Yên Bái cấp bách tái cơ cấu sản xuất lâm nghiệp

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/8/2014 | 9:27:32 AM

YBĐT - Yên Bái là tỉnh miền núi có diện tích rừng khá lớn, hàng chục vạn hộ nông dân sống bằng nghề rừng thế nhưng sản xuất lâm nghiệp lại đang có thu nhập thấp nhất, gây lãng phí tiềm năng đất đai. Làm gì để nâng cao giá trị sử dụng đất, nâng cao đời sống của người trồng rừng là một đòi hỏi cấp bách và cần có những giải pháp tổng thể.

Tái cơ cấu sản xuất nhằm nâng cao giá trị kinh tế và thu nhập cho người trồng rừng.
Tái cơ cấu sản xuất nhằm nâng cao giá trị kinh tế và thu nhập cho người trồng rừng.

Hiệu quả kinh tế trong sản xuất lâm nghiệp đã được khẳng định rõ là không chỉ đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Từ nhiều năm nay, Yên Bái luôn quan tâm phát triển lâm nghiệp và hàng loạt cơ chế, chính sách được ban hành đã tạo động lực cho phát triển. Bình quân mỗi năm, nhân dân, các nông lâm trường, công ty lâm nghiệp trồng mới trên 13.000ha rừng, nâng diện tích rừng kinh tế lên trên 220.000ha.

Phát triển lâm nghiệp đã trở thành một nghề của phần lớn nông dân, góp phần lớn vào công cuộc xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn. Song có một thực tế là sản xuất lâm nghiệp, nhất là trong phát triển rừng kinh tế, giá trị mang lại chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng, giá trị thực. Sản xuất lâm nghiệp đang là một ngành mang lại giá trị thấp nhất so với các loại cây trồng khác, bình quân đạt 10 triệu đồng/ha/năm.

Theo báo cáo của Chi cục Phát triển Lâm nghiệp tỉnh, năm 2013, toàn tỉnh trồng mới 15.000ha rừng, khai thác 8.000ha rừng kinh tế, cho thu trên 400.000m3 gỗ, năng suất bình quân đạt trên dưới 50m3/ha. Qua đó cho thấy, sản lượng gỗ cho thu hoạch là rất thấp, sản lượng thấp đồng nghĩa với giá trị kinh tế không cao. Với 50m3 gỗ thu được, bán với giá thị trường hiện nay, gỗ tốt, đẹp cũng chỉ được 53 - 54 triệu đồng/ha. Nếu nhìn tổng thể thì đây là số tiền không hề nhỏ đối với các hộ gia đình ở nông thôn nhưng nếu đem chia cho một chu kỳ trồng rừng 6 năm (đất tốt luân kỳ 1) và 7 - 8 năm (luân kỳ 2, luân kỳ 3) thì mỗi năm, mỗi héc-ta rừng, người dân thu chưa đầy 8 triệu đồng, đó là chưa trừ chi phí tiền giống, phân bón, công lao động và các chi phí khác.

Câu chuyện về thu nhập từ trồng rừng thấp có lẽ không riêng gì Yên Bái mà đang diễn ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Cũng chính vì vậy, từ năm 2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Đề án “Tái cơ cấu sản xuất lâm nghiệp” và đã được Chính phủ phê duyệt. Qua đánh giá cho thấy, nguyên nhân dẫn đến giá trị kinh tế từ rừng mang lại thấp là chúng ta chưa có những giống tiên tiến chất lượng cao, việc đầu tư chăm sóc còn hạn chế. Vùng nguyên liệu chất lượng chưa cao, công nghiệp chế biến tuy số lượng lớn nhưng chủ yếu là sơ chế.

Trong tổng số 400 cơ sở, chỉ có gần chục cơ sở chế biến bán thành phẩm và có máy móc, công nghệ tương đối hoàn chỉnh, còn lại phần lớn thô sơ. Các cơ sở này mỗi năm đóng góp chưa đầy 15 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước, người lao động chủ yếu là hợp đồng thời vụ. Có quá nửa là chế biến, sản xuất dựa vào thị trường tự do nên thiếu tính ổn định, không bền vững và giá trị thấp. Bên cạnh đó phải nói đến sự phát triển chưa có quy hoạch, không gắn với vùng nguyên liệu, dẫn tới tình trạng thu mua nguyên liệu ồ ạt, không chất lượng.

Vấn đề cấp bách hiện nay là phải tái cơ cấu sản xuất lâm nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng rừng sản xuất thông qua nuôi dưỡng làm giàu rừng, cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt, đưa giống mới vào sản xuất, phát triển trồng rừng gỗ lớn nhằm nâng cao sản lượng gỗ thương phẩm, phục vụ chế biến.

Để làm được điều đó không phải chuyện một sớm một chiều đồng thời cần có sự vào cuộc một cách tích cực, cụ thể của “4 nhà”: nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nông, doanh nghiệp). Vấn đề cấp bách là cần phải có một quy hoạch tổng thể đến chi tiết từng huyện, từng địa phương và từ vùng nguyên liệu đến chế biến.

Bên cạnh đó, cần tăng cường hướng dẫn kỹ thuật cho nhân dân về cách trồng, chăm sóc cũng như quy trình thu hoạch theo hướng tỉa thưa, phát triển gỗ lớn để tăng sinh khối và giá trị gỗ, đáp ứng cho chế biến gỗ thành phẩm và xuất khẩu. Một vấn đề mấu chốt là ngành nông nghiệp, các huyện, thị cần gieo ươm và tìm giúp nông dân những bộ giống cây lâm nghiệp tiên tiến chất lượng cao, năng suất tốt, phù hợp với thổ nhưỡng từng vùng miền.

Song song, tỉnh cũng cần dành một nguồn kinh phí để hỗ trợ cho các chủ rừng có đủ điều kiện xây dựng vườn giống chuẩn, phục vụ nhu cầu giống cho nhân dân. Trong chế biến cần thực hiện và căn cứ vào quy hoạch của tỉnh về chế biến gỗ rừng trồng giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2025 đồng thời các doanh nghiệp cũng cần đổi mới công nghệ, thiết bị phù hợp, đẩy mạnh phát triển chế biến theo hướng chiều sâu để tăng giá trị gia tăng của sản phẩm gỗ, nâng cao hiệu suất sử dụng nguyên liệu.

Bên cạnh đó là vận động, khuyến khích các hình thức hợp tác kinh doanh theo mô hình các cơ sở nhỏ làm vệ tinh cho doanh nghiệp lớn, cung cấp sản phẩm bán thành phẩm, sơ chế để doanh nghiệp lớn đầu tư chế biến đến sản phẩm cuối cùng.

Thanh Phúc

Các tin khác
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân nên mua bánh Trung Thu của các cơ sở, thương hiệu có uy tín.

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, nhằm làm tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm tổ chức 8 đoàn thanh tra liên ngành, tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 16 tỉnh, thành phố trọng điểm.

Ngày 13-8, Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng đã chủ trì cuộc họp về công tác tái cơ cấu và cổ phần hóa (CPH) Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Thông tin tại cuộc họp cho biết, công ty mẹ Vinalines và các cảng biển thành viên đang rốt ráo thực hiện công tác CPH để đồng loạt thực hiện bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào quý 4-2014 và quý 1-2015.

Hàng năm, thu nhập từ chè đem về cho xã Bình Thuận gần 2 tỷ đồng.

YBĐT - Là một trong những xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn, những năm qua, nhờ biết khai thác, phát huy những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đặc biệt là đẩy mạnh việc thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấy cây trồng, vật nuôi nhằm phá bỏ thế độc canh cây lúa, bộ mặt nông thôn của xã Bình Thuận đã dần khởi sắc với tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm.

Trước ngày 15/7 và ngày 15/1 hàng năm, doanh nghiệp có trách nhiệm nộp báo cáo tổng hợp về kết quả hoạt động bán hàng đa cấp 6 tháng và 1 năm. (Ảnh minh hoạ)

Theo quy định của Bộ Công Thương, định kỳ 6 tháng và hàng năm, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm nộp báo cáo tổng hợp, về kết quả hoạt động bán hàng đa cấp 6 tháng và 1 năm tới Cục Quản lý cạnh tranh và Sở Công Thương địa phương nơi đơn vị có thông báo hoạt động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục