1-2013. Nếu sữa cho trẻ thành “sản phẩm dinh dưỡng” cho trẻ nhỏ thì các loại sản phẩm này sẽ được phép quảng cáo dưới mọi hình thức. Nhiều ý kiến cũng lo ngại việc gọi tên không đúng khiến các nhà kinh doanh sản phẩm sữa cho trẻ nhỏ có thể lách các quy định cấm quảng cáo, từ đó thúc đẩy sử dụng các sản phẩm ngoài sữa mẹ sớm hơn.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam:

Lỗ hổng trong chính sách

Ở góc độ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chúng tôi quan tâm đến việc các cơ quan quản lý phải phối hợp trong việc quản lý mặt hàng sữa từ giá cả, chất lượng, thông tin, quảng cáo; bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng, nhất là cho trẻ nhỏ vì đây là mặt hàng thiết yếu như cơm ăn, nước uống hằng ngày đối với người lớn.

Việc giá sữa liên tục tăng mà không thể can thiệp phải chăng có lỗ hổng trong cơ chế, chính sách? Do đó cần sớm có biện pháp hữu hiệu để bình ổn mặt hàng này.

(Theo NLĐO)

Các tin khác
Cây bưởi góp phần tăng thu nhập đáng kể cho nhân dân Đại Minh.

YBĐT- Xã Đại Minh (Yên Bình) được thiên nhiên ban tặng cho vùng thổ nhưỡng phù hợp với cây bưởi đã làm nên thương hiệu bưởi đặc sản Đại Minh. Bưởi Đại Minh không chỉ là tiếng thơm trên danh nghĩa mà đã góp phần không nhỏ giúp tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân.

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tạ Văn Long tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân thực hiện tốt chính sách thuế năm 2012.

YBĐT - Những năm gần đây, các thành phần kinh tế và cơ quan thuế đã phối hợp chặt chẽ với nhau trong nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cũng như tổ chức thực hiện chính sách pháp luật thuế, nhờ đó công tác thu ngân sách của tỉnh có những dấu hiệu tích cực. Yên Bái đang xuất hiện những điểm sáng là các tổ chức, cá nhân không những sản xuất, kinh doanh hiệu quả mà còn thực hiện nghiêm quy định về thu nộp ngân sách.

Theo dự kiến, Hà Nội sẽ thông xe cầu vượt rộng nhất Việt Nam tại nút giao Deawoo vào ngày mùng 5 hoặc mùng 6 tới.

Theo dự định, cầu vượt tại ngã tư Deawoo sẽ được thông xe vào dịp Giải phóng Thủ đô (10/10). Tuy nhiên, vào ngày mùng 5 hoặc mùng 6 tới đây, cây cầu vượt được cho là rộng nhất Việt Nam này có thể sẽ được thông xe sớm hơn kế hoạch đề ra.

Ảnh minh họa

Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NNPTNT, cho biết từ khi triển khai thu phí dịch vụ môi trường rừng (từ năm 2011 đến tháng 9/2013), số tiền về tài khoản của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Trung ương và các địa phương đã thu khoảng 2.300 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục