SRI - từng bước thay đổi phương pháp canh tác lúa truyền thống
- Cập nhật: Thứ hai, 14/7/2014 | 2:42:18 PM
YBĐT - Những năm qua, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Lục Yên đã triển khai thực hiện hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI ở một số địa phương trên địa bàn huyện và đã đem lại hiệu quả rõ rệt, giảm chi phí đầu tư, công sức chăm sóc so với phương pháp canh tác lúa truyền thống của người dân, năng suất lúa đạt cao hơn từ 2 - 5 tạ/ha.
Theo phương pháp cấy lúa truyền thống, người nông dân thường gieo mạ, sau đó nhổ đi cấy khi cây mạ được 4 - 5 lá, thậm chí còn già hơn và thường cấy 3 - 5 dảnh/khóm và cấy 45 - 50 khóm/m2. Biện pháp này làm cho mạ bị đứt rễ, gây chột, lâu hồi xanh, dẫn đến đẻ nhánh kém, số dảnh hữu hiệu thấp, cây lúa bông nhỏ, hạt ít.
Việc cấy mau, bón phân thành nhiều đợt, lạm dụng đạm cũng là nguyên nhân gây bùng phát các loại sâu bệnh hại. Thâm canh lúa cải tiến SRI là phương pháp canh tác dựa trên các cơ sở khoa học xuất phát từ thực tiễn sản xuất lúa hiện nay, thực hiện tổng hợp các biện pháp: quản lí dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý dinh dưỡng (INM) và quản lý nước (IWM). Nguyên tắc cơ bản của phương pháp này là cấy mạ non, cấy một dảnh, cấy thưa, quản lí nước, làm cỏ sục bùn và bón phân hữu cơ.
Qua nhiều vụ được triển khai ở một số địa phương trên địa bàn huyện Lục Yên, hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt. Đó là tiết kiệm 50% lượng giống đối với giống lúa lai và đến 80% đối với lượng giống lúa thuần, cụ thể: SRI chỉ cần gieo 0,5kg giống cho 1 sào cấy với mật độ cấy chỉ khoảng 25 khóm/m2, so với phương pháp truyền thống thưa hơn 10 khóm/m2; thực hiện tưới và rút nước xen kẽ nhằm tạo ra sự thông thoáng cho đất, giúp bộ rễ của lúa phát triển tốt nhất, giảm nước tưới 2 lần/vụ, giảm 2 lần phun thuốc/vụ, năng suất trung bình đạt trên 69 tạ/ha, tăng cao hơn so với lúa lai canh tác theo phương pháp truyền thống từ 0,6 - 11 tạ/ha, so với lúa thuần tăng từ 2 - 5 tạ/ha.
Mặt khác, phương pháp này giảm được lượng thóc giống, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm công chăm sóc, do vậy giảm chi phí so với phương pháp truyền thống hơn 200.000 đồng/sào, cho lãi hơn 400.000 đồng/sào. Bà Hoàng Thị Tờ - Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Lục Yên cho biết thêm: “Hiệu quả của phương pháp sản xuất lúa cải tiến SRI là rõ ràng, đã được thực hiện ở nhiều địa phương trên địa bàn. Tuy nhiên còn một khó khăn là thiếu nguồn vốn nên rất mong UBND huyện hỗ trợ để dự án được nhân rộng hơn nữa”.
Nhân rộng mô hình hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI trên địa bàn huyện Lục Yên, vụ xuân năm nay, Trạm Bảo vệ thực vật Lục Yên đã thực hiện dự án tại 3 xã Lâm Thượng, Tân Lĩnh, Minh Xuân với 80 hộ nông dân tham gia, diện tích 15ha. Giống lúa được sử dụng trong mô hình là Nhị ưu 69, các hộ tham gia dự án được hỗ trợ 50% tiền phân bón, giống đồng thời được các cán bộ kỹ thuật thường xuyên hướng dẫn cách chăm sóc từ khâu gieo mạ cho đến lúc gặt. Trạm Bảo vệ thực vật huyện đã tổ chức hội nghị đầu bờ đánh giá kết quả thực hiện dự án ở thôn 17, xã Minh Xuân.
Qua thăm quan mô hình, các đại biểu đều nhận định, kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI có nhiều tiến bộ, giảm chi phí, tăng năng suất cây trồng so với phương pháp truyền thống của người dân. Ông Nguyễn Văn Tình - Phó chủ tịch UBND xã Mai Sơn cho biết: “Sau khi thăm quan mô hình, thấy hiệu quả của phương pháp sản xuất này, trong những vụ sau, Mai Sơn cũng sẽ tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện thí điểm, từng bước thay đổi phương pháp sản xuất lúa truyền thống”.
Gia đình chị Nông Thị Sướng ở thôn 17, xã Minh Xuân có tất cả 7 sào ruộng. Vụ xuân năm 2014, thực hiện theo dự án SRI ở xã, gia đình mạnh dạn sản xuất trên 5 sào ruộng theo kĩ thuật thâm canh cải tiến với cùng một loại giống là Nhị ưu 69. Thực hiện đúng nguyên tắc của phương pháp canh tác mới tiến bộ này, năng suất lúa đã tăng cao hơn hẳn so với phương thức sản xuất truyền thống trước đây.
Chị Sướng cho biết: “Ban đầu chưa quen với phương pháp sản xuất này, thấy cấy lúa thưa quá cũng lo lắng nhưng về sau, khi lúa đã phát triển thì rất tốt, năng suất năm nay cao hơn hẳn”. Gia đình ông Nông Văn Tiến ở cùng thôn vụ xuân năm nay cũng đạt năng suất lúa cao hơn mọi năm nhờ thực hiện theo phương pháp SRI.
Với hiệu quả rõ rệt ở nhiều mùa vụ, nhiều địa phương, có thể thấy, kĩ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI là hệ thống canh tác lúa tiến bộ cần được sản xuất ra diện rộng để từng bước thay thế phương pháp sản xuất lúa truyền thống, tăng năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.
Duy Khánh - Hoàng Hữu
Các tin khác
Từ 13/7, các cảng vụ hàng không sẽ phải báo cáo Cục Hàng không Việt Nam trước 16 giờ hàng ngày về tình hình chậm, huỷ chuyến bay trong ngày của từng hãng hàng không, chi tiết nguyên nhân chậm, huỷ chuyến bay.
YBĐT - Là ngân hàng thương mại lớn trên địa bàn tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Yên Bái (BIDV Yên Bái) đã và đang bám sát mục tiêu chung của ngành, của BIDV Trung ương cũng như nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh để tập trung nguồn vốn, đầu tư cho vay, triển khai các loại hình dịch vụ tài chính, tiền tệ… nhằm góp phần thực hiện mục tiêu ổn định và phát triển.
Bộ trưởng Cao Đức Phát chính thức yêu cầu không tiếp tục mở rộng diện tích cao su trồng mới, có chế độ cạo mủ thích hợp, giảm chi phí nhân công.
YBĐT - Vào mùa mưa lũ, thời tiết có những thay đổi phức tạp, diễn biến khó lường, thường có bão lốc, lũ lụt lớn xảy ra, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm cho dịch bệnh ở gia súc, gia cầm có nguy cơ bùng phát và lan ra diện rộng.