Chè Phình Hồ - tiềm năng đang bỏ ngỏ
- Cập nhật: Thứ tư, 25/6/2014 | 8:56:43 AM
YBĐT - Để xóa đói giảm nghèo, những năm qua, nhân dân đã tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi song do ở cao, khí hậu thời tiết khắc nghiệt nên hầu hết các loại cây đưa lên trồng đều thất bại. Duy nhất chỉ có cây pơ mu và cây chè tuyết cổ thụ bản địa là sinh trưởng và phát triển tốt được ở vùng đất này.
Phình Hồ là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Trạm Tấu, diện tích tự nhiên trên 3.000ha với 4 thôn, bản và dân số trên 1.200 người, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm trên 90%. Từ nhiều đời nay, cuộc sống của đồng bào nơi đây chủ yếu trông vào cây ngô, cây lúa và cây chè tuyết cổ thụ; tỷ lệ hộ đói nghèo vẫn còn chiếm tới 82%.
Để xóa đói giảm nghèo, những năm qua, nhân dân đã tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi song do ở cao, khí hậu thời tiết khắc nghiệt nên hầu hết các loại cây đưa lên trồng đều thất bại. Duy nhất chỉ có cây pơ mu và cây chè tuyết cổ thụ bản địa là sinh trưởng và phát triển tốt được ở vùng đất này. Vậy mà bấy lâu nay, thế mạnh này của Phình Hồ vẫn đang bị bỏ ngỏ, chưa được đầu tư phát triển để giúp đồng bào dân tộc Mông xóa đói giảm nghèo.
Cây chè tuyết cổ thụ là giống chè tự nhiên được nhân dân lấy ở trong rừng về trồng làm thuốc chữa bệnh cách đây 80 - 100 năm và nay toàn xã đã phát triển được khoảng 180ha, tập trung chủ yếu ở các bản Tà Chừ, Phình Hồ và Chí Lư. Do trồng và phát triển tự nhiên ở độ cao từ 1.000 - 1.500m so với mặt biển nên mật độ cây thưa, năng suất chỉ đạt khoảng 700 - 800kg chè búp tươi trên 1ha. Chiều cao trung bình của cây đạt từ 6 - 10m và đường kính tán khoảng 3- 4m; lá, búp to, tôm có nhiều lông tơ như tuyết trắng; hoàn toàn sinh trưởng trong điều kiện tự nhiên, không có thuốc bảo vệ thực vật tác động. Khi sao bằng phương pháp thủ công, chè được nước, có màu xanh vàng rất tự nhiên, hương vị thơm; uống có vị đượm, chát, có vị ngọt trong cổ họng; có đặc trưng riêng của núi rừng vùng cao quanh năm mây mù.
Về hiệu quả kinh tế, hiện nay, bình quân 1kg chè búp khô sao bằng phương pháp thủ công sẽ bán được từ 130.000 - 200.000 đồng. Vì vậy, ngoài cây ngô, cây lúa, cây chè đã và đang đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho đồng bào Mông Phình Hồ.
Gia đình chị Giàng Thị Xúa ở thôn Tà Chừ có 1,5ha chè tuyết cổ thụ, trung bình mỗi năm cho thu hái 4 vụ và mỗi vụ bán được trên 1 tấn chè búp tươi, mang lại thu nhập từ 12 - 13 triệu đồng. Chị Xúa cho biết: "Cây ngô, cây lúa trồng chỉ đủ ăn. Mua sách vở, quần áo cho con đều phải nhờ vào cây chè nhưng cũng không được bao nhiêu".
Với diện tích chè hiện có của xã thì trung bình mỗi năm cho thu hái khoảng 130 tấn chè búp tươi, nếu bán với giá hiện tại 13.000 đồng/1kg chè búp tươi sẽ đem lại nguồn thu khoảng 1,5 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, nhân dân đã thu hái được trên 45 tấn chè búp tươi. Do chưa có cơ sở chế biến nên dân bản chỉ sao thủ công được khoảng 1/3 sản lượng, còn lại phải bán trôi nổi cho người dân ở các địa phương khác. Hiện tại, ở xã Phình Hồ, duy nhất chỉ có cơ sở sao chè thủ công của gia đình anh Đặng Xuân Tú là có quy mô nhất. Với 2 bom sao thủ công, một ngày, cơ sở của anh cũng chỉ đủ sức tiêu thụ 3,5 - 4 tạ chè búp tươi cho nhân dân, còn lại khoảng trên 1 tấn bà con phải bán ra ngoài.
Hiệu quả của cây chè tuyết cổ thụ Phình Hồ đã rõ song thực tế, việc bảo tồn, phát triển cây chè bền vững, giúp nhân dân ở xã vùng cao khó khăn này xóa đói giảm nghèo vẫn còn nhiều vấn đề cần phải bàn. Đó là việc quy hoạch, đầu tư bảo tồn và phát triển vùng chè Phình Hồ chưa có, trong khi diện tích ở đây có thể mở rộng ra khoảng trên 300ha; khâu chế biến cũng chưa được đầu tư; sản phẩm của nhân dân sản xuất ra không có nơi tiêu thụ, phải bán ra ngoài, trà trộn lẫn chè kém chất lượng ở vùng khác; tỉnh và huyện cũng chưa có chính sách gì để khuyến khích, giúp nhân dân bảo tồn, trồng dặm và nhân rộng.
Được biết, hiện nay, huyện Trạm Tấu đang giao cho Phòng Kinh tế - Hạ tầng xây dựng thương hiệu quảng bá sản phẩm chè Phình Hồ nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Đối với Đảng ủy, chính quyền xã, bấy lâu nay cũng mới chỉ có chủ trương chung chung chứ chưa có quy hoạch hay có đề án đầu tư cụ thể nào cho phát triển vùng nguyên liệu cũng như chế biến để giúp cho nhân dân phát triển cây chè bền vững. Để khai thác được tiềm năng, thế mạnh của cây chè cổ thụ Phình Hồ, giúp cho nhân dân xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững, trong thời gian tới rất cần có sự quan tâm thiết thực của các cấp, các ngành chức năng.
Với những ưu điểm, lợi ích của cây chè tuyết cổ thụ Phình Hồ đem lại, hy vọng trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái và huyện Trạm Tấu sẽ có sự nghiên cứu, chỉ đạo và có chính sách giúp cho đồng bào dân tộc Mông nơi đây đầu tư quy hoạch trồng bổ sung và nhân rộng diện tích; đầu tư xây dựng cơ sở chế biến; phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, bền vững, góp phần nâng cao đời sống, thu nhập cho dân, thực hiện xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Thành Nam
Các tin khác
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2014 tăng 0,3% so với tháng trước và tăng 4,98% so với cùng kỳ năm 2013; còn so với tháng 12 năm trước, CPI tăng 1,38%. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2006.
Tổng cục Thuế vừa yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm soát kê khai thuế của các doanh nghiệp sữa trên cả nước.
Tổ chức Gỗ Nhiệt đới Quốc tế cam kết hỗ trợ Việt Nam về việc xét duyệt các dự án nâng cao năng lực để Việt Nam có thể tham gia chủ động, tích cực.
YBĐT - Để giúp bà con nông dân thay đổi tập quán chăn nuôi, tiếp cận với các biện pháp khoa học kỹ thuật mới, ngày 23/6, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái triển khai mô hình chăn nuôi trâu sinh sản quy mô nông hộ cho 13 gia đình trên địa bàn xã Phúc Ninh, huyện Yên Bình.