Doanh nghiệp lo ngại về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016
- Cập nhật: Thứ ba, 29/9/2015 | 2:14:43 PM
Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã thống nhất đề xuất tăng mức lương tối thiểu vùng năm 2016 thêm 12,4%. Tuy nhiên, việc tăng lương lại đang khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại.
|
Mức lương tối thiểu vùng năm 2016 tăng thêm 12,4% được cho là nhằm bù đắp sự mất giá của đồng tiền, phù hợp với tỷ lệ tăng của năng suất lao động và đảm bảo đời sống tối thiểu cho người lao động. Tuy nhiên, vấn đề tăng lương lại đang khiến nhiều doanh nghiệp trong những ngành thâm dụng lao động lo ngại về việc sẽ phải gánh thêm chi phí trong điều kiện kinh doanh khó khăn và doanh nghiệp sẽ khó có thể trụ vững, phát triển trong thời gian tới.
Là doanh nghiệp lớn trong ngành may mặc, sở hữu hơn 10.000 người lao động, đại diện Tổng công ty may 10 cho biết, ngoài mức tăng lương 12,4% cho người lao động, doanh nghiệp cũng sẽ phải đóng các khoản phí bảo hiểm và các khoản chế độ xã hội khác cao hơn rất nhiều. Việc tăng lương sẽ là một áp lực lớn về tài chính trong sản xuất và sử dụng lao động của họ trong thời gian tới.
Ông Trần mạnh Cường - Phó phòng tổ chức hành chính, Tổng công ty may 10 - cho biết: “Với mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 thêm 12,4%, dự kiến trong năm 2016 tiền đóng bảo hiểm của Tổng công ty may 10 sẽ tăng khoảng 15 tỷ đồng; tiền bù lương đối với những lao động có mức lương ở dưới mức lương tối thiểu vùng là khoảng 2 tỷ đồng. Những điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty”.
Theo báo cáo của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, hiện chi phí nguồn nhân lực như: Chi phí Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm tai nạn và chi phí công đoàn của Việt Nam đang ở mức 30% giá trị sản xuất, cao hơn ít nhất 2 lần so với các quốc gia trong khu vực. Đây được cho là nguyên nhân khiến cho các doanh nghiệp trong nước hiện phải cõng thêm các chi phí phát sinh ngoài mức lương tăng mới. Các chi phí này sẽ cao hơn rất nhiều khi mà năm 2018, mức đóng Bảo hiểm xã hội sẽ được tính trên tổng thu nhập của người lao động.
Ông Nguyễn Mạnh Quân - Viện trưởng viện Nghiên cứu Doanh nghiệp vừa và nhỏ - cho hay: “Việc tăng tiền lương dẫn đến một loạt các chi phí sẽ tăng theo và chắc chắn đây là một gánh nặng rất lớn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Có thể thấy rõ rằng việc này tác động rất lớn không chỉ đến kết quả kinh doanh, mà còn tác động đến tâm lý đối với người quản lý các doanh nghiệp”.
Theo kiến nghị, mức tăng lương được điều chỉnh tới đây là nhằm bù đắp sự mất giá của đồng tiền và đảm bảo đời sống tối thiểu cho người lao động. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng cần có một cuộc điều tra về mức sống tối thiểu chính xác, minh bạch để có căn cứ tăng lương tối thiểu vùng hàng năm cho phù hợp. Nếu tăng lương không đủ bù trượt giá, người lao động sẽ gần như không được hưởng lợi và doanh nghiệp phải gánh đủ các loại chi phí tăng thêm.
(Theo VTV)
Các tin khác
Hiện trên thị trường có một bộ phận tổ chức, cá nhân có biểu hiện găm giữ ngoại tệ. Bởi vậy, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định tiếp tục giảm mức trần xuống 0% áp dụng đối với tổ chức và 0,25%/năm áp dụng đối với cá nhân.
Bộ Công Thương đã có Quyết định số 8989/QĐ-BCT phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành hóa chất Việt Nam phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Thủ tướng đã đồng ý chủ trương đầu tư 25 cầu để thay thế 31 cầu đã dừng hoặc điều chuyển sang các dự án khác (thuộc dự án tín dụng ngành giao thông vận tải (GTVT) để cải tạo mạng lưới đường quốc gia lần thứ hai, sử dụng vốn vay của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA).
YBĐT - Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, hiệu quả, bền vững nhằm tăng thu nhập, nâng cao đời sống kinh tế nông hộ luôn là mục tiêu hướng đến của Đảng bộ huyện Văn Yên. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Văn Yên chủ trương đẩy mạnh sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao, trong đó có cây ngô đồi. Việc mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng sắn kém hiệu quả sang trồng ngô đồi đã có cơ sở để thực hiện thành công trên đồng đất địa phương.