Thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp: Đôi điều trao đổi
- Cập nhật: Thứ hai, 11/11/2013 | 3:12:23 PM
YBĐT - Nông dân hiện nay còn nghèo và vất vả. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó phải kể tới chuyện thu nhập trên mỗi đơn vị diện tích rất thấp.
Nếu không có khí hậu đặc thù và chất đất hiếm thì đại bộ phận ruộng đất chỉ có thể gieo trồng hai vụ lúa, một vụ màu.
|
Đơn cử như một sào ruộng, canh tác giỏi một năm cũng chỉ thu về 2 tạ thóc, giá trị khoảng trên một triệu đồng mà để có được khoản thu ấy, nhà nông phải bỏ ra vô số khoản chi phí. Nếu thời tiết thuận lợi, sâu bệnh không phá hại thì làm một sào ruộng, cả năm cũng chỉ có lãi khoảng 200.000 đồng. Để giúp nông dân đỡ nghèo, bớt khổ, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã áp dụng nhiều kế sách để bà con vươn lên. Trong những kế sách ấy, có việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt thông qua kêu gọi nhà đầu tư mang đến giống mới, cách làm ăn mới để hợp tác với nông dân cùng sản xuất.
Nhẩm tính sơ sơ, mấy năm qua, đã có hàng chục dự án như thế được triển khai ở Yên Bái như: trồng khổ qua (mướp đắng) lấy hạt; ngô ngọt Thái Lan làm nguyên liệu ngô chiên bơ; ngô bao tử, dưa bao tử, ớt xào, ớt xuất khẩu, gấc làm dầu vitamin… Dự án nào cũng triển khai rầm rộ, nhà đầu tư thể hiện quyết tâm, nhà khoa học hướng dẫn tỉ mỉ; sách báo, tài liệu, băng đĩa hình trình chiếu từ hội trường xã đến nhà văn hóa thôn… Những mô hình thí điểm được triển khai với kết quả thật mĩ mãn để nông dân cùng đến dự hội nghị đầu bờ, đánh giá kết quả, tiếp đến đưa vào sản xuất trên diện rộng…
Tiếc rằng khi thực hiện ở quy mô lớn, làm thật thì kết quả hoặc chỉ vừa vừa hoặc thất bại hoàn toàn. Lúc ấy, nhà đầu tư, nhà khoa học “người ra đi đầu không ngoảnh lại” và để lại sự luyến tiếc cho bà con. Trong số những dự án về lĩnh vực trồng trọt, cay đắng nhất phải kể đến dự án trồng gấc ở Trấn Yên.
Nghe nhà đầu tư vẽ ra viễn cảnh tươi sáng về năng suất, chất lượng, giá bán, hiệu quả kinh tế…, nhà nhà ở Trấn Yên trồng gấc. Tất nhiên, gấc giống phải do nhà đầu tư cung cấp với giá không hề rẻ bởi là loại năng suất, chất lượng cao, không như gấc nếp, gấc tẻ truyền thống của bà con vẫn trồng xưa nay dùng để thổi xôi. Kết cục là những giàn gấc xanh tốt, hoa nở trắng tinh nhưng tuyệt nhiên không đậu quả. Nông dân hỏi xã, xã hỏi lên huyện, huyện gọi cho nhà đầu tư thì nhà đầu tư đã “cao chạy xa bay”.
Lĩnh vực trồng trọt, ngoài chất lượng giống, công nghệ thì khí hậu, thổ nhưỡng là yếu tố cực kỳ quan trọng. Đất phải chứa nhiều nguyên tố khác biệt, đặc biệt là khí hậu phải hết sức đặc thù… thì mới đủ điều kiện gieo trồng những loại cây quý hiếm, có giá trị kinh tế cao. Nếu điều kiện canh tác bình thường thì rất ít nhà đầu tư lên Yên Bái, vào Văn Chấn, ngược Trấn Yên để đầu tư mà họ sẽ chọn Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nội… vì ở những nơi đó đất đai rộng và bằng phẳng, hệ thống đường giao thông, điện, thủy lợi hoàn thiện, trình độ canh tác của nông dân cũng cao hơn, đặc biệt là sản xuất gắn liền với thị trường tiêu thụ, cước phí vận chuyển thấp.
Cách đây chưa lâu có một bài báo mang tựa đề: “Không thể biến đồng đất Mường Lò thành “chuột bạch” phản ánh tình trạng đưa quá nhiều loại giống cây trồng vào khảo nghiệm ở Mường Lò. Bài viết đã phản ánh đúng thực trạng nhưng cũng cần phải nói thêm rằng, việc triển khai nhiều mô hình khảo nghiệm giống cây trồng như thế đã góp phần quan trọng vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học nông nghiệp.
Chưa hẳn nhà nông Mường Lò phải chịu thiệt nếu không muốn nói rằng, rất nhiều nhà nông đã được hưởng lợi từ nguồn ngân sách chi cho dự án. Tất nhiên cũng không loại trừ chuyện nhà đầu tư không vì mục tiêu hợp tác làm ăn với nông dân để cùng hưởng lợi mà họ chỉ làm dự án để được vay vốn hoặc lợi dụng sự chủ quan của chính quyền, sự thiếu hiểu biết của nông dân để kiếm lời bằng việc bán giống, bán phân.
Những phân tích kể trên không có nghĩa lĩnh vực nông - lâm nghiệp, nhất là trồng trọt ở Yên Bái không có tiềm năng, cơ hội để thu hút các nhà đầu tư. Vùng đất như Mường Lò, đặc biệt là Tú Lệ - nơi có thổ nhưỡng và khí hậu đặc trưng nếu đầu tư theo chiều sâu sẽ cho những sản phẩm đặc biệt mà nếp Tan là một thí dụ.
Bên cạnh đó là những vùng quê có sản vật nhưng quy mô chưa lớn, sản phẩm mới đang “manh nha” thương hiệu như chè Shan, cam, sơn tra, bưởi Đại Minh… Thiết nghĩ, những vùng đất này cần mời gọi, thu hút các nhà đầu tư đến để cùng nhau hợp tác làm ăn, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh. Đối với đại đa số những địa phương còn lại chỉ nên lựa chọn những dự án công nghệ cao nhưng quy mô nhỏ, sản phẩm làm ra gắn liền với thị trường thành phố Yên Bái như rau sạch, hoa tươi… Chúng ta phải hết sức thận trọng với những dự án trồng trọt quy mô lớn và làm xuất khẩu. Nếu quyết tâm làm cần phải xem xét kỹ thực lực và tốt hơn hết hãy để nhà đầu tư tự bỏ giống, phân bón, kỹ thuật, còn nông dân chỉ bỏ ruộng đất và công sức.
Nếu có một giống cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, dễ làm, phù hợp với đồng đất… thì chẳng cần phải tuyên truyền, vận động nhiều, chỉ cần qua hai vụ đem lại giá trị thiết thực thì dù chính quyền có ngăn thì bà con cũng vẫn trồng. Khi chưa có giống cây như thế, khi chưa có nhà đầu tư thật sự thành tâm thì đại đa số đồng đất Yên Bái vẫn chỉ có thể canh tác hai vụ lúa, một vụ ngô là phù hợp dù vẫn biết như thế thì lợi nhuận chưa được cao.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Nhờ phát triển mô hình kinh tế kết hợp vườn - ao - chuồng - rừng (VACR) với 15ha đồi rừng, 1ha ao thả cá cộng với một hệ thống hai dãy chuồng lợn đã cho gia đình chị Văn Thị Xuân ở tổ 8A, thị trấn Yên Bình (Yên Bình) thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Gia đình chị là một trong những tấm gương điển hình về phát triển kinh tế, từng bước vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu.
YBĐT - Tuy chưa xây dựng được một thương hiệu riêng cho thứ quả đặc sản này, nhưng sức vươn của bưởi Đại Minh ra thị trường ngoại tỉnh đã và đang mở ra hướng đi bền vững cho loại cây ăn quả được xem là thế mạnh của xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
Giá vàng miếng trong buổi sáng đầu tuần (11-11) tiếp tục rơi xuống mức thấp nhất trong gần 3 năm trở lại đây.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Haiyan, các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định có gió mạnh cấp 6 đã làm cho 10 đường dây trung thế của các Công ty Điện lực Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định bị sự cố, gây mất điện một số khu vực.