Năm “gỡ vốn” cho nền kinh tế
- Cập nhật: Thứ ba, 31/12/2013 | 4:30:43 PM
YBĐT - Năm 2013 đã qua với nhiều thành tựu trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội. Nền kinh tế đang dần thoát khỏi suy thoái và phục hồi ngày càng rõ nét hơn, lạm phát được kìm chế, kinh tế vĩ mô giữ ổn định.
Sự góp mặt thêm một số ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn làm cho thị trường vốn trở nên sôi động hơn.
|
Có rất nhiều yếu tố để đạt được kết quả đáng mừng này mà trước tiên phải kể tới yếu tố phát huy vai trò của hệ thống ngân hàng. Trên địa bàn tỉnh Yên Bái, điều đáng ghi nhận nhất mà hệ thống các ngân hàng đạt được đó chính là công lao “gỡ vốn cho nền kinh tế”.
Có lẽ chưa bao giờ hoạt động của các ngân hàng thương mại lại khó khăn như hiện nay: lo huy động vốn; tìm khách hàng tốt để giải ngân; thu nhập giảm sút mạnh; áp lực công việc đặc biệt lớn..., tóm lại khó cả đầu vào lẫn đầu ra. Trong bối cảnh ấy, Ngân hành Nhà nước Chi nhánh Yên Bái vẫn thể hiện rõ được vai trò quản lý Nhà nước của mình.
Từ chức năng định hướng, giám sát…để các ngân hàng thương mại đoàn kết, vượt lên khó khăn, bám sát vào nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương cho tới việc tranh thủ sự giúp đỡ của ngân hàng Trung ương để tăng trưởng nguồn vốn, tập trung cho vay, áp dụng kịp thời chính sách tín dụng thông thoáng cho các khách hàng, nhất là các khách hàng doanh nghiệp đến việc nhiều lần điều chỉnh hạ lãi suất, giúp khách hàng cởi bỏ gánh nặng về vốn... đều phải đảm bảo đạt cho được những kết quả cao trong hoạt động.
Dự ước, kết thúc năm 2013, tổng nguồn vốn của các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Chính sách Xã hội, các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đạt 9.175 tỷ đồng, tăng 14,88% so với thời điểm 31/12/2012, trong đó số dư tiền gửi tiết kiệm tăng 17,19%. Đây thực sự là những con số hết sức ấn tượng, bởi trong bối cảnh trần lãi suất huy động giảm mạnh và bị kiểm soát chặt chẽ, lãi suất tiền gửi không còn sức hấp dẫn lớn như trước đây thì việc tăng số dư tiền gửi dân cư là điều không hề dễ.
Nhận định của nhiều chuyên gia cho thấy: tiền nhàn rỗi trong dân thì có hạn, trong khi có quá nhiều ngân hàng, tổ chức tài chính… cùng huy động thì thật khó thỏa mãn tất cả. Để có đủ nguồn vốn, nhân viên ngân hàng không quản ngày đêm, đường sá xa xôi, thời tiết mưa gió, tranh thủ mọi mối quan hệ để làm công tác huy động vốn.
Chuyện người này bán cho người kia ngôi nhà, mảnh đất, cái xe… nhân viên ngân hàng sẵn lòng đứng ra kiểm, đếm tiền giúp với nguyện vọng được chuyển số tiền ấy vào sổ tiết kiệm, cùng với đó là PR về các sản phẩm tiền gửi và các dịch vụ tiện ích khác của ngân hàng mình… không còn là chuyện hiếm trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay. Khi nhiệm vụ huy động vốn còn là bài toán khó thì việc giải ngân, cho vay còn biết bao câu chuyện phải bàn.
“Tiền trong ngân hàng đâu có dễ lấy ra tiêu như trong ví. Làm không đúng quy trình là mất vốn, mất việc, là ngồi tù ngay” - một cán bộ tín dụng ngân hàng tâm sự. Trong bối cảnh ấy, các ngân hàng đều tạo điều kiện tối đa cho khách hàng của mình như: cải cách thủ tục hành chính, chắt lọc, tìm kiếm những khách hàng tốt, có chính sách, giúp đỡ doanh nghiệp khó khăn về vốn nhưng có hợp đồng tốt, thể hiện được ý chí quyết tâm, nhất là có kế hoạch rõ ràng trên lĩnh vực tài chính và trong quy trình sản xuất kinh doanh của mình.
Ông Phạm Trung Tùng - Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV) Chi nhánh Yên Bái vui mừng khi đề cập đến vấn đề “Ngân hàng áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo đúng tinh thần Nghị quyết 02 của Chính phủ”.
Được biết, năm 2013 hàng chục doanh nghiệp từ chỗ rất khó khăn đã được BIDV “bơm” thêm vốn để khôi phục sản xuất, thực hiện các hợp đồng, làm ăn có hiệu quả, đảm bảo đời sống, việc làm cho người lao động. Gỡ khó về vốn cho doanh nghiệp bằng cơ chế, chính sách là động thái mang tính chất chiều sâu của ngân hàng đối với nền kinh tế. Ở bề rộng, động thái liên tục giảm lãi suất cho vay giống như những luồng gió mát giúp “hạ nhiệt” cho nền kinh tế.
Ông Bùi Trung Thu – Giám đốc ngân hàng Nhà nước chi nhánh Yên Bái phát biểu: “Thị trường năm 2013, cái gì cũng tăng, điện, than, nước, xăng, dầu… riêng giá vốn giảm liên tục. Nếu như trước đây tỷ lệ này là 18 - 19%/năm thì nay giảm xuống khoảng trên dưới 10%/năm, giảm đến mức không còn ai có thể kêu lãi suất là gánh nặng cho nền kinh tế”.
Từ tháng 5/2013 đến nay, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất cho vay cũ về mức tối đa 13% cho hơn 7.000 khách hàng; đến nay có tới 98,41% dư nợ của các ngân hàng có mức lãi suất từ 13% trở xuống. Giá vốn hạ đồng nghĩa với việc hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh; ít nhất là tạo điều kiện cho khách hàng nói chung, doanh nghiệp nói riêng có sức chống đỡ trong giai đoạn suy thoái.
Ông Nguyễn Mạnh Hồng – Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) tâm sự: “ Lãi suất cho vay, cả cũ và mới, nói hạ là hạ được ngay, lãi suất huy động muốn điều chỉnh hạ phải chờ đến kỳ, đến hạn; điều đó có nghĩa mỗi lần hạ là ngân hàng chấp nhận giảm thu nhập. Agribank và các ngân hàng bạn đã thể hiện được trách nhiệm của mình đối với nền kinh tế và các khách hàng. Các doanh nghiệp vay vốn cũng cần nhận thấy trách nhiệm của mình với đồng vốn vay bằng việc tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, quay vòng vốn nhanh… để cùng nhau vươn lên”.
Ly rượu mừng thành tích của ngành ngân hàng trong đêm quyết toán 31/12/2013 đã được nâng lên để ghi nhận sự cố gắng của toàn ngành qua một năm cùng nhau vượt khó. Agribank, BIDV giữ vững vị thế của mình; Vietinbank đã phục hồi khá, Tecombank đang có những bước đi vững chắc. Chúc cho một năm mới sẽ có thêm những ngân hàng mới trong “cuộc chơi” sòng phẳng, lành mạnh cùng hướng về mục tiêu phát triển.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Xuân này, xã Mai Sơn (Lục Yên) đón nhận nhiều niềm vui khi tất cả các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng đều đạt và vượt kế hoạch. Đặc biệt, nhiều trục đường liên thôn, liên bản đã được kiên cố hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu, trao đổi hàng hóa của nhân dân.
YBĐT - 11 tháng của năm 2013, toàn tỉnh Yên Bái đã trồng cải tạo 604 ha chè, đạt 120% kế hoạch (Văn Chấn 388 ha, Trấn Yên 116 ha và Yên Bình 100 ha) bằng các giống Shan, Bát Tiên, LDP1, LDP2. Sản lượng chè búp tươi thu hái đạt 88.000 tấn, bằng 96,7% kế hoạch, chế biến khoảng 19.500 tấn chè khô các loại.
YBĐT - Sau 3 năm triển khai Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM), Yên Bái đã đạt được những kết quả rất đáng trân trọng. Nhiều địa phương trong tỉnh đã có những cách làm hay, sáng tạo, huy động được sức mạnh nội sinh từ cộng đồng để thực hiện phong trào hiệu quả.