Người dân không nên quá hoang mang trước dịch cúm gia cầm!

  • Cập nhật: Thứ tư, 5/3/2014 | 9:31:30 AM

YBĐT - Tình hình dịch cúm gia cầm A(H5N1) bùng phát ở nhiều địa phương trong cả nước và đã xuất hiện tại tỉnh Phú Thọ, Lào Cai - hai tỉnh giáp ranh Yên Bái cũng như dịch cúm A(H7N9) tại Trung Quốc diễn biến phức tạp đã gây lo lắng, hoang mang cho người dân.

Phóng viên YBĐT đã có cuộc phỏng vấn bà Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái về công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm lây sang người.

PV: Thưa bà, bà đánh giá thế nào về nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người hiện nay?

Bà Lê Thị Hồng Vân: Tình hình dịch bệnh cúm gia cầm diễn biến rất phức tạp, trong nước thì dịch cúm A(H5N1) ở đàn gia cầm đang bùng phát tại 21 tỉnh, thành phố, giáp với Yên Bái có tỉnh Phú Thọ và Lào Cai đã công bố dịch cúm trên gia cầm. Từ đầu năm 2014 đến nay, cả nước đã ghi nhận 2 ca bệnh nhiễm cúm A(H5N1) và đã tử vong. Bên cạnh đó, tình hình cúm A/H7N9 đang diễn ra phức tạp ở nước láng giềng Trung Quốc, mỗi ngày số ca mắc bệnh một tăng lên và tính từ tháng 3/2013 đến nay (25/2/2014), đã có tổng số 365 ca mắc, trong đó có 116 ca tử vong.

Hiện nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh trên người cũng như trên gia cầm. Trước tình hình số mắc gia tăng đột biến tại Trung Quốc đã lan rộng đến tỉnh biên giới giáp Việt Nam, Tổ chức Nông lương của Liên hiệp quốc (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đều  nhận định, Việt Nam có nguy cơ cao lây nhiễm cúm gia cầm A(H7N9) từ Trung Quốc.

Yên Bái là nơi giáp ranh với các tỉnh biên giới phía Bắc và là nơi dừng chân của du khách đồng thời là địa điểm trung chuyển của hoạt động buôn bán, nhập lậu gia cầm qua biên giới hiện vẫn đang diễn biến phức tạp và rất khó kiểm soát. Yên Bái cũng là địa phương có hoạt động nuôi gia cầm tại các hộ gia đình với qui mô vừa và nhỏ khá phổ biến. Điều đó có nghĩa, nguy cơ xâm nhập dịch bệnh cúm A(H5N1), cúm A(H7N9) vào Yên Bái là rất cao, virus cúm có thể lây lan sang các đàn gia cầm trên địa bàn và lây lan sang người.

- Ngành y tế tỉnh Yên Bái đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm như thế nào, thưa bà?

Bệnh cúm gia cầm khi lây nhiễm sang người là rất nguy hiểm, bệnh diễn biến thường nặng và tỷ lệ tử vong cao. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, ngành y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh và ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn cho các đơn vị y tế sẵn sàng kế hoạch phòng, chống dịch cúm gia cầm trên người theo 4 tình huống do Bộ Y tế hướng dẫn; chủ động triển khai hoạt động giám sát tích cực các trường hợp sốt cao kéo dài, viêm hô hấp cấp tính nặng chưa rõ nguyên nhân tại các cơ sở điều trị và tại cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm xác định căn nguyên nhằm phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên để xử lý kịp thời; chuẩn bị đầy đủ phương tiện chống dịch như: trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc, sinh phẩm, thiết bị lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu xét nghiệm…

Bên cạnh đó là củng cố ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm các cấp, sẵn sàng các đội chống dịch cơ động để ứng phó với tình hình dịch bệnh; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y trên địa bàn nắm thông tin, để sẵn sàng các hoạt động phối hợp phòng, chống cúm trên gia cầm, ngăn chặn không cho lây lan sang người; tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm cho người dân.

- Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, nhiều người dân có tâm lý hoang mang, lo lắng. Ngành y tế có khuyến cáo gì để người dân nâng cao ý thức phòng, chống dịch cúm gia cầm, không để lây sang người, thưa bà?

Phương thức hiệu quả nhất để phòng chống dịch bệnh là mỗi người dân đều có ý thức và hành động chủ động phòng chống dịch bệnh. Trước hết, người dân phải kiên quyết không kinh doanh, buôn bán, sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ và không kinh doanh, sử dụng gia cầm từ Trung Quốc tới; phải vệ sinh chăn nuôi, tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gia cầm đầy đủ; vệ sinh chuồng trại thường xuyên, tích cực hưởng ứng Tháng khử trùng tiêu độc do cơ quan thú y phát động; thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân hàng ngày, che miệng khi ho, hắt hơi, rửa tay thường xuyên với xà phòng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn chín, uống chín, tuyệt đối không sử dụng tiết canh, thực phẩm gia cầm không nấu chín; tiêm đầy đủ vắc-xin phòng cúm mùa hàng năm…

Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, người dân phải chủ động khai báo với cơ quan thú y và chính quyền địa phương để được hướng dẫn cách xử lý, phòng bệnh lây sang người. Tuy nhiên, người dân cũng không nên quá hoang mang trước dịch bệnh, không đồn tin thất thiệt, tin đồn chưa chính xác gây hoang mang trong cộng đồng. Với các sản phẩm gia cầm có nguồn gốc, đã được kiểm dịch của thú y, người dân vẫn có thể sử dụng và đảm bảo nguyên tắc chế biến thực phẩm an toàn.

Khi bị sốt cao đột ngột, sốt kéo dài, kèm theo ho, hắt hơi, đau ngực, khó thở, mọi người cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!

Hồng Duyên (thực hiện)

Các tin khác
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa  phương cần phát hiện sớm và xử lý kịp thời ổ dịch cúm gia cầm.

Nguyên nhân dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp là một số địa phương còn lơ là chủ quan, năng lực của cán bộ thú y còn hạn chế.

Chiều 4-3, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã tổ chức cuộc họp nhằm đóng góp ý kiến vào Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).

Đồng chí Hoàng Xuân Nguyên - Phó chủ tịch UBND tỉnh trao đổi với cán bộ chốt kiểm dịch xã Văn Tiến, thành phố Yên Bái.

YBĐT - Chiều ngày 4/3, đồng chí Hoàng Xuân Nguyên – Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cùng lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thú y, Sở Tài chính đã đi kiểm tra các chốt kiểm dịch tại xã Minh Quân, huyện Trấn Yên; xã Văn Tiến, thành phố Yên Bái và xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình.

Cán bộ Chi cục Thuế thành phố kiểm tra hồ sơ, sổ sách thuế.

YBĐT - Năm 2014, thành phố Yên Bái được giao thu ngân sách Nhà nước 300 tỷ đồng. Số thu này đã được điều chỉnh giảm hơn so với kết quả thực hiện năm 2013 để phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Mặc dù vậy, áp lực thu ngân sách năm nay không vì thế mà giảm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục