Mậu Đông phát triển mạnh cây sắn
- Cập nhật: Thứ tư, 16/10/2013 | 8:43:24 AM
YBĐT - Không có những điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành nghề dịch vụ - tiểu thủ công nghiệp như các xã lân cận khu vực trung tâm huyện lỵ nhưng Mậu Đông lại được biết đến là vùng trọng điểm sản xuất sắn hàng hóa của huyện Văn Yên. Từ năm 2002 trở lại đây, sắn đã thực sự trở thành cây thế mạnh và chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương này.
Đồi sắn gần 2ha của gia đình anh Nguyễn Văn Tài, thôn Cầu Khai mỗi năm cho thu nhập vài chục triệu đồng.
|
Ông Vũ Xuân Nam - Phó chủ tịch UBND xã Mậu Đông chia sẻ: “Mặc dù đầu ra của cây sắn hiện nay chủ yếu vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, có năm giá sắn thô tăng cao, cũng có thời điểm rớt giá nhưng so với một số cây trồng chính của địa phương thì sắn hiện tại vẫn là cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao cho bà con. Đây cũng là cây trồng đem lại nguồn thu chính để người dân xóa nghèo và vươn lên làm giàu”.
Theo ông Nam, năm trước, đầu vụ, sắn thô của dân bán ra chỉ được 10.000 - 11.000 đồng/yến nhưng có thời điểm, giá lại vọt lên tới 15.000 - 16.000 đồng/yến, trung bình giá sắn niên vụ 2012 đạt 12.000 - 13.000 đồng/yến, thấp hơn năm 2011 dù giá sắn năm 2011 cũng thấp hơn so với những năm trước đó. Mậu Đông thuận lợi hơn các địa phương khác trong vùng là nhà máy chế biến sắn đứng chân trên địa bàn xã nên việc tiêu thụ sản phẩm cho nông dân cũng có phần thuận tiện.
Tuy nhiên, sản lượng sắn tiêu thụ chủ yếu phụ thuộc vào thương lái nên giá cả thấp, cao không do người sản xuất giữ phần điều hành. Nông dân Văn Yên nói chung và người làm nông nghiệp ở xã Mậu Đông nói riêng đã sống được bằng cây sắn nên cùng với gần 130ha cây lương thực có hạt được chăm sóc tốt thì trên 500ha sắn đã được người dân địa phương chú trọng đầu tư chăm bón, áp dụng quy trình canh tác bền vững. Hiện tại, xã Mậu Đông đã có gần 100ha sắn canh tác bền vững trên đất dốc, trong đó diện tích canh tác tạm thời, trồng xen canh đậu đỗ là 61ha, diện tích canh tác lâu dài 31ha gồm cây cốt khí 20ha và keo trồng trên đỉnh đồi 11ha.
Có 2.810ha đất canh tác, chủ yếu là đất đồi, khí hậu, thổ nhưỡng rất phù hợp với trồng sắn nên Mậu Đông là 1 trong 5 xã trọng điểm được huyện Văn Yên quy hoạch thành vùng cung cấp nguyên liệu quan trọng cho các cơ sở chế biến tinh bột sắn trong và ngoài tỉnh. Từ khi các hộ đầu tư trồng và chế biến sắn với quy mô lớn thì số hộ nghèo trong xã đã giảm xuống đáng kể. 3/4 trong tổng số gần 1.300 hộ dân trên địa bàn đang tham gia hoạt động trong lĩnh vực sản xuất này.
Nhìn những đồi núi nối tiếp nhau xanh bạt ngàn là sắn không thể nói nông dân Mậu Đông không cần cù chịu khó lại càng không thể hoài nghi về vị trí của loại cây trồng này trong chiến lược phát triển kinh tế của địa phương.
Từ định hướng đúng đắn của Đảng ủy, chính quyền địa phương và nhận thức rõ lợi ích kinh tế từ loại cây trồng này trong phát triển kinh tế hộ, đặc biệt trong công tác xóa đói giảm nghèo mà Đảng bộ xã Mậu Đông không khó thực hiện đạt mục tiêu giảm 0,6% hộ nghèo/năm theo hướng bền vững. Với gần 200 lò chế biến sắn lát tại các hộ gia đình, việc trồng và chế biến sắn ở Mậu Đông đã và đang hình thành những mô hình liên kết sản xuất và phân công lao động ngày càng rõ.
Vụ sắn năm nay, nhiều nông hộ ở xã Mậu Đông rất phấn khởi vì được Quỹ Hỗ trợ nông dân hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi. Dự án trồng và chế biến sắn củ do Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Hội Nông dân tỉnh Yên Bái thực hiện tại xã đã triển khai hỗ trợ cho 30 hộ nông dân vay 900 triệu đồng với lãi suất 0,8% trong thời gian 18 tháng nhằm tiếp sức cho người trồng sắn xây dựng các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, phát triển ngành nghề, xóa đói giảm nghèo và làm giàu.
Nói như ông Vũ Xuân Nam - Phó chủ tịch UBND xã Mậu Đông thì “Tiền bạc hay các khoản chi phí lớn của người dân đều trồng cả vào nương sắn. Với những hộ có diện tích sắn lớn cỡ chừng 7 - 10ha thì thực sự thu nhập một năm từ cây sắn rất khá. Nói gì thì nói, dù giá cả có lên, xuống thất thường thì cây sắn vẫn đang là cây kinh tế mũi nhọn, cho thu nhập chính đối với người dân địa phương. Phát triển kinh tế từ cây sắn, áp dụng kỹ thuật canh tác bền vững hiện vẫn là một trong những giải pháp hữu hiệu được Đảng bộ, chính quyền địa phương tập trung thực hiện, từng bước đạt tiêu chí về thu nhập trong lộ trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo”.
Phạm Minh
Các tin khác
YBĐT - Ngày 13/8/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT).
15.000 lượng vàng sẽ được Ngân hàng Nhà nước chào bán sáng 16/10, sau khi chênh lệch giá tăng lên mức cao nhất trong nhiều tuần lễ.
YBĐT - Mặc dù thời vụ sản xuất vụ đông năm nay sớm hơn cả chục ngày so với mọi năm nhưng khí thế sản xuất ở các địa phương trong tỉnh Yên Bái vẫn rất khẩn trương, gấp rút. Đến nay, các địa phương đã cơ bản gieo trồng xong cây vụ đông đúng khung thời vụ.
YBĐT - Cuối năm thường là dịp hoạt động buôn bán, kinh doanh, vận chuyển hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng diễn biến phức tạp. Do vậy, công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa được các ngành chức năng xác định là một trong những giải pháp quan trọng góp phần kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.