Sản xuất công nghiệp: Lao đao vì thiếu nắng!

  • Cập nhật: Thứ hai, 24/3/2014 | 9:17:28 AM

YBĐT - Mưa và mưa! Hơn một tháng nay điệp khúc mưa phùn diễn ra khắp khu vực Yên Bình, Trấn Yên, Văn Yên, Lục Yên và thành phố Yên Bái. Mưa đã tạo ra độ ẩm ướt gây ra khó khăn cho sản xuất, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Nguyên liệu cạn và sản xuất sẽ buộc phải ngừng nếu mưa kéo dài.
Ảnh: Chế biến đá trắng tại Công ty Đá cẩm thạch RK Lục Yên.
Nguyên liệu cạn và sản xuất sẽ buộc phải ngừng nếu mưa kéo dài. Ảnh: Chế biến đá trắng tại Công ty Đá cẩm thạch RK Lục Yên.

Nhìn trời mưa lâm thâm, ông Hùng Việt, một chủ xưởng sản xuất gỗ ván ép ở Lương Thịnh - Trấn Yên thốt lên ngao ngán: Trước tết, thời tiết tốt thì ván ế ẩm, giờ thời tiết xấu, hàng đã chạy, giá lại tăng thêm 200 nghìn đồng mỗi khối thì không còn ván! Không buồn sao được khi xưởng đã ngừng hoạt động từ sau tết Nguyên đán, hơn trăm khối gỗ keo mua về chưa kịp bóc, chất lượng đang xuống dần, còn gần 50 m3 ván đã bóc xong, phơi dưới trời mưa đã mục hết. Sau tết, chủ và thợ chỉ chơi không, trăm triệu tiền nguyên liệu coi như đã “xuống sông, xuống biển”, thiệt hại sẽ còn tăng thêm nếu thời tiết tiếp tục “thiếu thiện chí” như thế này.

Như tình trạng của cơ sở sản xuất ông Việt, hàng loạt cơ sở sản xuất gỗ bóc ở các địa phương trên cùng đang chịu cảnh đìu hiu. Nhìn những tấm ván thâm đen, ướt đẫm trong mưa, những hàng ván phơi bên đường lấm bê bết bùn đất, nhiều tấm đã mục nát, ai cũng xót cho người làm nghề. Để tồn tại và phát triển, nghề chế biến gỗ phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nào vốn liếng, kỹ thuật, nguyên liệu, thị trường... những yếu tố ấy khó khăn cũng còn có cách khắc phục, riêng gặp mưa thì chỉ  biết kêu trời! Nhiều người làm gỗ lâu năm còn nhận định, nếu trời có nắng dăm bữa, nửa tháng thì các xưởng cũng giải quyết được khâu tồn đọng, muốn tiếp tục tăng tốc cũng rất khó vì chắc chắn sẽ gặp phải tình trạng thiếu nguyên liệu. Vì, “Gỗ còn đứng trên rừng, có tổ chức khải thác, rồi vận chuyển về được đến xưởng mà bóc thì ít nhất cũng cả tháng”.  

Chung cảnh nghề chế biến gỗ rừng trồng, nghề khai thác và chế biến khoáng sản khai thác đá, quặng sắt, vật liệu xây dựng - lĩnh vực mang lại giá trị sản xuất công nghiệp và nguồn thu cho ngân sách địa phương cũng đang lao đao vì thời tiết. Mưa không thể đưa công nhân lên khai trường vì nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn lao động, mà khai thác cũng không thể vận chuyển được vì đường sá lầy lội.

Riêng đối với các cơ sở chế biến quặng sắt thì dù có tập kết được nguyên liệu về đến nhà máy rồi cũng rất khó sản xuất hoặc không thể làm vì mất an toàn, nếu có làm thì rất kém năng suất.

Do vậy, theo đánh giá của ngành công thương Yên Bái, chỉ tính riêng tháng 2 giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế ước đạt 552,11 tỷ đồng, giảm 26,28% so với tháng trước, luỹ kế ước đạt 1.301,04 tỷ đồng, trong đó công nghiệp khai khoáng ước đạt 159,616 tỷ đồng, giảm 11,2% so với cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt 958,464 tỷ đồng, tăng 14,83% so với cùng kỳ; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng ước đạt 178,419 tỷ đồng, giảm 10,4% so với cùng kỳ; cung cấp nước, hoạt động quản lý và sử lý rác thải, nước thải ước đạt 4,541 tỷ đồng, giảm 8,12% so với cùng kỳ.

Mặc dù vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước (tăng 6,87%) nhưng giá trị sản xuất đạt kế hoạch thấp bởi nguyên nhân nghỉ tết Nguyên đán và thời tiết bất lợi. Đó là kết quả của tháng 2, còn tháng 3, tình hình có lẽ cũng không sáng sủa hơn vì suốt từ đầu đến gần cuối tháng (khi chúng tôi thực hiện bài viết này) trời Yên Bái vẫn liên tiếp có mưa - bất lợi cho sản xuất công nghiệp vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Trong bối cảnh khó khăn chung, thêm yếu tố thời tiết bất lợi, song nhiều doanh nghiệp đã có những biện pháp khắc phục hoặc vẫn cố gắng duy trì sản xuất nhằm tạo việc làm cho người lao động đồng thời để giữ lấy mối hàng truyền thống.

 

Ván bóc xong vẫn phải chất đống trong kho vì thời tiết ẩm ướt.

Bà Đinh Thị Sinh - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Mông Sơn cho biết: Nghề khai thác và chế biến Các bon nát canxi chịu tác động bởi thời tiết ở khâu khai thác. Lường trước được vấn đề thời tiết, Công ty đã tập trung khai thác và vận chuyển đến kho nguyên liệu tại nhà máy được mấy chục nghìn tấn đủ để công nhân có việc làm và doanh nghiệp duy trì mối hàng của mình. Tất nhiên nếu trời tiếp tục mưa kéo dài, nguyên liệu cũng cạn và sản xuất sẽ buộc phải ngừng.

Là doanh nghiệp chế biến gỗ lớn tại Yên Bái, Công ty TNHH Doanh Mùi (Trấn Yên) cũng đang đau đầu vì cơn “sập sùi” của ông trời. Hơn 1.000m3 ván bóc làm nguyên liệu cho sản phẩm gỗ ép mà Công ty đã chuẩn bị để phòng trời mưa kéo dài đã hết sạch. Để duy trì sản xuất, những ngày qua Công ty phải cử cán bộ vào Văn Chấn và ngược tận Lào Cai mua ván bóc.

Ông Nguyễn Văn Doanh, chủ doanh nghiệp cho biết: Ván từ cửa khẩu Lao Cai chạy về Yên Bái là chuyện chưa bao giờ xảy ra, làm như vậy sẽ đẩy giá thành sản phẩm lên. Nhưng để duy trì sản xuất và giữ mối hàng từ Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc đó toàn là những khách hàng rất khó tính, Công ty phải chấp nhận.

Bao giờ thấy lại mặt trời để sản xuất công nghiệp vào guồng và tăng tốc, để ngành công nghiệp giữ vững nhịp độ tăng trưởng - điều này vẫn chưa có câu trả lời chính xác khi tin gió mùa đông bắc đang về và trời chưa biết bao giờ mới dứt mưa!

 Lê Phiên

Các tin khác

Chậm nhất từ ngày 1/4, các địa phương phải đồng loạt kiểm tra tải trọng xe trên nhiều quốc lộ trọng điểm, Tổng cục Đường bộ vừa chỉ đạo.

Kết quả dự báo về giá vàng tuần tới do Kitco News thực hiện.

Ngưỡng giá vàng thế giới tuần tới được dự báo trong khoảng 1.325 – 1.375 USD/oz

Ngay sau khi giảm lãi suất (LS) kỳ hạn ngắn, Sacombank đã giảm tiếp LS huy động kỳ hạn dài. Theo đó, kỳ hạn 24 tháng LS giảm từ 8,2%/năm xuống còn 7,7%/năm, kỳ hạn 36 tháng LS cũng giảm từ 8,3%/năm xuống 8%/năm. OCB cũng công bố biểu LS mới từ ngày 20-3 với LS kỳ hạn 6 tháng là 7%/năm, 9 tháng 7,3%/năm, 12 tháng là 7,8%/năm.

Ngày 21.3, Công ty TNHH Amway Việt Nam - thành viên của Tập đoàn bán hàng trực tiếp Amway, chính thức khởi công xây dựng nhà máy sản xuất thứ 2 tại Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục