Việt Nam trụ hạng vị trí 99 xếp hạng môi trường kinh doanh

  • Cập nhật: Thứ ba, 29/10/2013 | 2:18:25 PM

Trong báo cáo xếp hạng môi trường kinh doanh “Doing Business 2014” mà Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hôm nay (29/10), Việt Nam giữ nguyên vị trí thứ 99 của xếp hạng năm 2013. Đây cũng là vị trí thấp nhất của Việt Nam trong xếp hạng này kể từ năm 2006.

Báo cáo của WB năm nay có 189 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng, tăng thêm 6 quốc gia và vùng lãnh thổ so với báo cáo năm ngoái. Có thể xem việc Việt Nam trụ hạng trong báo cáo năm nay như một tín hiệu ít nhiều tích cực, bởi vì số quốc gia và vùng lãnh thổ được đưa vào xếp hạng tăng thêm. Chưa kể, trong xếp hạng 2013, Việt Nam đã bị tụt một bậc.

Từ năm 2006 tới nay, chưa khi nào Việt Nam có xếp hạng Doing Business thấp hơn mức hiện nay. Năm 2006, Việt Nam rớt xuống vị trí thứ 104 của xếp hạng.

Bản báo cáo của WB đưa ra 10 tiêu chí để đánh giá về mức độ “dễ thở” của môi trường kinh doanh đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng, bao gồm thành lập doanh nghiệp, cấp phép xây dựng, cấp điện, đăng ký tài sản, vay vốn tín dụng, bảo vệ nhà đầu tư, đóng thuế, thương mại quốc tế, thực thi hợp đồng,  và giải quyết doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

Trong thời gian 1 năm tính đến tháng 6/2013, Việt Nam được ghi nhận đã có sự cải cách ở các vấn đề về vay vốn tín dụng, bảo vệ nhà đầu tư, đóng thuế, và tuyển dụng lao động. Trong đó, theo WB, các cải cách về vay vốn tín dụng và bảo vệ nhà đầu tư là những cải cách mang tính hỗ trợ cho môi trường kinh doanh.

Báo cáo nêu rõ, Việt Nam đã cải thiện hệ thống thông tin tín dụng thông qua một nghị định thiết lập khung pháp lý cho việc thành lập các trung tâm thông tin tín dụng tư nhân. Việt Nam cũng đã tăng cường bảo vệ nhà đầu tư bằng cách đưa ra những yêu cầu chặt chẽ hơn về công bố thông tin đối với các công ty đại chúng.

Tuy nhiên, Việt Nam nhận được đánh giá rất thấp ở nhiều tiêu chí của xếp hạng. Chẳng hạn, xếp thứ 109/189 về tiêu chí thành lập doanh nghiệp, 156/189 về cấp điện, 157/189 về bảo vệ nhà đầu tư, 149/189 về đóng thuế, và 149 về giải quyết doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

Xét trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cũng đứng sau một loạt quốc gia, bao gồm Singapore (vị trí số 1), Malaysia (6), Thái Lan (18) và Brunei (59). Các quốc gia cùng khu vực đứng sau Việt Nam trong xếp hạng này bao gồm Philippines (108), Indonesia (120), Campuchia (137), Lào (159), Timor-Leste (172), và Myanmar (182).

Quốc gia láng giềng Trung Quốc có xếp hạng không cao hơn Việt Nam là mấy, đứng ở vị trí thứ 96.

Một điểm sáng của khu vực Đông Nam Á trong báo cáo năm nay là Malaysia. Từ vị trí thứ 12 trong xếp hạng Doing Business 2013, Malaysia đã nhảy lên vị trí thứ 6 trong xếp hạng 2014.

Trên phạm vi toàn cầu, Singapore vẫn là quốc gia có môi trường kinh doanh tốt nhất theo xếp hạng của WB. Các quốc gia và vùng lãnh thổ còn lại trong top 10 bao gồm Hồng Kông (2), New Zealand (3), Mỹ (4), Đan Mạch (5), Malaysia (6), Hàn Quốc (7), Georgia (8), Nauy (9), và Anh (10).

Nước “đội sổ” trong xếp hạng này là Chad, quốc gia ở châu Phi. Đứng thứ nhì thế giới về độ tệ hại của môi trường kinh doanh theo xếp hạng của WB là một quốc gia khác ở “lục địa đen”, Cộng hòa Trung Phi.

Dự án và báo cáo chung về môi trường kinh doanh của WB bắt đầu được triển khai vào năm 2003 với việc công bố báo cáo môi trường kinh doanh 2004. Báo cáo năm nay là báo cáo thứ 11 được thực hiện.

(Theo VnEconomy)

Các tin khác

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có báo cáo kết quả giám sát an toàn thực phẩm đối với sữa đậu nành, sữa đậu xanh và nguyên liệu pha chế sữa trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Tỷ lệ hộ dân có gia súc làm chuồng trại đạt trên 90%.

YBĐT - Để phòng tránh thiệt hại cho đàn gia súc khi mùa đông đến, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với các xã sớm triển khai giải pháp phòng chống đói, rét cho đàn gia súc. Vấn đề này thực sự cấp thiết, nhất là khi tình hình thời tiết ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Quyết định số 61/2013/QĐ-TTg về việc cung cấp thông tin và phối hợp thực hiện công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Hợp đồng bán động cơ cho Vietnam Airlines có giá trị lớn nhất trong 20 năm GE hoạt động tại Việt Nam.

Ngày 28-10, bên lề lễ chào mừng Đoàn đại biểu Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN lần đầu sang thăm và làm việc tại Việt Nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Tập đoàn General Electric đã ký hợp đồng mua 40 động cơ GEnx cho đội tàu bay Boeing 787 Dreamliners của Vietnam Airlines, dự kiến sẽ được chuyển giao vào năm 2015.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục