Trăn trở Nghĩa Sơn
- Cập nhật: Thứ tư, 26/2/2014 | 8:51:56 AM
YBĐT - Với trên 63% số hộ nghèo, xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn (Yên Bái) còn phải nỗ lực rất nhiều trong những năm tới. Nhiệm vụ quan trọng nhất Đảng bộ xã Nghĩa Sơn cần phải tập trung thực hiện là tăng vụ, tăng năng suất, cải tạo đất đai, tăng diện tích ngô đồi, từng bước tiến tới đảm bảo lương thực tại chỗ.
Nông dân Nghĩa Sơn cấy lúa xuân.
|
Những ngày đầu xuân mới, chúng tôi có dịp trở lại Nghĩa Sơn, một xã vùng cao thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn. Không như vài năm về trước, mặc dù chỉ cách quốc lộ 32 gần chục cây số nhưng đường đến Nghĩa Sơn dốc lầy, trơn trượt đầy sống trâu thì hôm nay, nhờ các chương trình đầu tư của Chính phủ, đường vào xã đã được bê tông, những cánh đồng no nước đang được nông dân hối hả cày cấy.
Đồng chí Phan Trọng Bình - Chủ tịch UBND xã thông tin nhanh: “Nghĩa Sơn có diện tích tự nhiên chỉ hơn 900ha, 357 hộ với 1.570 nhân khẩu, có 5 dân tộc cùng sinh sống ở 6 thôn bản, trong đó dân tộc Khơ Mú chiếm 72,90%. Cái được lớn nhất của Nghĩa Sơn trong năm 2013 là giảm được 8% hộ nghèo, nâng mức thu nhập bình quân lên 8 triệu đồng/người. Tuy vậy, hiện số hộ nghèo vẫn còn tới 63,03%, là một thách thức rất lớn của Đảng bộ xã khi chỉ còn 2 năm để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XX, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015”.
Quả là khó đối với Nghĩa Sơn, một xã có diện tích tự nhiên không lớn, đất đai cằn cỗi, dường như mọi thứ đều thiếu, trong đó khó khăn lớn nhất là sản xuất lương thực. Cả xã chỉ có 43ha lúa nước, trong đó làm được hai vụ là 38ha, sản lượng lương thực đạt 434 tấn. Diện tích các loại cây lương thực khác cũng không lớn, cây ngô diện tích 70ha, rau màu 10ha. Đất rừng chủ yếu là rừng phòng hộ, rừng kinh tế chỉ có hơn 40 ha. Năm 2013 là năm đầy khó khăn với Đảng bộ xã Nghĩa Sơn, trong số 32 chỉ tiêu kế hoạch thì có đến 10 chỉ tiêu không hoàn thành.
Cụ thể, chỉ tiêu chuyển đổi từ trồng sắn sang trồng ngô không đạt, nguyên nhân do nhiều năm trồng sắn liên tục bóc màu một cách triệt để, đất đai trở nên cằn cỗi, khi chuyển đổi sang trồng ngô thì người dân ít đầu tư chăm bón, năng suất không cao. Diện tích lúa nước của xã vốn đã ít nhưng lại chỉ làm 1 đến 2 vụ, chỉ tiêu chuyển đổi ruộng một vụ sang làm 2 vụ mới chỉ đạt được 18,3% kế hoạch.
Theo lãnh đạo xã, mặc dù đã tăng cường công tác vận động, chỉ đạo quyết liệt nhưng hiệu quả chưa cao do nhận thức người dân còn hạn chế. Ngoài ra, còn một loạt các chỉ tiêu khác không đạt như: trồng rừng kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng…
Chủ tịch xã Phan Trọng Bình - cho biết thêm: “Cái khó nhất với Nghĩa Sơn là đất sản xuất và vốn đầu tư cho sản xuất. Diện tích trồng lúa, trồng ngô bấy nhiêu đó không đảm bảo lương thực tại chỗ. Xã cũng đã định hướng người dân đầu tư phát triển chăn nuôi nhưng hiệu quả chưa cao do tập quán thả rông gia súc vẫn còn, phương thức chăn nuôi lạc hậu, chưa có sự đầu tư, chăn nuôi mới chỉ mang tính tự cung tự cấp”.
Theo đồng chí Nguyễn Thành Long, cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Văn Chấn, dư nợ cho vay hộ nghèo của xã hiện là 4,1 tỷ đồng, hầu hết các hộ vay vốn đều đầu tư phát triển chăn nuôi. Đồng chí Long cho biết: “Đối với Nghĩa Sơn, một xã vùng cao còn nhiều khó khăn, trong khi đất sản xuất thiếu thì việc đầu tư cho chăn nuôi đại gia súc là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Tuy nhiên, để làm tốt thì cần phải thay đổi tư duy, tập quán chăn nuôi của người dân”.
Hiệu quả từ đồng vốn cho vay phát triển chăn nuôi ở Nghĩa Sơn là rõ nét. Năm 2008, chị Hà Thị Thinh, một hộ nghèo thôn Nậm Tục 2 được vay 9 triệu đồng. Gom tài sản trong nhà, chị mua được một trâu nái. Nhờ chăm sóc tốt, chỉ sau 5 năm, trâu mẹ đã sinh sản thêm 3 con trâu. Đến nay, chị đã trả hết nợ.
Chị Thinh cho biết thêm: “Vay tiền đầu tư chăn nuôi là lãi lắm! Vừa rồi, tôi cũng mới vay thêm 20 triệu đồng mua 4 con trâu nữa, chăm sóc tốt chỉ vài năm là trả hết nợ mà lại có nhiều trâu”. Nhiều hộ nghèo ở thôn Nậm Tục cũng vay vốn đầu tư chăn nuôi từng bước thoát nghèo đã cho thấy hiệu quả của mô hình chăn nuôi đại gia súc.
Với trên 63% số hộ nghèo, Nghĩa Sơn còn phải nỗ lực rất nhiều trong những năm tới. Nhiệm vụ quan trọng nhất Đảng bộ xã Nghĩa Sơn cần phải tập trung thực hiện là tăng vụ, tăng năng suất, cải tạo đất đai, tăng diện tích ngô đồi, từng bước tiến tới đảm bảo lương thực tại chỗ.
Để thoát nghèo bền vững và làm giàu, Nghĩa Sơn cũng cần phát huy thế mạnh về lâm nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi đại gia súc. Địa phương cần tranh thủ tốt các nguồn lực đầu tư để mở rộng chăn nuôi, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, vận động người dân làm chuồng trại chăn nuôi theo phương thức bán chăn thả. Vẫn còn nhiều khó khăn nhưng tin rằng, những năm tới, Nghĩa Sơn sẽ vươn lên mạnh mẽ, người dân dần thoát nghèo và làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Anh Dũng
Các tin khác
Chiều 25/2, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm họp, đánh giá diễn biến dịch và đề ra các giải pháp phòng chống dịch trong thời điểm hiện nay.
YBĐT - Trong năm 2013, Phòng Dân tộc huyện Lục Yên (Yên Bái) đã khắc phục khó khăn về đội ngũ, cơ sở vật chất, kinh phí để làm tốt công tác nắm bắt tình hình vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tham mưu cho huyện các giải pháp nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện.
Giá vàng thế giới sáng 25-2 đã lên mức cao nhất trong vòng 4 tháng qua, đạt 1.336 USD/ounce. Giá vàng miếng trong nước mở cửa ở 36,4 triệu đồng/lượng sau đó tăng liên tục từng phút.