Vẫn nồng thơm hương quế Văn Yên

  • Cập nhật: Thứ sáu, 7/3/2014 | 8:56:18 AM

YBĐT - Với khoảng 15.000ha quế, Văn Yên (Yên Bái) từ lâu đã trở thành một vùng sản xuất, chuyên canh quế lớn nhất, nhì cả nước. Quế trồng ở vùng đất này có chất lượng cao vì hợp đất nên vỏ có hàm lượng tinh dầu lớn.

Mùa quế.
(Ảnh: Thanh Miền)
Mùa quế. (Ảnh: Thanh Miền)

Nói đến Văn Yên là nhắc đến quế. Từ xa xưa, quế được người Văn Yên trồng thành rừng, được đưa vào hương ước của từng bản, làng và trở thành thương hiệu riêng của vùng cao Tây Bắc. Không ai biết cây quế được trồng ở đất rừng Yên Bái từ khi nào nhưng từ những năm 50-60 của thế kỷ trước đã có nhiều hộ đồng bào Dao, Tày ở khắp các vùng Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn đã có quế với cây to cả người ôm.

Với khoảng 15.000ha quế, Văn Yên từ lâu đã trở thành một vùng sản xuất, chuyên canh quế lớn nhất, nhì cả nước. Quế trồng ở vùng đất này có chất lượng cao vì hợp  đất nên vỏ có hàm lượng tinh dầu lớn. Cây quế không những có giá trị về kinh tế mà còn góp phần bảo vệ thiên nhiên, môi trường sinh thái, giữ đất, giữ nước ở những vùng đồi núi dốc, góp phần quan trọng giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu.

Viễn Sơn - 1 trong 8 xã trồng nhiều quế nhất huyện Văn Yên với gần 80% người dân trong xã là đồng bào Dao. Cũng như các xã khác trên địa bàn huyện, Viễn Sơn cũng có truyền thống nhà nhà, người người trồng quế. Từ bao đời nay, dân tộc Dao vẫn giữ được tập tục riêng trong việc trồng quế. Khi Nhà nước đưa quế vào danh mục không được mua bán công khai, để không bị phát hiện, người Dao ươm, trồng quế theo cách riêng của mình.

Cứ tối đến, họ rắc một chòm hạt ở đồi hoặc bãi đất trống cạnh nhà. Hành động đó được thực hiện sau khi một đứa trẻ ra đời. Đó là hành động đánh dấu sự quản lý, sử dụng của mình đối với diện tích đất đó. Trước đây là như vậy nhưng nay, rừng, đồi đã được giao cho hộ dân quản lý. Người Dao Viễn Sơn có được cuộc sống ổn định như hôm nay là nhờ quế.

 Ông Trần Nhật Đoàn, Phó chủ tịch xã Viễn Sơn cho biết: "Từ khi có cây quế, đời sống của nhân dân xã Viễn Sơn cải thiện rất rõ rệt. Cụ thể, bình quân thu nhập đầu người của xã năm 2000 mới chỉ là 7 triệu đồng, nhưng đến năm 2013 đã tăng lên 11,5 triệu đồng. Trong thời gian sắp tới, chúng tôi có dự kiến bình quân thu nhập đầu người toàn xã sẽ tăng lên 17 triệu đồng".

Quế thường thu hoạch vào tháng 3 và tháng 8 trong năm. Lúc đó, quế mới róc vỏ và cho đúng chất lượng sản phẩm. Người Dao đỏ có bí quyết gia truyền trồng quế. Quế được trồng gối nhau trong rừng để cây này được thu hoạch, cây kia bắt đầu lớn. Bởi thế, rừng quế quanh năm có thu hoạch, có trồng mới xen canh. Thông thường cứ trồng từ 5-7 năm thì cây quế đó được thu hoạch. Cây quế bây giờ là tận thu.

Trước đây, người dân chỉ thu hoạch thành phẩm là vỏ quế để bán rồi bỏ đi hết nhưng vài năm trở lại đây, tất cả các sản phẩm của cây quế đều là hàng hoá. Gỗ quế thơm nên bán được giá, nhất là những cây có đường kính từ 20cm trở lên. Họ mua gỗ quế về làm nhà. Loại gỗ đường kính từ 5-7cm bán được 450.000 đồng/m3; loại 25-30cm bán được 1,2 triệu đồng trở lên/m3; cành lá quế có giá 700.000 đồng/tấn; tinh dầu quế được chưng cất từ lá, cành từ 260.000 -280.000 đồng/kg; quế khô thành phẩm 12.000 đồng/kg.

Chị Bàn Thị Nhâm, thôn Khe Dứa, xã Viễn Sơn phấn khởi vì vụ quế năm qua, chia sẻ: "Gia đình tôi trồng quế từ năm 1979, truyền từ đời ông bà sang con cháu. Có đất thì mình cứ phát rồi trồng quế thôi. Trước đây gia đình tôi cũng khó khăn, nghèo khổ lắm nhưng từ khi trồng quế, điều kiện gia đình cũng no đủ hơn trước nhiều".

Cũng ở thôn Khe Dứa, ông Bàn Kim Vạn tâm sự: "Gia đình tôi gắn bó với cây quế trên 70 năm rồi nên cũng có nhiều tình cảm dành cho nó. Sống ở đất này chủ yếu mình dựa vào cây quế là chính. Yêu lắm, quý lắm vì cây quế nuôi sống mình và gia đình mình mà".

Theo báo cáo năm 2013, xã Viễn Sơn đã trồng rừng mới và trồng dặm 50ha, trong đó quế chiếm 40ha; khai thác vỏ quế ước tính đạt 400 tấn. khai thác tận thu thân cây quế được 4.500m3, tận thu lá quế ước đạt 2.000 tấn. Cây quế ở Văn Yên đã đóng góp đáng kể giúp người dân vượt qua đói nghèo với rất nhiều hộ gia đình có thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/năm, đặc biệt hơn cây quế đã trở thành món quà quý của cha mẹ dành dụm cho con khi dựng vợ, gả chồng.

Quế được xem như của hồi môn, như là vốn liếng của cha mẹ giúp con tạo lập cuộc sống gia đình. Cây quế giúp người dân có nhà xây, giúp con em họ được học hành. Quế bao năm qua đã trở thành cây xóa nghèo, làm giàu của hàng vạn người dân tại huyện Văn Yên. Không dừng lại ở đó, gắn với vùng nguyên liệu này, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến tinh dầu quế đã ra đời, góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động tại nhiều địa phương. Sản phẩm quế Văn Yên giờ đây không chỉ có tiếng trong nước mà còn được xuất khẩu sang thị trường các nước.

Cây quế đã và đang trở thành một hướng phát triển kinh tế mũi nhọn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở Văn Yên nói riêng và toàn tỉnh Yên Bái nói chung.                                

Thu Trang

Các tin khác
Đồng hành cùng giá vàng thế giới, sáng nay 6.3, giá vàng trong nước quay đầu tăng trở lại.

Đồng hành cùng giá vàng thế giới, sáng nay 6.3, giá vàng trong nước quay đầu tăng trở lại.

Bộ Tài chính vừa yêu cầu các doanh nghiệp xăng dầu giữ nguyên giá bán trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới đang ở mức cao do tình hình căng thẳng tại Ukraine.

Con trâu của gia đình ông Trần Hải Thi ra đời bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo.

YBĐT - Cho đến nay, Yên Bái là tỉnh đầu tiên ở khu vực miền núi phía Bắc và là một trong 10 tỉnh của cả nước thực hiện thành công phương pháp thụ tinh nhân tạo trên đàn trâu. Thành công đó là nhờ nỗ lực nghiên cứu của cán bộ Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh đưa kỹ thuật mới vào sản xuất con giống.

Bộ Giao thông vận tải muốn cổ phần hóa công ty mẹ VInalines ngay trong năm 2014.

Bộ Giao thông Vận tải hy vọng Tổng công ty Hàng hải có thể tiến hành IPO ngay trong năm nay, với sự tham gia của đối tác nước ngoài.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục