Chống dịch bên ngoài, tiêu thụ gia cầm bên trong
- Cập nhật: Thứ sáu, 14/3/2014 | 8:46:35 AM
YBĐT - Hiện nay, các tỉnh lân cận với Yên Bái như Lào Cai, Phú Thọ, Tuyên Quang đã xuất hiện dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm. Bên cạnh việc tích cực ngăn chặn dịch bên ngoài, giải quyết vấn đề tiêu thụ gia cầm cho nông dân trong giai đoạn này cũng là vấn đề cần đặt ra, tránh tình trạng“ té nước theo mưa”, lấy lý do dịch bệnh, tư thương sẽ ép giá nông dân.
Tại Yên Bái, thị trường tiêu thụ gia cầm vẫn ổn định. (Ảnh: Linh Chi)
|
Hiện nay, công tác phòng dịch đang được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến các huyện, thị, thành phố. Đã có 7 chốt kiểm dịch được thành lập trên các tuyến đường chính tại các huyện: Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên, Yên Bình, Trấn Yên và thành phố Yên Bái để kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm ra vào địa bàn tỉnh.
Cơ quan thú y cũng tiến hành phun tiêu độc khử trùng tại các chợ, điểm giết mổ, cơ sở chăn nuôi gia cầm… Vấn đề tiêu thụ gia cầm và các sản phẩm gia cầm hiện nay cũng cấp bách như phòng chống dịch bởi điều này ảnh hưởng đến việc quay vòng vốn của nông dân, tái đàn để chuẩn bị cho chu kỳ chăn nuôi mới. Khảo sát tại các chợ, giá cả gia cầm vẫn tương đối ổn định. Giá gà ta dao động 90.000 - 100.000 đồng/kg, giá trứng 4.000 - 5.000 đồng/quả. Người tiêu dùng vẫn yên tâm và tin tưởng sử dụng các sản phẩm gia cầm rõ nguồn gốc, được kiểm dịch rõ ràng.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 3,5 triệu con gia cầm với hàng trăm cơ sở chăn nuôi quy mô lớn phục vụ nhu cầu tiêu thụ tại chỗ và một phần xuất bán ra bên ngoài. Nếu giữ giá ổn định 70.000 - 80.000 đồng/kg như thời điểm trước Tết Nguyên đán 2014, chăn nuôi gia cầm sẽ có hiệu quả cao. Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, mỗi con gà từ lúc ấp nở đến khi xuất bán sẽ tiêu thụ khoảng 5kg thức ăn, trừ các chi phí khác sẽ cho lãi 20.000 đồng/con/lứa. Tại các cơ sở chăn nuôi, giá cả không có biến động nhiều.
Gia đình bà Đinh Thị Liễu ở thôn Thanh Bình, xã Phú Thịnh (Yên Bình) lúc nào cũng có hơn 500 con gà thả vườn. Đợt tết vừa rồi, bà đã xuất bán gần 300 con. Trước thông tin dịch cúm gia cầm bùng phát tại nhiều nơi, bà cũng phòng bệnh cho đàn gà kỹ lưỡng hơn. Gia đình đã có uy tín lâu năm với người tiêu dùng quanh vùng nên sản phẩm tiêu thụ khá dễ dàng. Bà cho biết: “Mỗi lứa gà, tôi thường nuôi trung bình 8 tháng, chủ yếu bằng ngô, thóc nên chất lượng thịt thơm ngon. Tôi vẫn bán với giá khoảng 80.000 đồng/kg”. Với những cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, người dân đã chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm.
Gia đình anh Hoàng Huy Tuấn ở thị trấn Cổ Phúc (Trấn Yên) nuôi hơn 3.000 con gà thịt với giống gà Minh Dư Bình Định đẹp mã, nhanh lớn, chất lượng thịt ngon. Anh cho biết: “Tôi nuôi gà từ năm 2009, mỗi lứa quy mô vài nghìn con. Tôi chủ động liên hệ với thương lái tại chợ gia cầm Hà Vĩ, Hà Nội. Khi cần xuất bán, họ lên tận nơi thu mua”.
Việc vận chuyển gia cầm hiện nay đang được nhiều người dân quan tâm đặc biệt. Giấy chứng nhận kiểm dịch có thể coi là giấy thông hành cho những sản phẩm gia cầm an toàn. Ông Lư Ngọc Duyên - Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Yên Bái cho biết: “Cơ quan thú y tạo luôn điều kiện cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho người dân nếu gia cầm được nuôi tại các trang trại, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chăn nuôi an toàn, không dịch bệnh. Nếu có nhu cầu xuất bán đi các tỉnh khác, người dân khi bán cần khai báo với cơ quan thú y. Kiểm dịch viên kiểm tra, xác minh nguồn gốc, đưa ra các lịch trình phù hợp tại địa phương cần đến theo công văn các tỉnh đã gửi cho Yên Bái. Ngoài ra, cần phải vận chuyển bằng phương tiện chuyên dụng và người dân tạm thời chưa nên tái đàn trong thời điểm này”.
Qua mỗi lần có dịch bệnh xảy ra mới thấy còn có nhiều vấn đề trong giải quyết bài toán tiêu thụ sản phẩm. Người chăn nuôi trước hết cần tăng cường phòng chống dịch bệnh, tạo ra những sản phẩm chất lượng, tự xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó cần có liên kết “4 nhà” trong chăn nuôi gia cầm để tạo hướng đi bền vững, tạo thị trường và giá cả ổn định. Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường, thú y cần kiểm soát chặt chẽ việc nhập gia cầm từ bên ngoài, không để gà nhập lậu, gà kém chất lượng có cơ hội tiêu thụ trên thị trường, tạo cơ sở cho ngành chăn nuôi địa phương phát triển bền vững.
Hồng Khanh
Các tin khác
Bộ Công thương vừa công bố dự thảo thông tư quy định mẫu hợp đồng mua bán điện.
Ngày 12/3, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Đề án xây dựng cầu nông thôn các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên giai đoạn 2014-2020.
YBĐT - Năm 2014, để hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất nông lâm nghiệp đã đề ra, huyện Văn Yên đã xác định nhiều giải pháp cụ thể. Đó là quy hoạch vùng sản xuất lúa, ngô hàng hóa, vùng quế, sắn theo hướng ổn định về diện tích, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm.