Tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc
- Cập nhật: Thứ năm, 20/3/2014 | 3:18:11 PM
YBĐT - Sau thành công của Nghị quyết về phát triển chăn nuôi lợn, hiện nay, Văn Yên (Yên Bái) đang nghiên cứu xây dựng Đề án về phát triển chăn nuôi đại gia súc.
Trâu được sử dụng làm sức kéo ở Văn Yên đang có xu hướng giảm mạnh.
|
Mặc dù có tiềm năng và lợi thế để phát triển chăn nuôi đại gia súc nhưng phát triển chăn nuôi của Văn Yên lại đang gặp nhiều khó khăn. Hiện tổng đàn trâu, bò toàn huyện có 20.241 con, trong đó đàn trâu chiếm đa số với 19.385 con, đàn bò 966 con. Ông Khổng Giang Lam - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Yên cho biết: “Hiện nay, huyện chưa có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi để tăng đàn cơ học. Các giải pháp phát triển chăn nuôi mới chỉ tập trung tăng đàn bằng sinh sản tự nhiên.
Từ nhiều năm nay, Văn Yên luôn duy trì trên 10.000 con trâu, bò sinh sản tự nhiên, trong đó có 7.500 con cái. Với số lượng đó mỗi năm có thể sản xuất ra 4.500 con nghé bổ sung cho đàn”. Tuy nhiên, số lượng đó cũng không làm cho đàn gia súc của huyện tăng trưởng, thậm chí lại đang có chiều hướng giảm mạnh. Nếu như năm 2010, đàn trâu có 23.425 con, đàn bò 2.812 con thì đến nay, đàn trâu chỉ còn 19.385 con, đàn bò giảm còn 966 con.
Nguyên nhân giảm là do nhận thức của người dân còn hạn chế, vẫn giữ tập quán chăn nuôi cũ, chưa xác định được tầm quan trọng của chăn nuôi trâu, bò hàng hóa để phát triển kinh tế. Trong khi đó, thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài có năm làm chết hàng trăm con trâu, bò ở các xã vùng cao - nơi mà người dân không có chuồng trại hoặc chuồng trại không đảm bảo chống rét cộng với tập quán thả rông, thiếu thức ăn.
Bên cạnh đó, việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào chăn nuôi còn chậm và chưa đồng bộ, thiếu vốn, giá cả thị trường biến động làm ảnh hưởng đến tâm lý của người chăn nuôi, xu hướng lao động sản xuất nông nghiệp ngày càng giảm; công tác phối giống bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, cải tạo giống bò tuy đã được quan tâm, chỉ đạo nhưng chưa đáp ứng yêu cầu.
Mặt khác, diện tích đồng cỏ tự nhiên giảm, đất đồi chủ yếu trồng cây nguyên liệu; cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước với người chăn nuôi chưa thỏa đáng cũng tác động không nhỏ đến việc phát triển đàn trâu, bò hàng hóa.
Đông An là xã có tiềm năng, lợi thế để phát triển chăn nuôi đại gia súc với đất đai rộng lớn, nguồn thức ăn tại chỗ dồi dào nhưng vẫn gặp khó khăn trong phát triển đàn trâu, bò.
Ông Hoàng Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Đất đai chúng tôi không thiếu nhưng thiếu vốn và lao động. Hiện nay, số lao động nông nghiệp chủ yếu là người già và trẻ em”. Vì vậy, ở Đông An chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, nhà vài con, chỉ có một vài hộ chăn nuôi theo mô hình trang trại. Nhiều nhà nuôi theo kiểu thời vụ, sau khi thu hoạch vụ hè thu mua trâu, bò về vỗ béo vài tháng rồi xuất chuồng.
Mặt khác, theo ông Hùng, thực hiện chủ trương đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, nhu cầu chăn nuôi trâu, bò kết hợp sử dụng làm sức kéo không còn nhiều như trước. Nhiều hộ dân cho rằng, chăn nuôi trâu, bò tuy cho giá trị kinh tế lớn nhưng giá cả phập phù, nếu rủi ro gặp thời điểm rớt giá hoặc dịch bệnh thì thiệt hại cũng không hề nhỏ nên họ không dám mạo hiểm mở rộng qui mô.
Trước thực trạng đó, bên cạnh các giải pháp tăng tổng đàn, Văn Yên cũng đang tập trung nâng cao chất lượng đàn trâu, bò hàng hóa nhằm tăng giá trị và hiệu quả kinh tế của từng hộ chăn nuôi và của địa phương. Đối với các địa phương không có điều kiện thuận lợi để tăng tổng đàn thì tập trung vào chất lượng, giá trị chứ không chú trọng vào số lượng đầu con.
Bên cạnh đó, huyện tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, đặc biệt là những giống mới cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao và làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; khuyến khích, tạo mọi điều kiện cần thiết cho các nhà đầu tư xây dựng các trang trại chăn nuôi theo dạng hướng thịt nhằm khai thác, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh trên cơ sở đảm bảo vệ sinh môi trường và đầu ra cho sản phẩm; vận động, khuyến khích người dân chuyển đổi diện tích đất sản xuất nông nghiệp sang trồng cỏ thâm canh phục vụ chăn nuôi.
Và đối với các nguồn vốn, chính sách đầu tư, hỗ trợ phục vụ mục tiêu không nên dàn trải mà tập trung vào những vùng trọng điểm, thật sự có lợi thế và điều kiện để phát triển đàn trâu, bò hàng hóa vừa mang lại giá trị kinh tế cao vừa tận dụng hết tiềm năng của địa phương.
Anh Dũng
Các tin khác
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2013 đã được Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố sáng nay (20/2), tại Hà Nội. Thứ tự đứng trong bảng xếp hạng đã có sự thay đổi bất ngờ, đứng đầu bảng là Thành phố Đà Nẵng.
Trước tốc độ giải ngân "rùa bò" của gói 30.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng mới đây đã đề xuất mở rộng đối tượng được vay và tăng số ngân hàng cho vay gói tín dụng này.
Sáng nay 20/3, giá vàng trong nước giảm mạnh theo xu hướng chính trên thế giới và chính thức mất mốc 36 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, giá vàng trong nước lại nới rộng khoảng cách chênh lệch với giá vàng thế giới, lên gần 2,1 triệu đồng/lượng.
YBĐT - Theo kết quả rà soát hệ thống cầu treo năm 2014 của huyện Văn Chấn, trong tổng số 52 công trình cầu treo đang được khai thác sử dụng thì chỉ có 21 cầu có mặt cầu còn sử dụng tốt, còn lại đểu đã bị hư hỏng ở mức độ khác nhau.