Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt bội chi, nợ công
- Cập nhật: Thứ sáu, 3/1/2014 | 1:59:11 PM
Trong Nghị quyết số 01 vừa ban hành, Chính phủ yêu cầu đảm bảo giữ bội chi năm nay không quá 5,3% GDP và kiểm soát các khoản vay không có bảo lãnh của Chính phủ.
Kiểm soát bội chi trở thành mục tiêu trọng tâm trong năm nay.
|
Theo yêu cầu của Chính phủ, trường hợp tăng thu so với dự toán, Bộ Tài chính phải trình Chính phủ sử dụng một phần để phù đắp bội chi. Các khoản chi thường xuyên như kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, chi công tác nước ngoài, chi cho lễ hội… và không được mua xe công cũng được cắt giảm tối đa.
Năm 2013, cân đối ngân sách Nhà nước rơi vào cảnh hết sức khó khăn do tình hình kinh tế trong nước chưa ổn định, các khoản thu quan trọng giảm đi. Điều này khiến Quốc hội phải thông qua nâng trần bội chi ngân sách lên 5,3% GDP trong năm 2013 - 2014, sau khi đã thể hiện quyết tâm phải giảm chỉ tiêu này về dưới 4,5% GDP vào năm 2015.
Thâm hụt ngân sách xảy ra trong thời kỳ kinh tế khó khăn khiến Chính phủ buộc phải tìm cách bù đắp thông qua vay nợ, phát hành thêm trái phiếu bổ sung, tạo áp lực lớn lên nợ công. Theo số liệu công bố của Bộ Tài chính, tại 31/12/2012, tỷ lệ nợ công đã lên tới 57,3% GDP. Do vậy, Nghị quyết của Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính phải có giải pháp quản lý nợ công, sử dụng hiệu quả vốn vay, kiểm soát chặt việc cấp bảo lãnh của Chính phủ... nhằm bảo đảm nợ công trong giới hạn an toàn (dưới 65% GDP).
Sau khi tăng trưởng kinh tế đi xuống từ 2011, đã thành thông lệ, trong những ngày đầu năm mới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ ký ban hành Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014 nhằm làm cơ sở hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Năm nay, Quốc hội đã thông qua các chỉ tiêu như tổng sản phẩm trong nước (GDP) phấn đấu tăng khoảng 5,8%, chỉ số giá tiêu dùng tăng 7%, tỷ lệ nhập siêu khoảng 6% kim ngạch xuất khẩu, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP, bội chi ngân sách Nhà nước 5,3% GDP.
Với ưu tiên hàng đầu là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng hợp lý. Bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng và nền kinh tế. Hạn chế sử dụng các biện pháp hành chính đối với thị trường tiền tệ.
Đồng thời, lãi suất, tỷ giá cũng được điều hành phù hợp nhằm tăng dự trữ ngoại hối, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. Tiếp tục củng cố chống vàng hóa và đẩy nhanh chống đôla hóa. Đặc biệt, có biện pháp huy động nguồn lực từ vàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Lạm phát đã trở về mức thấp trong hai năm qua, song theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì nguy cơ tăng cao trở lại vẫn tiềm ẩn, nhất là khi nới lỏng chính sách tài khóa. Do vậy, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ có biện pháp kịp thời để kiểm soát giá cả thị trường, tránh mất cân đối cung cầu.
Kinh tế khó khăn, nhất là sau khi có hơn 60.000 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, giải thể trong năm 2013, do vậy Nghị quyết đầu năm 2014 vẫn nhấn mạnh phải tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, trong đó ưu tiến vốn cho nông nghiệp.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, điều hành lãi suất cho vay phù hợp nhằm khơi thông cục máu đông, giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng. Các nhà băng cũng có giải pháp mở rộng cho vay đi liền với nâng cao chất lượng tín dụng. Tập trung xử lý nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro, tăng cường công khai, minh bạch các hoạt động.
Một trong những mối bận tâm của doanh nghiệp vay vốn năm qua chính là tài sản đảm bảo, nên trong Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung quy định về giao dịch tài sản bảo đảm và phát triển thị trường mua bán nợ, tạo điều kiện cho xử lý tài sản bảo đảm tiền vay.
Liên quan đến gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản, Thủ tướng yêu cầu trong tháng 3/2014 Bộ Xây dựng phải báo cáo kết quả triển khai, những vướng mắc và biện pháp khắc phục. Được đưa vào thực hiện từ năm 2013 với mục tiêu tăng thanh khoản cho thị trường, nhưng đến nay gói giải cứu "khủng" này mới chỉ giải ngân được gần 2%.
Các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh như bảo lãnh tín dụng, miễn, giãn, giảm thuế cũng sẽ tiếp tục được xem xét triển khai.
(Theo VnExpress)
Các tin khác
YBĐT - Khi bà Nguyễn Thị Bình - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ phố Lê Hồng Phong 2, phường Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái) đi rút số tiền tích lũy 50 triệu đồng ở ngân hàng về cho 4 hộ phụ nữ trong Chi hội vay phát triển kinh tế, nhiều người bảo bà “có vấn đề”.
Ngày 02/01/2013, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có Quyết định số 21/QĐ-NHNN về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2014 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013.
Bộ Y tế sẽ đề xuất tăng mạnh mức xử phạt vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm trong thời gian tới.
YBĐT - Chè VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) là sản phẩm chè an toàn, có quy trình sản xuất nghiêm ngặt từ khâu chăm sóc, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay, phát triển các mô hình chè VietGAP đang được các nhà quản lý, người tiêu dùng và người trồng chè đặc biệt quan tâm.