Đẩy mạnh sản xuất nâng cao thu nhập người dân

  • Cập nhật: Thứ năm, 21/11/2013 | 2:30:12 PM

YBĐT - Sau hơn ba năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM tỉnh Yên Bái, hầu hết các xã trên địa bàn đã triển khai và có sự vào cuộc tích cực của người dân.

Đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là vấn đề mấu chốt trong xây dựng nông thôn mới.
 Trong ảnh: Nông dân xã Phú Thịnh (Yên Bình) chăn nuôi gà theo mô hình bán công nghiệp. (Ảnh: Linh Chi)
Đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là vấn đề mấu chốt trong xây dựng nông thôn mới. Trong ảnh: Nông dân xã Phú Thịnh (Yên Bình) chăn nuôi gà theo mô hình bán công nghiệp. (Ảnh: Linh Chi)

Xây dựng nông thôn mới (NTM) là tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân nông thôn. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó cần có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và người dân, đặc biệt là phải đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập cho  người dân.

Có thể nói, sau hơn ba năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, hầu hết các xã trên địa bàn đã triển khai và có sự vào cuộc tích cực của người dân. Bước chuyển rõ nét nhất là cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng lâm nghiệp, chăn nuôi, kết cấu hạ tầng nông thôn không ngừng được cải thiện.

Trong sản xuất lương thực, tiếp tục đưa các giống tiến bộ, chất lượng cao vào sản xuất theo hướng hàng hóa, hình thành và sản xuất có hiệu quả vùng thâm canh lúa tập trung trên 5.000ha như: cánh đồng Mường Lò, Đại - Phú - An, Mường Lai, Minh Xuân, bắc Trấn Yên. Hạ tầng nông thôn, nhất là giao thông nông thôn phát triển mạnh mẽ, trong ba năm cùng với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, nhân dân đóng góp công, của, bê tông hóa gần 400km, mở mới nền đường liên thôn hơn 700km. Nhờ vậy, việc đi lại của người dân thuận lợi hơn, hàng hóa làm ra đã được các tư thương đến tận nhà thu mua, nâng cao giá trị kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được quá trình xây dựng NTM vẫn đang gặp những rào cản nhất định. Do đặc thù của một tỉnh miền núi, xuất phát điểm thấp, đời sống nhân dân thuần nông, trông vào hạt lúa, củ khoai là chính. Nếu như năm 2010 thu nhập bình quân mới đạt 7,2 triệu đồng/người/năm khu vực nông thôn thì sau ba năm nỗ lực thu nhập mới nâng lên hơn 9 triệu đồng/người/năm.

Tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 chiếm 32,53%, năm 2013 giảm 25,73%, bình quân mỗi năm giảm 3,3% - đó là những con số chưa đẹp, chưa vui, vấn đề mấu chốt hiện nay là chúng ta cần đẩy mạnh sản xuất để nâng cao đời sống nhân dân. Đường sá có bê tông hóa, cơ sở hạ tầng có xây dựng khang trang nhưng dân vẫn đói nghèo thì khó có thể chấp nhận được.

Trong Chương trình xây dựng NTM, xã nào, địa phương nào cũng có đồ án, đề án quy hoạch chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn. UBND tỉnh cũng ban hành kế hoạch "Thực hiện chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015".

Hàng loạt đề án, chính sách thúc đẩy sản xuất đã được triển khai như: Đề án giảm nghèo đối với huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Dự án hỗ trợ nuôi cá trên hồ Thác Bà; Chương trình phát triển vùng rau sạch; Đề án phát triển lúa chất lượng cao...

Các địa phương đã xây dựng 30 mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình sản xuất lúa chất lượng cao quy mô 50ha tại thị xã Nghĩa Lộ và huyện Trấn Yên; mô hình dâu tằm xã Tân Đồng, mô hình sản xuất giống lúa thuần xã Đại Phác (Văn Yên)... Tổng nguồn vốn đầu tư hỗ trợ cho sản xuất lên trên 15 tỷ đồng tại 29 xã đăng ký đạt chuẩn NTM vào năm 2015.

Thông qua các dự án, đề án, chính sách hỗ trợ sản xuất đã có sự chuyển biến tích cực về sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn. Đặc biệt, đã hình thành sự liên kết giữa người dân với doanh nghiệp, giữa sản xuất với chế biến và thị trường, từ đó tạo được niềm tin, người dân yên tâm sản xuất nâng cao thu nhập xóa đói giảm nghèo là điều khó ai có thể phủ nhận được.

Bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn nhiều điều phải suy nghĩ, trăn trở. Đời sống người dân vẫn còn nghèo, tư tưởng chỉ đạo trong xây dựng NTM của một số người có trách nhiệm của địa phương vẫn nặng về nguồn vốn đầu tư của Nhà nước mà chưa đẩy mạnh sản xuất nâng cao thu nhập người dân.

Tháng 9, tháng 10 là lúc bà con nông dân các địa phương tập trung sản xuất cây vụ đông nhưng tại một số xã vùng ngoài huyện Văn Chấn thì người dân không mấy mặn mà, làm cây vụ đông dường như rất xa lạ. Xã Thượng Bằng La là một trong hai xã điểm xây dựng NTM của huyện Văn Chấn,  tuyên truyền vận động mãi cũng làm chưa đầy 30ha ngô đông, hàng chục ha ruộng hai vụ đủ điều kiện làm cây vụ đông vẫn bỏ hoang.

Rõ ràng xây dựng NTM, ngoài đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thì các địa phương cũng cần phải tận dụng đất đai, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh sản xuất nâng cao thu nhập người dân. Xã NTM là phải mới toàn diện, chứ không phải chỉ mấy ki-lô-mét đường bê tông hóa.

Ngọc Trúc

Các tin khác
Ảnh minh họa

Chính phủ vừa ban hành Nghị định về Điều lệ và tổ chức hoạt động của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Huy động lực lượng tại chỗ tham gia dập lửa tại cuộc diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng tại xã Minh Quán.

YBĐT - Huyện Trấn Yên có diện tích rừng khá lớn với trên 46.518ha rừng các loại, trong đó có trên 35.915ha rừng sản xuất và trên 10.602ha rừng phòng hộ, nhiều diện tích rừng lại nằm xen kẽ trong các khu vực dân cư, người dân có tập quán phát nương làm rẫy.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, sáng nay (21/11), tiếp tục tổ chức phiên đấu thầu vàng thứ 71, chào bán 15.000 lượng vàng. Giá tham chiếu để các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp đặt cọc là 36,40 triệu đồng/lượng, mỗi đơn vị được đặt mua từ 500 - 1.500 lượng.

YBĐT _ Tính đến hết tháng 10/2013, Chi cục thuế huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã thu được trên 11 tỷ 627 triệu đồng vào ngân sách Nhà nước, đạt trên 122% KH tỉnh giao và trên 115% KH huyện giao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục