Khó nhân rộng mô hình cá ruộng
- Cập nhật: Thứ năm, 24/9/2015 | 9:42:50 AM
YênBái - YBĐT - Với mục đích nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, mô hình chuyển đổi những diện tích lúa một vụ năng suất thấp sang chuyên canh nuôi cá (còn gọi là mô hình cá ruộng) ở huyện Trấn Yên đã phát huy hiệu quả tích cực, mở ra hướng đi mới trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân địa phương. Tuy nhiên, mô hình lại không thể nhân rộng bởi rất nhiều lý do. Do vậy, sau hơn 10 năm chuyển đổi, mô hình vẫn chỉ bó hẹp tại một vài xã triển khai thí điểm.
Nhiều hộ dân chuyển đổi sang mô hình nuôi cá ruộng cho hiệu quả cao.
|
Hiệu quả thiết thực
Được chọn làm điểm để triển khai mô hình cá ruộng của huyện Trấn Yên từ năm 2003, xã Minh Quân được đánh giá là kết quả đạt được khá hiệu quả bởi khảo sát thực tế cho thấy, mô hình đã mang lại thu nhập cao gấp 3 - 5 lần so với trồng lúa. Theo ông Lê Đức Bắc - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Minh Quân, sau khi nhận được chủ trương của tỉnh, của huyện về triển khai mô hình cá ruộng tại địa phương, xã đã tiến hành khảo sát thực tế và chọn thôn Linh Đức với diện tích 22,5ha để làm điểm. Đây là thôn có diện tích ruộng chằm lớn, chỉ cấy được một vụ, năng suất thấp. Với cơ chế hỗ trợ cho mỗi héc-ta chuyển đổi 7 triệu đồng công đào đắp bờ và hỗ trợ con giống, hơn 30 hộ dân được chọn làm điểm đã mạnh dạn chuyển đổi sang nuôi cá chuyên canh cho hiệu quả tương đối tốt. Nhiều hộ đã khá giả và giàu lên từ mô hình nuôi cá ruộng.
Dẫn chúng tôi tới thôn Linh Đức, khoát một vòng tay rộng chỉ về phía những ngôi nhà xây khang trang, ông Lê Đức Bắc cho biết, trước kia, đây là thôn nghèo nhất nhì xã, diện tích lúa nước nhiều song chủ yếu là diện tích chằm trũng chỉ cấy được một vụ, còn một vụ bỏ không. Vậy mà sau hơn 10 năm chuyển đổi sang mô hình nuôi cá người dân đã khá lên trông thấy. Là một trong những hộ tiên phong và mạnh dạn chuyển đổi đầu tiên của thôn, gia đình ông Lê Quốc Luân được nhiều người biết đến với diện tích chuyển đổi gần 1ha.
Cũng như nhiều hộ dân trong thôn, trước đây, những diện tích lúa của gia đình ông chỉ cấy được 1 vụ, còn một vụ bỏ không. Sẵn có kinh nghiệm nuôi cá từ nhiều năm trước, nhận thấy việc nuôi cá đơn giản, ít bệnh lại không tốn nhiều công chăm sóc hơn các giống vật nuôi khác nên khi có chủ trương chuyển đổi, gia đình ông Luân đã mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích lúa một vụ của gia đình sang nuôi cá đồng thời mua thêm những diện tích của các hộ dân không sử dụng để chuyển đổi. Bình quân mỗi năm, trừ chi phí, gia đình ông thu về trên 50 triệu đồng tiền lãi, nhẩm tính cũng cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa.
Gia đình ông Chu Đình Hà, thôn Đồng Danh cũng là điển hình trong việc chuyển đổi mô hình nuôi cá. Nhận thấy việc nuôi cá đơn giản mà hiệu quả kinh tế lại cao, sẵn có diện tích lúa một vụ kém năng suất của gia đình, năm 2009, gia đình ông mạnh dạn chuyển đổi. Được chương trình hỗ trợ tiền, giống, gia đình ông mạnh dạn dồn điền đổi thửa cho các hộ dân trong thôn để chuyển đổi. Đến nay, sau gần 10 năm chuyển đổi sang nuôi cá, cuộc sống gia đình ông đã khá lên trông thấy. Bình quân với 3,2ha diện tích ao nuôi chuyển đổi, mỗi năm, trừ chi phí, gia đình ông cũng thu lãi trên 100 triệu đồng.
Không chỉ có Linh Đức mà thôn Đồng Danh cũng đã chuyển đổi được gần 10ha, nhận thấy hiệu quả từ mô hình chuyển đổi cá ruộng, hiện tại, xã cũng đang quy hoạch diện tích khoảng 30ha tại thôn Tiền Phong sang mô hình cá lúa. Trước mắt, các hộ dân trong thôn đã đắp bờ, dồn điền đổi thửa để chuyển đổi sang mô hình cá ruộng. Từ 22,5ha diện tích chuyển đổi ban đầu, đến nay, tổng diện tích chuyển đổi của xã là 31,13ha. Trước mắt, ngoài việc duy trì ổn định diện tích hiện có, xã đang vận động nhân dân tập trung phát triển chuyên canh nuôi trồng thuỷ sản, xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp để cung ứng thức ăn, vật tư, giống và tiêu thụ sản phẩm cho các hộ nuôi trồng thủy sản đồng thời xây dựng vùng chuyên canh sản xuất tập trung cá, lúa, tạo hướng phát triển bền vững cho địa phương.
Khó nhân rộng mô hình
Theo bà Triệu Thị Bích Liệu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên, đến nay, diện tích chuyển đổi của toàn huyện mới có 59ha, tập trung ở 9 xã gồm: Minh Quán, Hòa Cuông, Nga Quán, Minh Quân, Bảo Hưng, Việt Cường, Vân Hội, Việt Hồng, Minh Tiến song chủ yếu vẫn là xã Minh Quân với diện tích 31,13ha và xã Vân Hội 16,08ha. Nhiều xã có diện tích ruộng chằm, trũng cũng không phải ít song việc nhân rộng mô hình gặp không ít khó khăn. Vấn đề về quỹ đất của các địa phương chỉ có vậy rồi cơ chế, chính sách chuyển đổi của mỗi địa phương cũng có những đặc thù khác nhau.
Trước kia, khi có chủ trương của tỉnh, của huyện, ngoài tiền hỗ trợ về chuyển đổi đào đắp bờ và con giống cùng với chính sách hỗ trợ cho các thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn, cơ chế hỗ trợ lên tới 30 triệu đồng/ha chuyển đổi, còn bây giờ khi không có chương trình hỗ trợ người dân lại không mấy mặn mà. Cũng phải nhìn nhận một thực tế là nhiều hộ dân cũng chỉ làm theo chương trình, dự án để lấy tiền mà không nghĩ đến hiệu quả của mô hình, trong số rất nhiều hộ chuyển đổi sang mô hình nuôi cá ở Minh Quân, nhiều hộ khá lên trông thấy nhưng có những hộ chuyển đổi rồi không tập trung chuyên canh vào việc chăn nuôi nên hiệu quả thấp, đành phải chuyển nhượng hoặc bán lại cho những hộ khác.
Theo như trao đổi của ông Lê Đức Bắc, địa phương rất muốn mở rộng diện tích để nuôi trồng thủy sản để tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân nhưng do quỹ đất chỉ có vậy. Hơn nữa, khi tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi qua, xã cũng có khoảng gần 30ha trong diện thu hồi. Do vậy, địa phương muốn mở rộng cũng không được nên chỉ duy trì và ổn định ở diện tích hiện có. Được biết, trong tổng số gần 70ha diện tích nuôi trồng thủy sản của xã Minh Quân, diện tích được chuyển đổi chiếm tới một nửa.
Lý giải vấn đề này, ông Lê Đức Bắc cho rằng, nếu so sánh với các loại vật nuôi khác thì cá dễ nuôi hơn nhưng nếu một gia đình có hơn 1ha ít nhất phải có 2 nhân lực để chăm sóc, rồi thức ăn, con giống và giá cả… Hơn nữa, thị trường hiện nay, người tiêu dùng đang hướng tới sản phẩm sạch. Bởi vậy, nuôi một lứa cá phải mất cả năm trời mới được thu hoạch trong khi không có lương thực để phục vụ sinh hoạt hàng ngày nên nhiều hộ gia đình vẫn chọn cách làm là một vụ cấy lúa, còn vụ nước lớn để nuôi cá nhằm thêm thắt cho sinh hoạt gia đình chứ chưa mạnh dạn chuyển đổi chuyên canh sang nuôi cá.
Có thể thấy, mô hình cá ruộng cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, đến nay, số hộ nuôi cá theo hình thức này vẫn còn hạn chế và ở quy mô nhỏ lẻ, thiếu tập trung, dẫn đến hiệu quả không cao. Để nhân rộng mô hình này, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn trong việc định hướng, tuyên truyền, tổ chức thực hiện để người dân thực sự tin tưởng và chuyên canh với việc chuyển đổi.
Thanh Tân
Các tin khác
Tại buổi họp báo "Tuần nhận diện hàng Việt Nam 2015 - Tự hào hàng Việt Nam," do Bộ Công Thương tổ chức chiều 23/9, tại Hà Nội, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết, đã có hàng nghìn hợp đồng được ký kết trong khuôn khổ sự kiện này.
Trong chỉ thị vừa mới được ban hành, Tổng cục Thuế chỉ đạo cán bộ thuế các cấp phải rà soát, phân loại và xử lý ngay những khó khăn, vướng mắc để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế.
YBĐT - Ngày 23/9, Thủy điện Khao Mang Thượng của Công ty Xuân Thiện Yên Bái thuộc Tập đoàn Xuân Thành, đã tổ chức lễ hòa mạng điện lưới quốc gia.
YBĐT - Vụ đông (vụ ba) ngày càng chứng tỏ được vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp ở Yên Bình. Với tổng diện tích sản xuất luôn đạt trên 1.500ha, sản lượng ngô đạt 2.323 tấn, 1.720 tấn khoai lang và trên 5 ngàn tấn rau màu các loại, sản xuất vụ đông đã góp phần quan trọng xóa đói giảm nghèo và tạo đà cho các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế.