Xã Xuân Ái tập trung ổn định sinh hoạt, sản xuất sau mưa lớn

  • Cập nhật: Thứ năm, 9/6/2016 | 2:45:30 PM

YBĐT - Trong đợt mưa lớn kéo dài cuối tháng 5 vừa qua, xã Xuân Ái có 8 hộ bị sạt ta-luy dương, sạt đổ tường rào, sạt phần nền sau nhà và công trình phụ và Trường Tiểu học xã tường rào xây bị sạt xuống ruộng.

Cán bộ xã Xuân Ái thăm hỏi việc khắc phục sạt lở ta-luy dương tại hộ anh Nguyễn Văn Hoạt ở thôn Xuân Thịnh.
Cán bộ xã Xuân Ái thăm hỏi việc khắc phục sạt lở ta-luy dương tại hộ anh Nguyễn Văn Hoạt ở thôn Xuân Thịnh.

Một mét là khoảng cách giữa ngôi nhà của gia đình anh Nguyễn Văn Hoạt ở thôn Xuân Thịnh, xã Xuân Ái với quả đồi có ta-luy cao 6,5 m. Mấy năm trước, thỉnh thoảng sau mưa cũng có rơi vài tảng đất nhỏ vào nhà nhưng dù sợ thì anh cũng không thể di dời đi đâu vì kinh tế eo hẹp. Hai vợ chồng, hai con trai tuổi ăn học trông chờ vào 2 sào ruộng, 2.000 cây quế mới 3 năm tuổi và tiền đi làm thuê hàng ngày.

Từ đêm ngày 23/5/2016, mưa to bắt đầu kéo dài trên địa bàn xã. 9 giờ sáng ngày 24/5/2016, lúc đang làm đồng thì con trai anh đến gọi bố báo đồi sạt vào nhà. May mắn nhất là thời gian sạt lở vào buổi sáng khi cả nhà anh đã ra ngoài nên không có thiệt hại về người. Khoảng 90 m3 đất sạt xuống đã làm đổ 2 bức vách của 2 gian giữa ngôi nhà, khối lượng đất sạt cao 6 m, dài 10 m, rộng 1,5 m.

Vợ chồng, con cái phải ở tạm nhà bếp. Ngay sau khi nhận được tin báo, Đảng ủy, chính quyền xã và thôn đã đến thăm hỏi, động viên gia đình. Đang đúng ngày mùa nhưng 7 người đã tham gia dọn đất hộ nhà anh trong 3 ngày mới xong.

Anh Hoạt cho biết: “Lãnh đạo xã, thôn đã tới thăm hỏi, động viên và tạo mọi điều kiện giúp đỡ gia đình tôi. Đợi thu mùa xong, tôi sẽ thuê máy xúc bạt thấp mái đồi, bai rộng chân ra để an toàn hơn. Di chuyển nơi khác thì tôi chưa có điều kiện nên tôi chọn cách bạt đất. Dự kiến hết 30 triệu đồng để san 1.500 m3 đất nhưng tôi vẫn phải làm, tiền thì vay mượn và trả dần vậy”.

Trong đợt mưa lớn kéo dài cuối tháng 5 vừa qua, xã Xuân Ái có 8 hộ bị sạt ta-luy dương, sạt đổ tường rào, sạt phần nền sau nhà và công trình phụ và Trường Tiểu học xã tường rào xây bị sạt xuống ruộng.

Hộ ông Dụng Huệ ở thôn Xuân Thịnh bị sạt ta-luy dương với khối lượng lớn nhất 800 m3, tiếp đến là hộ ông Trần Văn Hiện ở thôn Khe Quýt 640 m3... Không có thiệt hại về người nhưng sạt lở đất gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của các gia đình. Đảng ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương đã kịp thời thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các gia đình về nhân lực để nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Thức - Phó Chủ tịch UBND, Phó ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN xã thì hầu hết các hộ bị sạt ta-luy đều rất khó di dời do kinh tế không khá, nhà ở đã cố định và lâu năm. Địa phương luôn quan tâm nhắc nhở các hộ này phải hết sức đề phòng trong mùa mưa lũ cũng như tìm cách khắc phục phù hợp nhất với điều kiện gia đình để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản.

Mưa lớn kéo dài cũng đã làm 11,6 ha lúa và 5,6 ha ngô ở tất cả 11 thôn của xã bị gẫy, đổ, diện tích thiệt hại nhiều nhất là thôn Bóng Bưởi do có cửa suối Ngòi Viễn, giáp sông Hồng. Xã và thôn đã làm tốt công tác vận động nhân dân khắc phục diện tích lúa bị thiệt hại.

Tranh thủ thời tiết nắng ráo sau mưa, nhân dân địa phương đã tiến hành thu hoạch lúa đông xuân và đến ngày 10/6 sẽ xong toàn bộ để triển khai sản xuất vụ mùa đúng tiến độ kế hoạch. Có 4 tuyến đường tại các thôn: Tân Tiến 1, Xuân Thịnh, Khe Quýt, Cương Quyết chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ gây ra. Đây đều là đường bê tông, bị sạt hành lang xuống ruộng, xuống suối và có đoạn sạt dưới lòng đường rất rộng, nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông. Hiện nay, các thôn đã cắm biển cảnh báo không cho ô tô qua lại.

Xã đã báo cáo huyện và Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cũng đã về kiểm tra ngay sau đó. Ngầm tràn Ngòi Viễn thuộc tỉnh lộ 166 cứ mưa là ngập hoặc nước sông Hồng dâng cao cũng ngập luôn chia cắt thôn Bóng Bưởi với trung tâm xã. Địa phương đã nhiều lần kiến nghị các cấp, các ngành chức năng xem xét, giải quyết cho xây cầu tại đây.

Đồng chí Nguyễn Văn Thức cho biết thêm: “Năm nay, tình hình mưa lũ xảy ra sớm hơn mọi năm. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN xã xác định phải chủ động tại chỗ trong mọi tình huống để giảm thấp nhất mọi thiệt hại do thiên tai gây ra. Quan trọng nhất là thông tin phải nhanh, kịp thời từ các hộ dân đến trưởng thôn rồi đến xã để địa phương xử lý đạt hiệu quả. Các hộ dân đã làm tốt việc này nên xã huy động lực lượng bảo đảm nhanh nhất, công tác khắc phục cũng nhanh hơn”.  

Nguyễn Thơm

Các tin khác

Theo Bộ Công thương, lượng xăng dầu nhập khẩu lũy kế 5 tháng đầu năm đạt 5,41 triệu tấn, tăng 27,6% so với cùng kỳ năm 2015. Trong khi đó, lượng dầu thô xuất khẩu lũy kế 5 tháng ước đạt 3,06 triệu tấn, giảm 20,6% so với cùng kỳ.

YBĐT -Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Xây dựng đường bộ I được giao nhiệm vụ quản lý hệ thống giao thông khu vực phía Tây của tỉnh gồm các huyện: Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải và thị xã Nghĩa Lộ với tổng chiều dài 303km, trong đó: tuyến quốc lộ 215km, tỉnh lộ 88km.

Lãnh đạo huyện Trạm Tấu kiểm tra mô hình chăn nuôi bò từ nguồn vốn hỗ trợ của WB.

YBĐT - Trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, huyện Trạm Tấu đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư, hỗ trợ phát triển chăn nuôi. 5 năm trở lại đây, đã tập trung được nguồn vốn hỗ trợ 5,2 tỷ đồng.

Cán bộ Cục Thuế tỉnh Yên Bái hướng dẫn người nộp thuế làm thủ tục về thuế.

YBĐT - Kết quả thu ngân sách 5 tháng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đạt trên 676 tỷ đồng, bằng 42% dự toán giao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục