Từ tâm huyết đến thành công

  • Cập nhật: Thứ năm, 22/10/2015 | 9:46:42 AM

YênBái - YBĐT - Từ một anh nông dân chính hiệu nay trở thành giám đốc công ty có doanh thu hàng tỷ đồng nhưng cái “chất” nông dân thì vẫn chẳng hề thay đổi ở anh Hồng.

Đã là Giám đốc Công ty nhưng hàng ngày anh Hồng vẫn trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến chè.
Đã là Giám đốc Công ty nhưng hàng ngày anh Hồng vẫn trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến chè.

“Quê gốc ở vùng đất sa bồi Thái Bình nhưng sinh ra và lớn lên ở mảnh đất vùng cao Nậm Búng, huyện Văn Chấn nên tôi cũng đã “ngấm đủ” những dư vị ngọt ngào, cay đắng ở mảnh đất vùng cao này. Từ những khó khăn thực tại, sau khi rời quân ngũ trở về địa phương tôi luôn trăn trở mình phải làm gì để gia đình thoát nghèo trên chính mảnh đất này. Thế rồi, tôi đến với cây chè như một lẽ tự nhiên” - anh Nguyễn Hữu Hồng - Giám đốc Công ty TNHH Hồng Hoài (thôn Chấn Hưng 5, xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn) mở đầu câu chuyện.

Xuất thân trong một gia đình nông dân, học hết phổ thông trung học, năm 1983 nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc anh Nguyễn Hữu Hồng lên đường nhập ngũ vào Trung đoàn 819 đóng quân tại huyện Mường Khương (Lào Cai). Năm 1986, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương anh tham gia công tác đoàn ở xã, đến năm 1991 được bà con nhân dân tín nhiệm giao làm trưởng xóm rồi năm 1996 làm Trưởng thôn Chấn Hưng 5.

Trong những ngày làm công tác Đoàn, làm trưởng xóm rồi đến trưởng thôn anh nhận thấy dân mình còn nghèo lắm, ngay cả gia đình mình cũng nghèo trong khi nguồn lao động dồi dào, đất đai rộng lớn mà cuộc sống chỉ trông vào mấy sào ruộng. Thế rồi, anh xin vào làm công nhân lâm trường, nhưng với đồng lương ít ỏi không giúp ích được nhiều cho gia đình nên cũng chẳng thể giữ chân anh.

Đúng lúc ấy, tỉnh có chương trình phát triển cây chè Shan vùng cao, cũng như nhiều gia đình khác trong xã, trong vùng anh bàn với gia đình mạnh dạn trồng 1 ha chè Shan. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật từ khâu trồng đến chăm sóc mà diện tích chè Shan sinh trưởng và phát triển tốt, nhưng đến khi thu hoạch thì thị trường đầu ra không ổn định, người dân chán nản và bỏ bê cây chè. Để rồi, những đồi chè gần như bỏ hoang, cỏ dại, cây rừng mọc phủ kín.

Nhìn những búp chè Shan tuyết mập dài gần như không có tác động của con người, phát triển hoàn toàn tự nhiên bị bỏ hoang, anh Hồng tự hỏi tại sao không sản xuất, chế biến?

Với ý nghĩ đó và để cứu lấy đồi chè nhà mình anh Hồng đã lặn lội xuống Nghĩa Lộ mua “bom chè” về chế biến tại nhà rồi bán. Lúc mới làm, có nhiều người cho rằng anh bị “khùng”, nhiều nhà máy được đầu tư cả tỷ đồng có cả đội ngũ lãnh đạo, kỹ sư học hành bài bản còn chẳng ăn ai, huống hồ làm thủ công. Bỏ ngoài tai những lời dèm pha, anh cứ lặng lẽ kiên trì làm.

Chè anh sản xuất đến đâu bán hết đến đó. Vừa sản xuất vừa học hỏi qua sách báo, đồng thời đầu tư thêm các bom chè và vận động nhân dân trong thôn, trong xã thu hái chè búp và mua với giá cao để sản xuất. Cứ như vậy, đến năm 2003, anh có cả thảy 6 “bom chè” quay tay. Năm cao điểm nhất đã sản xuất được 10 tấn chè khô bán ra thị trường, tương đương 50 tấn chè búp tươi.

Có vốn, có nguyên liệu, được bà con tin tưởng, bằng những kinh nghiệm tích luỹ và để thuận lợi hơn trong sản xuất anh Hồng quyết định thành lập hợp tác xã (HTX) để làm ăn lớn. Máy móc, công nghệ đã được lắp đặt, đồng thời các thủ tục, hồ sơ đã làm đầy đủ và gửi cho các ngành chức năng nhưng chẳng thấy hồi âm. Đợi và đợi! Cả năm trời cái “dự án HTX” vẫn chẳng được phê duyệt mà chẳng biết lý do vì sao.

Không những vậy, các ngành chức năng đã đến nhà cắt điện, bắt dừng sản xuất. Thế là gần chục công nhân nghỉ việc, gần trăm tấn chè nguyên liệu buộc bà con trong vùng phải chở cả chặng đường 20 - 25 km về các nhà máy để bán. Tiền bán chè không đủ tiền xăng xe, tiền ăn dọc đường. Bất bình, bà con kéo nhau lên xã yêu cầu đóng điện để cơ sở của anh Hồng tiếp tục sản xuất. Dự án HTX không thành công, anh quyết định thành lập công ty và năm 2009 Công ty TNHH Hồng Hoài được thành lập với số vốn điều lệ gần 1 tỷ đồng.

Vừa đưa chúng tôi đi xem xưởng sản xuất, anh Hồng vừa say sưa nói về chè: nào là chè này bà con thu hái bằng tay không cắt như vùng dưới; thu hái đến đâu phải sản xuất ngay đến đó không chè ôi, giảm chất lượng; cái anh chè Shan này chỉ làm chè xanh là hiệu quả nhất, chất lượng nhất và phải vò thế này, sao, sấy thế kia, nó nhiều cẫng thì phải nhặt thủ công...

Câu chuyện về chè với anh Hồng lúc nào cũng đầy tâm huyết, anh chia sẻ: “Toàn bộ dây chuyền sản xuất của Công ty có công suất 6 tấn/ngày. Năm 2014, sơ chế được 80 tấn chè thành phẩm, doanh thu đạt 3,5 tỷ đồng. Công ty của tôi, tôi làm giám đốc, vợ tôi là kế toán kiêm thủ quỹ, con trai cả là tổng đại lý thu mua và làm lái xe luôn, còn lại công nhân sản xuất đều là người địa phương.

Đảm bảo với các anh chè xưởng tôi sản xuất đều là chè sạch, đạt tiêu chuẩn châu Âu! Tôi nói thế là vì chè này là giống chè Shan tuyết trồng trên núi cao, lá dày rất ít sâu bệnh, cây chè phát triển khỏe như cây rừng, bà con nhân dân chỉ làm cỏ, bón phân hữu cơ là chính. Tất cả chè tôi mua với giá cao hơn giá thị trường từ 1.000 đồng/kg trở lên nhưng đòi hỏi chất lượng cao hơn. Trước đây chủ yếu bà con trong thôn bán chè cho tôi, nhưng giờ vùng nguyên liệu đã trải rộng khắp xã và vươn cả ra Gia Hội, Tú Lệ, Nậm Mười... Tôi đang tiếp tục đầu tư mở thêm một xưởng sản xuất mi ni tại xã Nậm Mười để thu mua nguyên liệu cho bà con”.

Từ một anh nông dân chính hiệu nay trở thành giám đốc công ty có doanh thu hàng tỷ đồng nhưng cái “chất” nông dân thì vẫn chẳng hề thay đổi ở anh Hồng. Không com lê, không đi xe sang mà vẫn cần mẫn lặn lội xuống các thôn, bản để truyền đạt kỹ thuật trồng, chăm sóc thu hái chè với bà con.

“Để thành công trong sản xuất chế biến nông sản, trước tiên mình phải biết chia sẻ lợi nhuận với bà con bằng cách mua giá cao. Đời sống người dân có nâng cao thì mình mới phát triển được. Dân mình chăm chỉ cần mẫn lắm, sống tình người lắm nhưng không vì thế mà lợi dụng lòng tốt của họ mà hãy biết chia sẻ những khó khăn và đồng cảm với họ. Chè người ta đáng giá 5 ngàn mình phải mua 5 ngàn thậm chí cao hơn thì họ sẽ gắn bó với mình, cái đó còn có giá trị hơn mọi hợp đồng kinh tế" - anh Hồng bộc bạch. Không dừng lại ở đó, anh Hồng còn đang ấp ủ xây dựng chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu chè Shan vùng cao thượng huyện Văn Chấn.

Ngọc Trúc

Các tin khác
Nông dân xã Mông Sơn, huyện Yên Bình phát triển nghề nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà. Ảnh: Thu Trang

YBĐT - Hiện một số cơ sở chế biến tinh bột sắn của địa phương và các xã lân cận đã khiến nguồn nước tại các ao, hồ trên địa bàn xã Yên Bình bị ô nhiễm nặng, gây khó khăn cho việc nuôi trồng thủy sản của người dân trong xã.

Mở phiên giao dịch sáng 22/10, giá vàng trong nước quay đầu giảm theo vàng thế giới, nhưng do giảm ít nên giá vàng trong nước vẫn cao hơn 2,4 triệu đồng so với vàng thế giới. Tương tự, tỷ giá USD và giá dầu thế giới cũng cùng giảm.

Lãi suất tiền gửi tại một số ngân hàng thương mại tiếp tục tăng từ 0,2 - 0,4%

Nhằm thu hút tiền gửi trong những tháng cuối năm, nhiều ngân hàng thương mại đã bắt đầu tăng lãi suất VND với mức từ 0,2% - 0,4%/năm.

Gia đình bà Nguyễn Thị Huệ hiện có 4 người tham gia xuất khẩu lao động.

YBĐT - Chúng tôi về Đông An (Văn Yên) khi cái nắng đầu thu như dát vàng lên những cánh đồng màu trù phú được đắp bồi bởi phù sa của dòng sông Hồng khoáng đạt. Đông An hôm nay đang chuyển mình, vượt ra khỏi những tư duy xưa cũ trong phát triển kinh tế. Càng mừng hơn khi trên 350 lao động của địa phương đã và đang tham gia vào các thị trường lao động quốc tế, chủ yếu là Đài Loan, Hàn Quốc và một số quốc gia khác như Nhật Bản, Malaysia..., đưa Đông An trở thành một trong những địa phương dẫn đầu huyện về xuất khẩu lao động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục