Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp
- Cập nhật: Thứ năm, 24/10/2013 | 9:52:38 AM
YBĐT - Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm cho mùa vụ gấp gáp hơn, nguồn lao động nông nghiệp đang thiếu hụt, chi phí thuê nhân công tăng... làm giảm giá trị thu nhập trên mỗi héc-ta canh tác. Từ những yếu tố đó cho thấy, sản xuất nông nghiệp cần đẩy mạnh cơ giới hóa để luân canh tăng vụ, giảm công lao động, tăng thu nhập, giúp cho lao động nông nghiệp chuyển sang công nghiệp dịch vụ.
Đưa cơ giới hóa vào sản xuất góp phần giải phóng sức lao động.
|
Thực tế càng ngày sản xuất nông nghiệp càng đòi hỏi cao và gấp gáp về mùa vụ. Trước đây, mỗi thửa ruộng có đủ các điều kiện cần thiết, nông dân cũng chỉ sản xuất một đến hai vụ lúa nhưng nay đã là ba vụ, thậm chí bốn vụ trong năm. Hệ số sử dụng đất ngày càng tăng cũng đồng nghĩa với giá trị thu nhập trên mỗi héc-ta canh tác tăng cao. Muốn luân canh gối vụ thì ngoài chọn giống, cơ cấu cây trồng phù hợp, nông dân còn phải áp dụng tính thời vụ cao. Đó cũng là lý do mà nhiều địa phương đến nay cũng chỉ thực hiện được 2 vụ lúa/năm, muốn làm vụ ba nhưng thời vụ gấp không làm được.
Tại một số vùng lúa trọng điểm, bà con đã đưa cơ giới hóa vào khâu làm đất, thu hoạch và sau thu hoạch nên hiệu quả sản xuất tăng cao, mùa vụ được thực hiện tốt. Cơ giới hóa trong các khâu sản xuất đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nhất là sản xuất cây lúa vẫn còn nhiều hạn chế. Hạn chế bởi hiện nay, chính sách hỗ trợ nông dân đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp gần như không có.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch còn yếu, nhất là vùng sản xuất tập trung. Ruộng nương manh mún, nhỏ lẻ nên rất khó có thể đưa máy móc hiện đại vào sản xuất đạt hiệu quả. Cơ chế, chính sách thu hút, khuyến khích đầu tư cho nông nghiệp nói chung, sản xuất, kinh doanh nông nghiệp nói riêng chưa được quan tâm thỏa đáng.
Ông Mai Mộng Tuân - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cũng thẳng thắn thừa nhận: “Sự hỗ trợ của tỉnh trong việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp chưa được nhiều. Mới chỉ có một phần nhỏ thông qua kênh hỗ trợ từ các chương trình của khuyến nông và mới chỉ dừng lại ở mức trình diễn hoặc hỗ trợ một phần kinh phí nên số lượng nông dân được hưởng lợi còn hạn chế”.
Năm 2013, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai thực hiện dự án cơ giới hóa trong sản xuất lúa. Chương trình đã triển khai tại xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái) 6 máy làm đất đa năng, xã Việt Cường 3 máy và Hưng Thịnh (Trấn Yên) 5 máy. Trong quá trình thực hiện, Trung tâm đã phối hợp với các địa phương và người dân được tham gia mô hình thực hiện trên đồng ruộng. Kết quả cho thấy, hiệu quả kinh tế mang lại khá rõ nét.
Trên 1 héc-ta làm theo truyền thống, thủ công, chỉ tính riêng khâu làm đất hết khoảng 4.050.000 đồng nhưng làm bằng máy cày cầm tay 8 HP chỉ hết có 2.646.000 đồng, làm bằng máy 1Z-41A8HP chi phí chỉ còn 1.323.000 đồng. Máy làm đất đa năng có ưu điểm gọn, nhẹ, thao tác đơn giản, tiết kiệm nhiên liệu, độ bền cao. Đây cũng là loại máy phù hợp với những thửa ruộng nhỏ, bậc thang, làm đất màu, đất soi bãi... và năng suất lao động cao, đẩy nhanh tiến độ làm đất, thời vụ sản xuất vụ 3 trên đất 2 vụ lúa.
Ông Lê Xuân Ngôn ở xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái) tham gia thực hiện dự án cơ giới hóa khẳng định: “Không chỉ hiệu quả kinh tế, năng suất cây trồng tăng, đáp ứng mùa vụ mà làm máy có năng suất lao động tăng từ 12 đến 15 lần so với lao động thủ công”.
Đưa máy móc vào sản xuất là góp phần tăng năng suất lao động, đáp ứng mùa vụ một cách hiệu quả và giảm sức lao động, hầu hết người nông dân đều muốn thực hiện. Tuy nhiên, mong muốn của người dân là Nhà nước, tỉnh, ngành nông nghiệp có những cơ chế hỗ trợ phù hợp để họ có điều kiện tiếp cận, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Bên cạnh đó, các địa phương, người dân cần chú trọng thực hiện việc dồn điền đổi thửa để tiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Qua đó, đời sống nhân dân sẽ được nâng cao, góp phần quan trọng hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Thanh Phúc
Các tin khác
Văn phòng Chính phủ vừa có Công văn số 8864/VPCP-KTTH tới Bộ Công thương về việc 3 nhà mạng lớn Viettel, MobiFone, Vinaphone đồng loạt tăng cước dịch vụ 3G.
Ủy ban Tài chính Ngân sách đồng tình với đề xuất nâng trần bội chi từ 4,8% GDP lên 5,3% GDP theo đề nghị của Chính phủ cũng như việc cắt giảm một số khoản chi trong bối cảnh hụt thu lớn như hiện nay.
YBĐT - Những năm qua, Trại giống Thủy sản Nghĩa Lộ (Yên Bái) luôn nỗ lực trong việc nghiên cứu, sản xuất, ươm nuôi các loại cá giống từ truyền thống đến đặc sản, chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật… phục vụ nhu cầu phát triển nghề nuôi thủy sản của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Ngày 22-10, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị về tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB), bảo đảm an toàn giao thông để triển khai các dự án đầu tư mở rộng quốc lộ (QL) 1 và đường Hồ Chí Minh đi qua khu vực Tây Nguyên.