Những kinh nghiệm được đúc rút
- Cập nhật: Thứ năm, 24/7/2014 | 8:55:32 AM
YBĐT - Năm 2012, xã Vũ Linh của huyện Yên Bình được tỉnh Yên Bái chọn làm điểm triển khai Đề án giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2012 - 2015. Đến nay, sau hơn 2 năm thực hiện, Vũ Linh đã tiến hành giao 261,7ha đất rừng cho 85 hộ dân và cộng đồng quản lý.
Các hộ dân được giao đất, giao rừng ở xã Vũ Linh làm thủ tục nhận đất rừng.
|
Sau 2 lần xây dựng, điều chỉnh phương án và rất nhiều lầncấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức hội nghị họp dân, thậm chí xuống tận thôn gặp gỡ từng hộ để tuyên truyền, vận động. Đến ngày 26/6/2014, 85 hộ dân thuộc diện ưu tiên được xét giao đất, giao rừng ở Vũ Linh phấn khởi đến trụ sở UBND xã bốc thăm lô đất và viết đơn đề nghị cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng qui định hiện hành.
Nằm ở khu vực hạ huyện, Vũ Linh có tổng diện tích tự nhiên hơn 3.736ha, trong đó đất rừng sản xuất là 1.504,5ha và đất rừng tự nhiên là 230,5ha. Đây là 1 trong 2 xã được tỉnh chọn làm điểm triển khai Đề án giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2012 - 2015. Để hoàn thành tốt Đề án, huyện đã chỉ đạo huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; phân công các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy trực tiếp phụ trách từng thôn để cùng các ngành chức năng và cơ sở tháo gỡ khó khăn. Trong đó, đặc biệt lưu ý đánh giá sát hiện trạng đất rừng và tình hình thực tế ở cơ sở để chỉ đạo xã xây dựng, triển khai phương án trên địa bàn.
Đồng chí Địch Quang Phục - Chủ tịch UBND xã Vũ Linh cho biết: “Bám sát chỉ đạo của tỉnh, của huyện và các văn bản qui định của Đảng, Nhà nước, xã đã xây dựng phương án và thực hiện một cách nghiêm túc. Trong quá trình triển khai, địa phương luôn nhận được sự chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự hỗ trợ tích cực từ phía các ngành chức năng của tỉnh, của huyện”.
Để người dân hiểu và nắm rõ chủ trương giao đất, giao rừng của Đảng, Nhà nước cũng như phương án thực hiện của địa phương, giúp người dân thấy được trách nhiệm của mình trong việc thực hiện phương án, công tác tuyên truyền luôn được huyện đặt lên hàng đầu. Từ khi triển khai đến nay, Yên Bình đã cùng xã tổ chức hàng chục buổi tuyên truyền, vận động nhân dân. Nhờ đó, nhận thức của bà con từng bước được nâng cao, bước đầu đã có 175 hộ viết đơn xin được giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp.
Trên cơ sở đó, căn cứ qui định hiện hành và thực trạng sử dụng đất tại địa phương, theo thứ tự ưu tiên, Hội đồng Giao đất, giao rừng xã đã chấp thuận 85 đơn đủ điều kiện, trong đó có 7 hộ gia đình chính sách, 60 hộ nghèo và cận nghèo, còn lại thuộc đối tượng là công an, bộ đội. Trong tổng số 261,7ha đất rừng không bị bao chiếm ở xã Vũ Linh, giai đoạn 1 đã tiến hành giao 161,5ha cho 85 hộ dân với hạn mức giao cho mỗi hộ là 1,9ha; giao 73,6ha cho cộng đồng dân cư thôn Quyên, Ngòi Tu, Đá Trắng, Trại Máng quản lý; còn lại 26,6ha giao cho UBND xã quản lý. Diện tích này đã được huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước ngày 1/7/2014 theo đúng qui định của Đảng, Nhà nước. Thôn Quyên có 73 hộ thì đợt này có 9 hộ được ưu tiên giao rừng, giao đất gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 17,1ha cộng với 10,7ha giao cho cộng đồng dân cư quản lý để giữ nguồn nước và làm đường đi lại.
Anh La Văn Thành - hộ nghèo trong thôn xúc động chia sẻ: “Ơn Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương đã giao đất, giao rừng cho gia đình tôi! Tôi sẽ bảo ban con cháu sử dụng lô đất đúng mục đích để nhanh chóng vươn lên thoát khỏi đói nghèo”.
Tuy nhiên, thực tế thực hiện phương án giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn xã Vũ Linh thời gian qua gặp không ít khó khăn. Để có được phương án như hôm nay, Vũ Linh phải xây dựng và điều chỉnh 2 lần. Lần đầu tiên do chưa có hướng dẫn, qui trình cụ thể nên quá trình triển khai còn nhiều lúng túng, gây bức xúc trong nhân dân.
Trong khi đó, suy nghĩ, tư tưởng muốn giữ đất, giữ rừng cho con cháu, dòng họ, không giao cho người ngoài, người khác thôn sử dụng vẫn còn ăn sâu trong tiềm thức của một bộ phận người dân. Hơn nữa, nhận thức của bà con về lợi ích thiết thực của việc giao đất, giao rừng còn chưa thông suốt. Do vậy, sau khi đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 85 hộ dân thì đến đầu tháng 7/2014, một số hộ dân khác ở hai thôn Ngòi Tu và Đá Trắng vẫn còn băn khoăn, thắc mắc, chưa thống nhất cao với phương án giao đất, giao rừng mà xã đã áp dụng với lý do sợ khi giao rừng, họ sẽ chặt phá cây, làm mất nguồn nước sinh hoạt. Vì vậy, ngày 9/7/2014, đồng chí Chủ tịch UBND huyện và lãnh đạo xã đã xuống thôn Ngòi Tu, Đá Trắng để gặp gỡ, trao đổi, giải đáp thắc mắc của người dân.
Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo địa phương và các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu, đồng thuận cao với phương án giao đất, giao rừng mà Vũ Linh đã thực hiện. Huyện cũng chỉ đạo xã tổ chức cho 85 hộ dân được giao đất, giao rừng ký cam kết sử dụng đúng mục đích, đúng qui định của Đảng, Nhà nước; kiên quyết nghiêm cấm việc tự ý chặt phá rừng, làm ảnh hưởng tới nguồn nước và sinh hoạt của cộng đồng.
Đồng chí Nguyễn Đức Điển - Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: “Hiện tại, Vũ Linh vẫn còn 214,4ha đất bị bao chiếm và canh tác lâu dài nhiều năm sẽ tiếp tục triển khai giao ở giai đoạn 2. Điểm lưu ý bước đầu mà huyện rút ra sau quá trình triển khai phương án trên địa bàn xã Vũ Linh thời gian qua là trước khi thực hiện phải làm tốt khâu rà soát hiện trạng quản lý, sử dụng rừng, đất rừng tới từng hộ gia đình, từng tổ chức, cá nhân trên cả giấy tờ sổ sách và thực tế. Hơn nữa, việc xác định nhóm đối tượng ưu tiên cần được cố định trước khi xây dựng phương án để khi thực hiện không có sự biến động khác. Đặc biệt, khi đã có các dữ liệu cụ thể cần đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú để bà con hiểu, thấy rõ được trách nhiệm của mình trong việc thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ngành chức năng từ xây dựng phương án đến triển khai phương án là rất cần thiết”.
Đây cũng sẽ là cơ sở quan trọng để Yên Bình rút kinh nghiệm, báo cáo tỉnh thống nhất chỉ đạo về chủ trương, biện pháp, cách thức thực hiện Đề án giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2012 - 2015 tại các xã, thị trấn còn lại của huyện một cách hiệu quả hơn.
Ông Trần Xuân Yêu - Bí thư Chi bộ thôn Đá Trắng:
Ông La Văn Việt - Trưởng thôn Quyên:
Bà Lê Thị Hòa - người dân thôn Vũ Sơn:
Ông Lưu Hùng Tiến - người dân thôn Quyên:
|
Kiều Mười
Các tin khác
Thủ tướng yêu cầu điều chỉnh khung giá tiêu thụ nước sạch ở đô thị theo hướng đến năm 2020 không phải trợ giá từ ngân sách nhà nước. Phí vệ sinh cũng sẽ được điều chỉnh theo hướng đáp ứng chi phí...
YBĐT - Là xã thuần nông thuộc vùng ven của thành phố Yên Bái nhưng Minh Bảo không có được điều kiện đất đai trù phú để phát triển các loại cây rau màu như xã Tuy Lộc, Âu Lâu cũng không có nghề làm miến đao truyền thống nổi tiếng như ở Giới Phiên. Đó cũng là những trăn trở trong việc tìm giải pháp đột phá phát triển kinh tế của Đảng ủy, chính quyền nơi đây.
Cho vay nông nghiệp nông thôn hiện là cuộc chạy đua mới của các ngân hàng thương mại. Sự chuyển hướng này không chỉ làm theo định hướng chính sách, mà chính tình trạng nghẽn đầu ra cho tín dụng buộc các ngân hàng phải tự khơi thông dòng chảy mới cho các khoản vay.
YBĐT - Gia đình chị Bế Thị Thương ở thôn Chè Vè, xã An Thịnh (Văn Yên) ngoài hiên nhà là từng đống quế lớn được những thành viên gọt, chẻ, bó lại ngay ngắn. Chị kể lại: “Trước đây, gia đình tôi rất khó khăn. Là con trưởng nên chúng tôi ở cùng cha mẹ, ông bà lại đau yếu luôn và vài năm trước khi ông bà mất thì thời gian ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà”.