Những người lính Cụ Hồ trên “trận tuyến mới”
- Cập nhật: Thứ hai, 11/7/2016 | 9:33:56 AM
YBĐT - Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, trong thời gian qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) thành phố Yên Bái đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên CCB phát huy tốt phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ; tự lực, tự cường tham gia phong trào thi đua CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi. Qua phong trào, đã xuất hiện nhiều tấm gương CCB điển hình làm kinh tế giỏi và có những đóng góp tích cực cho các phong trào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Hội viên CCB điển hình trong phong trào giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi 5 năm (2011 - 2016) nhận giấy khen của UBND thành phố Yên Bái.
|
Theo chân anh Lê Quang Tuấn - Chủ tịch Hội CCB xã Tân Thịnh, chúng tôi đến thăm mô hình kinh doanh vận tải, máy xúc và sản xuất gạch không nung của gia đình CCB, thương binh 3/4 Trần Văn Sáng - thôn Thanh Hùng 2, xã Tân Thịnh.
Đây là một trong những mô hình kinh tế hiệu quả từ phong trào “Giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” của hội viên CCB thành phố. Không chỉ đóng góp tích cực vào ngân sách Nhà nước và mang về khoản thu nhập hàng trăm triệu đồng cho gia đình mỗi năm, mô hình kinh tế của CCB Trần Văn Sáng còn tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động là con em hội viên CCB ở địa phương với thu nhập ổn định từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng/người/tháng.
Anh Vũ Bá Thanh - thôn Thanh Hùng 2, xã Tân Thịnh, là người đã được gia đình thương binh, CCB Trần Văn Sáng giúp đỡ tạo việc làm từ khi xưởng sản xuất gạch không nung được thành lập chia sẻ: “Chúng tôi rất biết ơn và khâm phục thương binh Trần Văn Sáng. Khâm phục ông không chỉ ở tinh thần dám nghĩ, dám làm của người lính mà còn bởi dù sức khỏe đã cao nhưng tinh thần, nhiệt huyết lao động của ông vẫn rất hăng say. Được ông tạo việc làm ổn định, gia đình tôi có thu nhập để trang trải cuộc sống, chăm lo cho con cái học hành bằng chúng bạn”.
Được biết, sau gần 10 năm chiến đấu ở chiến trường, năm 1978, CCB Trần Văn Sáng xuất ngũ trở về địa phương. Cuộc sống gia đình khó khăn nhưng bản lĩnh của người lính không cho phép ông cam chịu nghèo đói. Chẳng thế mà ngay sau khi rời quân ngũ trở về, CCB Trần Văn Sáng đã bắt tay ngay vào lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Năm 2009, nhận thấy việc kinh doanh vận tải có nhiều tiềm năng, CCB Trần Văn Sáng đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng mua 2 xe ô tô tải làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa.
Nhờ năng động lại cần cù, chịu khó, sau một thời gian, ông đã trả hết nợ và có thêm nguồn vốn đầu tư máy ép gạch bê tông để tạo việc làm cho con cháu trong gia đình. Nhờ chủ động tìm hiểu thị trường, quan tâm thực hiện tốt quy trình kỹ thuật trong sản xuất gạch, sản phẩm gạch không nung của gia đình ông đã tạo được niềm tin với nhiều khách hàng. Mỗi tháng, cơ sở xuất bán từ 3 đến 4 vạn gạch ra thị trường. Không dừng lại ở đó, ông tiếp tục đầu tư thêm 2 máy xúc đáp ứng nhu cầu san tạo mặt bằng cho người dân trong xã, trong thôn.
Với mô hình kinh doanh vận tải, máy xúc và sản xuất gạch không nung, hàng năm trừ chi phí, gia đình thương binh, CCB Trần Văn Sáng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ông bày tỏ: “Những năm tháng chiến đấu trong chiến trường và có điều kiện được đi thăm quan học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế của anh, em đồng chí, đồng đội ở nhiều nơi tôi đã suy nghĩ và tìm hiểu thị trường tại địa phương, rồi mạnh dạn đầu tư để phát triển kinh tế. Trước hết, để tạo việc làm cho con cái, tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Khi mô hình phát triển, tôi mong muốn tạo và giải quyết việc làm cho con em đồng đội của mình để làm sao giúp họ vơi bớt khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Tự lực, tự cường ở một “trận tuyến mới” dù còn nhiều vất vả, nhưng chúng tôi luôn cảm thấy rất vui vì đã lại tiếp tục cùng với nhiều CCB khác có những đóng góp xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp”.
Cũng giống như CCB Trần Văn Sáng, CCB Hoàng Văn Nắng - tổ 2 phường Hợp Minh đã phát huy phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương. Trải qua nhiều ngành nghề để mưu sinh, năm 2006, CCB Hoàng Văn Nắng đã mạnh dạn vay nguồn vốn từ ngân hàng và người thân mua 5 ha đồi rừng để phát triển kinh tế trang trại.
CCB Hoàng Văn Nắng chia sẻ: “Mới đầu khi bắt tay vào làm, tôi luôn băn khoăn lo lắng, bởi không biết trồng, khai thác diện tích đồi rừng như thế nào để có hiệu quả. Nhưng nghĩ là làm, tôi đã tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật, giống cây trồng, vật nuôi để phát triển mô hình trang trại tổng hợp. Trong đó, chú trọng phát triển cây lâm nghiệp và cây ăn quả có múi. Tôi đã đầu tư trồng được hơn 3 ha bồ đề, keo; trồng trên 1.200 gốc chanh tứ thời, bưởi Mỹ, bưởi Đoan Hùng; đắp bờ đào ao để thả cá với diện tích 1.500 m2, dành 150 m2 diện tích để làm chuồng trại chăn nuôi gà, lợn. Bây giờ thì tất cả đã có dấu hiệu khả quan rồi”.
Nhờ cần cù, chịu khó và kiên trì theo đuổi mục tiêu, sau mấy năm đầu tư, đến nay cây trồng, vật nuôi và ao cá của gia đình CCB Hoàng Văn Nắng đã bắt đầu cho thu hoạch. Trong đó, riêng cây chanh tứ thời đã cho thu hoạch hàng tấn quả. Những héc-ta keo, bồ đề đang chuẩn bị cho khai thác. Ông bảo, trong thời gian tới sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích cây ăn quả có múi, phát triển chăn nuôi quy mô lớn hơn để cung cấp những sản phẩm nông nghiệp sạch cho người dân thành phố.
Mô hình trang trại tổng hợp của CCB Hoàng Văn Nắng tuy không mới nhưng đang là một hướng đi đúng tại địa phương, được nhiều CCB học tập kinh nghiệm để phát triển và nhân rộng.
Ông Hà Long Giang - Chủ tịch Hội CCB phường Hợp Minh khẳng định: “Mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của CCB Hoàng Văn Nắng đã thể hiện rõ quyết tâm và ý chí của người lính Cụ Hồ không cam chịu đói nghèo mà tự vượt qua khó khăn, vươn lên làm kinh tế giỏi. Hướng phát triển của trang trại này cũng rất phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương và hội viên CCB của phường. Chúng tôi tiếp tục động viên, khuyến khích hội viên CCB duy trì và mở rộng thêm nhiều mô hình phát triển kinh tế trang trại, nông trại để góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch phục vụ nhân dân.
Mô hình phát triển kinh tế của gia đình thương binh, CCB Trần Văn Sáng, CCB Hoàng Văn Nắng, chỉ là 2 trong số hàng trăm mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của hội viên CCB thành phố, từ phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi 5 năm qua. Phong trào đã có sức lan tỏa nhanh chóng trong hội viên CCB. Bản chất người lính tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm đã được CCB thành phố phát huy để cùng nhau vượt qua khó khăn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp sức xây dựng quê hương.
Mô hình trồng cây ăn quả có múi của gia đình CCB Hoàng Văn Nắng - tổ 2, phường Hợp Minh (thành phố Yên Bái).
Để tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế, Hội CCB thành phố đã tín chấp cho rất nhiều lượt hội viên vay vốn từ các ngân hàng, với dư nợ hiện nay lên tới gần 17 tỷ đồng. Hội phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức mở 39 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 2.000 lượt hội viên. Qua phong trào, đến nay trên địa bàn thành phố đã có 39 doanh nghiệp nhỏ và vừa, 29 tổ hợp sản xuất, 18 trang trại, 61 gia trại và 112 cơ sở sản xuất chế biến nông, lâm nghiệp, 433 cơ sở kinh doanh tổng hợp do hội viên CCB làm chủ.
Trong 5 năm 2011 - 2015, hội viên CCB thành phố đã giúp nhau xóa được 123 nhà tạm, nhà dột nát; ủng hộ các hoạt động tình nghĩa với số tiền mặt gần 92 triệu đồng; tham gia hiến gần 41.000 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn và làm nhà văn hóa cộng đồng… Tỷ lệ hộ hội viên CCB có mức sống khá và giàu chiếm gần 65%, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,59%. Kết quả đạt được trong 5 năm qua, chính là động lực để các hội viên CCB thành phố tiếp tục triển khai hiệu quả phong trào trong giai đoạn tới.
“Chúng tôi đặt ra mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn 0,5%; có từ 65 - 70% tỷ lệ hội viên có mức sống khá và giàu, đến năm 2020 không còn hội viên CCB phải ở nhà tạm. Hội CCB thành phố tiếp tục động viên hội viên, mở rộng sản xuất kinh doanh thu hút và tạo việc làm cho con em hội viên; làm tốt công tác tín chấp cho hội viên tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, phát triển kinh tế với quy mô tập trung hơn; phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật để hội viên ứng dụng phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương Yên Bái ngày càng giàu đẹp, văn minh và hiện đại” - ông Nguyễn Xuân Thuận - Chủ tịch Hội CCB thành phố Yên Bái khẳng định.
Tiến Bình - Lê Hương
Các tin khác
Liên bộ GTVT - Tài chính vừa trình Thủ tướng Chính phủ các phương án giảm phí BOT cho 29 trạm thu phí với mức giảm từ 10% - 20%. Việc giảm phí này dựa trên cơ sở giá trị triển khai dự án thấp hơn dự toán.
Mặc dù sụt giảm nhẹ sau báo cáo việc của Mỹ, song nhiều chuyên gia và các nhà đầu tư vẫn đưa ra dự đoán tích cực về giá vàng tuần kế tiếp.
Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) vừa có báo cáo tình hình kinh doanh tháng Sáu, trong đó doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 24.421 xe, giảm 6% so với tháng 5/2016 và tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái.
YBĐT - Ngày 8/7, Ban chỉ đạo kiểm kê rừng tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tổng kết công tác kiểm kê rừng.