SRI giảm chi phí, lợi nhuận cao
- Cập nhật: Thứ sáu, 1/8/2014 | 2:49:50 PM
YBĐT - Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp hiện nay phải chịu quá nhiều tác động từ biến đổi khí hậu, giá vật tư đầu vào, nhân công tăng cao, trong khi giá nông sản không ổn định thì việc nông dân áp dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI là một sự lựa chọn sáng suốt. Thực hiện SRI giúp giảm lượng lúa giống, giảm công chăm sóc, giảm thuốc bảo vệ thực vật lại cho năng suất, chất lượng sản phẩm cao.
Tuy là một tỉnh miền núi, diện tích sản xuất lúa nước không lớn, nhiều cánh đồng, xứ đồng, ruộng bậc thang và có nhiều diện tích chân chua ớm bóng nhưng với sự nỗ lực của ngành nông nghiệp, nông dân Yên Bái vẫn làm nên những vụ lúa bội thu. Yên Bái hôm nay không chỉ bảo đảm an ninh lương thực tại chỗ mà còn có nhiều vùng sản xuất chuyên canh làm hàng hóa khá hiệu quả. Năng suất lúa luôn đạt bình quân trên 95 tạ/ha, tổng sản lượng lương thực năm 2013 đạt trên 283.659 tấn, tăng bình quân mỗi năm từ 5.000 - 7.000 tấn.
Tạo nên những thành công ấy, ngoài việc đầu tư các công trình phục vụ sản xuất, công tác chỉ đạo, điều hành quyết liệt có sự đóng góp không nhỏ từ việc áp dụng quy trình sản xuất SRI với “3 giảm, 3 tăng” (giảm lượng giống, giảm lượng thuốc phòng bệnh, giảm lượng phân đạm; tăng năng suất, tăng chất lượng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế).
Bắt đầu triển khai từ năm 2008 tại 6 xã thuộc huyện Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn, Yên Bình với diện tích 168ha đã cho hiệu quả cao và đến năm 2009, có 1.117ha lúa được bà con áp dụng SRI, đến hết năm 2013 đã có trên 7.440ha với trên 38.000 hộ nông dân toàn tỉnh áp dụng biện pháp canh tác này.
Ông Khổng Giang Lam - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Yên cho biết: "Sử dụng biện pháp canh tác SRI, lượng giống giảm đáng kể so với phương pháp canh tác truyền thống. Nếu như trước đây, bà con phải sử dụng 1,5 - 2kg giống/sào thì áp dụng SRI giảm chỉ còn 0,3 - 0,5kg/sào. Bên cạnh đó còn giảm sâu bệnh, giảm nước tưới, giảm công lao động mà năng suất lại tăng từ 5% - 15%, cá biệt có nơi tăng tới 20% so với sản xuất thông thường".
Xã Vĩnh Kiên (Yên Bình) do nguồn nước chứa nhiều chất thải hữu cơ nên lúa thường xuyên bị lốp, đổ. Trước thực trạng đó, xã vận động bà con áp dụng phương pháp canh tác SRI, cấy thưa nên đã hạn chế được nhược điểm lúa lốp, đổ và năng suất đã tăng lên đáng kể. Với diện tích 7.440ha áp dụng SRI, lượng giống mỗi năm bà con toàn tỉnh đã tiết kiệm được 110 tấn - một con số không hề nhỏ.
Bà Nguyễn Thị Hằng ở xã Đại Phác (Văn Yên) cho biết: "Gia đình tôi có 8 sào ruộng, trước đây vẫn sản xuất theo cách truyền thống nhưng từ năm 2000 được cán bộ khuyến nông, cán bộ bảo vệ thực vật hướng dẫn canh tác SRI đã cho hiệu quả rõ rệt, năng suất cao hơn hẳn. Chỉ tính riêng việc phun thuốc bảo vệ thực vật đã giảm 6 đến 7 lần/vụ".
Rõ ràng hiệu quả của biện pháp canh tác SRI đã được khẳng định, không chỉ tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống mà còn giúp nông dân hiểu biết về khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Áp dụng SRI cũng tăng mối liên kết cộng đồng, giảm sự phát thải nhà kính mà chất lượng sản phẩm sạch hơn, ngon hơn, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tuy nhiên, trong tổng số 7.440ha lúa áp dụng SRI mới chỉ có 2.500ha được bà con kết hợp với phân viên nén dúi sâu, 1.278ha diện tích áp dụng canh tác toàn phần, 6.163ha diện tích áp dụng từng phần. Qua thực tế cho thấy, diện tích áp dụng SRI khá lớn nhưng chất lượng áp dụng lại chưa cao, có đến 83% diện tích là áp dụng từng phần.
Trong đó, nguyên tắc cấy thưa, cấy nông tay được người dân thực hiện tốt nhất, còn nguyên tắc cấy mạ non mới chỉ đạt 85,6%, cấy 1 rảnh/khóm đạt 45,6%, cấy vuông mắt sàng 42,5%. Nguyên nhân là đa phần nông dân thiếu nguồn nhân lực, lao động nông thôn đã đi làm các ngành nghề khác và một vấn đề nữa là bà con đã quen với làm mạ khay để giảm công cấy.
Một vấn đề không thể không nói đến là việc làm cỏ sục bùn dường như đã bị phần lớn nông dân lãng quên, qua điều tra chỉ có 15% nông dân thực hiện. Thuốc trừ cỏ cùng với các loại hóa chất trong nông nghiệp đã và đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực với môi trường, sức khỏe con người và chất lượng sản phẩm nhưng với ưu điểm là hiệu quả nhanh, kéo dài và rẻ, tiết kiệm công lao động nên đó vẫn là sự lựa chọn số một của nhà nông hiện nay.
Bên cạnh đó, người dân vẫn còn quá lạm dụng phân hóa học mà không hề tận dụng nguồn phân hữu cơ sẵn có để bổ sung cho đồng ruộng. Một nguyên nhân nữa do hình thức chăn nuôi lợn, trâu, bò thay đổi theo hướng bán công nghiệp và công nghiệp nên lượng phân chuồng giảm.
Thiết nghĩ, ngành nông nghiệp, các huyện, thị cần tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng áp dụng SRI trên địa bàn; tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật đồng thời xây dựng các mô hình trình diễn, giúp người dân nắm chắc kỹ thuật để áp dụng ngày một nhiều hơn, hiệu quả hơn.
Thanh Phúc
Các tin khác
Kể từ ngày hôm nay (1/8), giá bán xăng sinh học E5 RON 92 được áp dụng tại tất cả hệ thống phân phối của Công ty TNHH MTV - xăng dầu Quảng Ngãi (Petrolimex Quảng Ngãi) tại vùng 1 sẽ có giá là 25.310 đồng/lít.
YBĐT - Vài năm trở lại đây, chè Shan tuyết trên địa bàn tỉnh bị sâu bệnh, nhất là tình trạng mối xâm hại, làm một số diện tích chè bị chết hoặc sinh trưởng, phát triển kém, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng. Có rất nhiều nguyên nhân khiến tình trạng này ngày càng phát triển: do người dân chăn thả gia súc khiến cho gốc chè quang; do gốc chè không giữ được độ ẩm thích hợp đã tạo điều kiện cho mối phát triển…
Từ 14h ngày 1/8/2014, Jetstar Pacific sẽ mở bán vé trên đường bay mới Tp.Hồ Chí Minh -Thanh Hóa, được Hãng khai thác từ ngày 5/9/2014 bằng máy bay Airbus A320(180 chỗ ngồi).
Một số công ty gas tại TP.HCM cho biết giá bán lẻ tháng 8/2014 sẽ giảm 1.000 đồng/kg so với tháng 7/2014, bởi giá gas thế giới tháng 8/2014 giảm 40 USD/tấn so với tháng 7/2014.