Tăng nguồn cung cho thị trường cuối năm

  • Cập nhật: Thứ ba, 5/11/2013 | 10:00:40 AM

YBĐT - Vài tháng trở lại đây, ngành chăn nuôi, nhất là nuôi lợn và gia cầm phải đối mặt với khó khăn như dịch bệnh, gia cầm nhập lậu, thức ăn tăng cao nhưng giá thành lại giảm. Với thực trạng như hiện nay, nếu không có giải pháp kịp thời thì rất có thể những tháng cuối năm 2013 và đầu năm 2014, nguồn cung thực phẩm cho thị trường sẽ thiếu trầm trọng.

Người chăn nuôi và các chủ trang trại tích cực đầu tư chăn nuôi để tăng nguồn cung cho thị trường cuối năm.
Người chăn nuôi và các chủ trang trại tích cực đầu tư chăn nuôi để tăng nguồn cung cho thị trường cuối năm.

Xác định phát triển mạnh chăn nuôi không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn làm giàu cho nông dân, những năm gần đây, Yên Bái đã có nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy chăn nuôi. Các hộ chăn nuôi có quy mô lớn được hỗ trợ vốn, kỹ thuật và phòng chống dịch bệnh. Nhờ vậy, phong trào chăn nuôi, nhất là nuôi lợn phát triển mạnh.

Bên cạnh đó, nhận thức của người dân, người chăn nuôi đã được nâng lên, nhiều hộ gia đình đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng chuồng trại, phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại hiệu quả.

Nếu như năm 2008, tổng đàn lợn mới đạt 397.000 con thì năm 2012 đã đạt trên 450.000 con, dự kiến năm 2013 sẽ đạt trên 470.000 con. Tuy nhiên, trong vòng mấy tháng trở lại đây, ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn. Nhiều hộ chăn nuôi đã đầu tư chuồng trại với số vốn cả trăm triệu đồng nhưng nay lại không muốn tái đàn, không hào hứng đầu tư vào chăn nuôi.

Vào thời điểm cuối năm 2012, đầu năm 2013, giá lợn hơi bán bình quân ở mức 60.000 - 65.000 đồng/kg nhưng nhiều hộ chăn nuôi cũng không mặn mà. Nguyên nhân chính là người chăn nuôi khó tiếp cận nguồn vốn vay, dịch bệnh xảy ra liên tiếp khiến họ e ngại. Bên cạnh đó là thiếu giống, nhất là giống tốt, giống sạch bệnh.

Một vấn đề nữa là giá thức ăn chăn nuôi cao, một bao cám 52S loại 25kg có giá 220.000 đồng cuối năm 2012 nay tăng lên 280.000 đồng. Không chỉ giá thức ăn tăng mà giá lợn giống cũng tăng 5.000 - 7.000 đồng/kg nhưng giá lợn hơi lại ngày một giảm, có thời kỳ chỉ được 34.000 - 35.000 đồng/kg. Thời điểm cuối tháng 10/2013, giá lợn hơi tuy đã tăng nhưng cũng chỉ ở mức 40.000 - 42.000 đồng/kg và người chăn nuôi cũng chỉ hòa vốn chứ không hề có lãi.

Theo quy luật của thị trường, giá thịt lợn từ nay đến cuối năm và những tháng đầu năm sau sẽ tăng. Tuy không bằng cuối năm 2012 nhưng có thể đạt ngưỡng 50.000 - 55.000 đồng/kg lợn hơi. Với mức tăng như vậy, người chăn nuôi sẽ có lãi. Thực tế, nếu giá bình quân chỉ đạt 45.000 đồng/kg nhưng người chăn nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật, có quy trình chăn nuôi tốt thì vẫn sinh lời.

Nhu cầu thị trường của những tháng cuối năm rất lớn, do đó nông dân, các chủ trang trại tích cực tái đàn thúc đẩy chăn nuôi. Khi đầu tư tái đàn, yêu cầu đầu tiên là phải lựa chọn con giống tốt và sạch bệnh, được tiêm phòng đầy đủ, không nên mua con giống trôi nổi không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ vốn vay với lãi suất ưu đãi mua giống, thức ăn, xây dựng chuồng trại...

Ngành nông nghiệp, các địa phương tích cực vận động nhân dân đầu tư thúc đẩy chăn nuôi và làm tốt công tác giám sát chất lượng con giống, vận chuyển gia súc, kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ. Trước mắt, các ngành chức năng cần tăng cường kiểm soát dịch bệnh, quản lý chặt chẽ, không để gia súc, gia cầm, nhất là gà thải loại, con giống không rõ nguồn gốc nhập lậu gây bất ổn cho thị trường và sản xuất chăn nuôi. Người chăn nuôi cũng chủ động tiết kiệm, giảm chi phí đầu vào, trước tiên là giảm chi phí thức ăn; khuyến khích sử dụng thức ăn chế bằng nguyên liệu tại chỗ, hạn chế sử dụng thức ăn công nghiệp hỗn hợp hoàn chỉnh sang sử dụng thức ăn đậm đặc phối trộn với các nguồn nguyên liệu có sẵn như: ngô, cám, khoai, sắn.

Với cách làm này sẽ giúp giảm giá thành ít nhất là 7%. Mặt khác, tỉnh cũng cần nghiên cứu và hỗ trợ các hộ chăn nuôi có quy mô từ 50 con lợn trở lên để tạo đà thúc đẩy chăn nuôi rộng khắp. Nếu cứ giữ ở mức quy mô chăn nuôi trên 100 con trở lên mới được hỗ trợ thì sẽ rất khó cho nhiều hộ dân muốn chăn nuôi nhưng lại không đủ điều kiện. Phát triển chăn nuôi, tích cực tái đàn là giải pháp duy nhất để tăng nguồn cung cho thị trường và bình ổn giá thịt nhưng có lẽ đó cũng mới chỉ là giải pháp trước mắt chứ chưa có tính lâu dài.

Để chăn nuôi ổn định bền vững và phát triển đòi hỏi chúng ta phải có chiến lược trong quy hoạch vùng chăn nuôi trọng điểm đối với những loại vật nuôi như: lợn, gà, trâu, bò. Đồng thời là đầu tư cơ sở cung ứng con giống chất lượng sạch bệnh cũng như Nhà nước phải quản lý giá thức ăn chăn nuôi, kiểm soát tốt dịch bệnh.

 Thanh Phúc

Các tin khác

Bộ Tài chính vừa có Thông tư 149 quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chiều 4/11, tại họp báo thường kỳ, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm nhưng chưa đến mức để giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước.

Ảnh minh họa.

Bộ Giao thông Vận tải vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch chi tiết đường vành đai 5-vùng Thủ đô Hà Nội với tổng mức đầu tư xây dựng là 85.561 tỷ đồng cho tuyến đường dài 335km với quy mô 4-6 làn xe.

Nhà anh Lương Văn Tư thường xuyên có khách du lịch nước ngoài đến nghỉ.

YBĐT - Nằm ở trung tâm huyện lỵ, có quốc lộ 32 nối liền tỉnh Lai Châu, tỉnh Lào Cai với thị xã Nghĩa Lộ, thành phố Yên Bái của tỉnh nên việc thông thương, trao đổi hàng hóa ở thị trấn Mù Cang Chải tương đối thuận lợi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục