Xã Yên Bình nỗ lực cho một vụ đông thắng lợi
- Cập nhật: Thứ sáu, 9/10/2015 | 2:47:17 PM
YênBái - YBĐT - Ngay sau khi nhận được kế hoạch chỉ đạo của huyện Yên Bình về trồng cây vụ đông, xã Yên Bình đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo nhân dân nhanh chóng thu hoạch lúa mùa, xuống giống trồng ngô bảo đảm khung thời vụ tốt nhất.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nhân dân xã Yên Bình khẩn trương xuống giống để trồng ngô đông.
|
Đồng chí Vũ Quốc Toàn - Chủ tịch UBND xã Yên Bình cho biết: "Theo kế hoạch của huyện giao, vụ đông năm 2015, xã Yên Bình gieo trồng 47ha cây ngô đông, trong đó diện tích ngô trên chân ruộng 2 vụ là 37ha, còn lại là 5ha diện tích ngô trên đất soi bãi, 5ha ngô đồi và 60ha khoai lang, rau màu các loại".
Để bảo đảm kế hoạch sản xuất vụ đông trong khung thời vụ tốt nhất đồng thời chủ động kế hoạch để sản xuất vụ chiêm xuân năm 2016, căn cứ các kế hoạch và hướng dẫn của các cấp, các ngành, UBND xã đã xây dựng kế hoạch chuyên đề về trồng cây vụ đông đồng thời kiện toàn Ban chỉ đạo trồng cây vụ đông, đồng chí Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban Chỉ đạo; xây dựng kế hoạch phân công các thành viên trong Ban chỉ đạo thăm đồng, đôn đốc nhân dân khẩn trương thu hoạch lúa để trồng cây vụ đông.
Với phương châm "xanh nhà hơn già đồng", khi lúa chín từ 90% - 95% số hạt/bông tiến hành gặt, gặt đến đâu tranh thủ làm đất, xuống giống để trồng ngô đông cho kịp thời vụ. Phương pháp làm đất tối thiểu sẽ rút ngắn được thời gian không phải cày ải mà vẫn bảo đảm được diện tích và thời gian sinh trưởng của ngô đông.
Với mục đích tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất vụ đông, coi đây là vụ sản xuất chính trong năm, ngay sau khi nhân dân bắt đầu thu hoạch lúa mùa, xã đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng cây vụ đông cho nhân dân tại 11/11 thôn với 345 lượt người được tập huấn; giao cho mỗi cán bộ, đảng viên làm tốt công tác tuyên truyền, vận đông nhân dân tham gia trồng ngô đông và cây màu vụ đông đạt và vượt chỉ tiêu huyện giao đồng thời phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban chỉ đạo có trách nhiệm vận động, đôn đốc, vận động, hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật làm bầu ngô, trồng và chăm sóc ngô, cây vụ đông cho các hộ nông dân. Cùng với đó, xã tiến hành cung ứng 560kg ngô giống cho nhân dân theo chính sách hỗ trợ giống của huyện.
Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng thôn Đức Tiến 1, một trong những thôn có phong trào làm cây vụ đông khá tốt của xã, đồng chí Vũ Quốc Toàn cho biết: "Chúng tôi xác định ngô là cây trồng chủ lực bởi so sánh giá trị kinh tế thì ngô cũng tương đương với lúa. Vì vậy, rút kinh nghiệm từ những vụ mùa trước, năm nay, xã chỉ đạo nhân dân làm bầu ngô để bảo đảm tỷ lệ sống cao, chỉ đạo nhân dân lên luống, tạo rãnh thoát nước, không để ngô bị ngập úng".
Trên con đường dẫn ra các thôn Đức Tiến 1, Cây Thị, Cây Vối, Linh Môn và cả 11 thôn trong xã, người dân tấp nập ra đồng thu hoạch lúa mùa để làm vụ đông. Đang xuống giống trồng ngô trên diện tích đất lúa 2 vụ của gia đình, bà Nguyễn Thị Đào, thôn Đức Tiến 1 cho biết: "Nhà có hơn 5 sào ruộng, vụ đông năm nào gia đình tôi cũng trồng ngô và cây rau màu nhưng ngô vẫn là cây trồng chủ lực. Ngoài việc phát triển chăn nuôi, mục đích của gia đình vẫn là sản xuất hàng hóa. Vụ đông năm nào gia đình cũng mượn thêm ruộng của các gia đình lân cận để trồng thêm ngô. Bình quân mỗi năm, gia đình trồng hơn 1ha ngô đông trên chân ruộng 2 vụ. Ngoài ra, gia đình còn trồng hơn 1ha ngô đồi trên diện tích đất của gia đình".
Đang làm đất để trồng hơn 1 sào cây màu trên diện tích đất soi bãi, chị Hoàng Thị Thịnh, thôn Cây Thị cho biết: "Nhà có hơn 6 sào ruộng, vụ đông năm nào gia đình cũng trồng ngô và cây rau màu, vừa lấy lương thực phục vụ chăn nuôi, phần còn lại bán ra thị trường cũng có chút tiền trang trải cuộc sống và cho con cái học hành. Với hơn 6 sào ruộng thì chỉ có 1 sào đất soi bãi và gần 2 sào là có thể trồng cây màu vụ đông, còn lại là ruộng chằm".
Do ít lao động, con cái còn nhỏ nên mấy năm trước, gia đình chị Thịnh chủ yếu tra hạt thẳng xuống ruộng. Năm nào mưa gió thuận hòa thì không sao, năm mưa nhiều thì những chân ruộng thấp úng nước, ngô chết hết, duy chỉ có diện tích soi bãi là còn cho thu hoạch. Năm nay, theo sự chỉ đạo của xã, ngay khi chuẩn bị thu hoạch lúa mùa, gia đình chị đã tiến hành ngâm ủ và làm bầu ngô giống, tuy mất nhiều công nhưng tỷ lệ sống của cây đạt tương đối cao.
Với những giải pháp đồng bộ, sự nỗ lực quyết tâm cao của toàn bộ hệ thống chính trị và bà con nông dân, hy vọng rằng, những nỗ lực đó sẽ đem lại một vụ đông thắng lợi, góp phần ổn định an ninh lương thực trên địa bàn và thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở xã thuần nông này.
Thanh Tân
Các tin khác
Chính phủ vừa giao Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, báo cáo Quốc hội cho phép triển khai đa dạng kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ
Hiệp hội Cá tra Việt Nam chính thức ra mắt website thương mại thủy sản Việt Nam nhằm thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm…
YBĐT - Trong những năm qua, được Nhà nước hỗ trợ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mù Cang Chải đã nỗ lực vươn lên giành nhiều kết quả trong sản xuất nông lâm nghiệp. Diện tích, năng suất và sản lượng nuôi trồng đã có bước phát triển vượt bậc góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn huyện. Một số sản phẩm nông lâm nghiệp đã trở thành hàng hóa như: sơn tra, thảo quả, gà đen, lợn địa phương… đã nâng cao thu nhập cho người dân trong huyện.