Dự báo CPI khó đạt mức 5%: Người tiêu dùng vẫn lo

  • Cập nhật: Chủ nhật, 18/9/2016 | 10:08:45 AM

Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 sẽ tăng cao hơn mức tăng tháng 8, nhưng tốc độ tăng CPI cả năm 2016 khó đạt mức 5% như chỉ tiêu đã được thông qua.

Chỉ số giá tiêu dùng sẽ không có diễn biến bất thường trong thời gian tới.
Chỉ số giá tiêu dùng sẽ không có diễn biến bất thường trong thời gian tới.

Dưới góc độ người tiêu dùng, giá cả thị trường, nhất là trong những tháng cuối năm, vẫn tạo ra không ít nỗi lo.

Xăng, dầu, giao thông chi phối chỉ số giá

Theo Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) Vũ Thu Thủy, giá xăng, dầu, giao thông là nhóm quan trọng chi phối diễn biến CPI hằng tháng. Thực tế, hai đợt tăng giá xăng liên tiếp đã tác động dây chuyền đến nhiều nhóm dịch vụ, hàng hóa khác. "Chi phí nhiên liệu là đầu vào quyết định mức tăng hoặc giảm giá cước vận tải. Dịch vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa đứng trước khả năng tăng giá cũng sẽ đẩy chỉ số giá của nhóm du lịch, hàng hóa tăng theo. Yếu tố này có tác động không nhỏ, nhất là khi lượng khách du lịch đang trên đà tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái" - bà Vũ Thu Thủy phân tích.

Cũng theo bà Vũ Thu Thủy, dịp khai giảng năm học mới chắc chắn tạo áp lực tăng giá đối với mặt hàng sách, vở, học cụ, thiết bị phục vụ giảng dạy... Cùng với đó, chi học phí tháng 9 cũng tăng hơn các tháng trong hè. Ngoài ra, tháng 9 là dịp nghỉ Quốc khánh, với nhiều hoạt động văn hóa, giải trí nên kích ứng chỉ số giá nhóm hàng văn hóa, giải trí tăng lên.

Trong đó, tâm lý du lịch kết hợp thăm thân nhân trước khi kết thúc kỳ nghỉ hè và chuẩn bị bước vào năm học mới khá phổ biến. Riêng hoạt động di chuyển theo trục Bắc - Nam cũng có xu hướng gia tăng đáng chú ý. Như vậy, nhóm xăng, dầu, dịch vụ giao thông, học phí sẽ là yếu tố thúc đẩy CPI tăng.

Một thông tin đáng chú ý đối với người tiêu dùng là một số nhóm hàng hầu như không có khả năng tăng giá do ổn định cung - cầu. Theo các chuyên gia, từ đầu năm đến nay, chỉ số giá nhóm ăn uống và dịch vụ ăn uống, nhóm lương thực và thực phẩm diễn biến ổn định, chủ yếu do sản lượng lương thực và các loại thịt gia súc, gia cầm, thủy sản bảo đảm nguồn cung, không có hiện tượng khan hiếm.

Đồng thời, dù diễn biến theo hướng tăng trong tháng 9 và dự báo cả những tháng cuối năm nhưng tốc độ tăng CPI cả năm 2016 khó có thể đạt mức 5% như chỉ tiêu đã được thông qua. Nguyên nhân chủ yếu là CPI từ đầu năm đến nay vẫn tăng thấp hoặc giảm và CPI tháng 9 có tăng trên dưới 0,5% so với tháng 8 thì tổng CPI cả 9 tháng mới tăng khoảng 3% so với cùng kỳ 2015.

Sẽ không có đột biến

Dự báo, CPI tháng 9 và các tháng cuối năm có thể tăng, tháng sau cao hơn tháng trước, nhưng không thể có đột biến. Theo Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú, trong bối cảnh nguồn cung hàng hóa ổn định và mức cầu không tăng mạnh thì CPI tăng thấp là điều dễ hiểu. Ngoài ra, sức mua chưa được cải thiện rõ nét. Thậm chí, với nhóm làm công hưởng lương chỉ mua nhu yếu phẩm. Vì vậy, CPI ổn định hoặc tăng thấp cũng là mong muốn thiết thực của đại đa số các hộ gia đình.

Ông Vũ Vinh Phú cũng đề xuất cơ quan quản lý theo sát diễn biến thị trường, chủ động phòng tránh hiện tượng “tăng giá ngầm”, “bịt mắt” người tiêu dùng. Chẳng hạn, trước áp lực lợi nhuận, một số nhà sản xuất có thể cố tình thực hiện chiêu trò “cân điêu, đong thiếu”, ăn bớt trọng lượng của thành phẩm. "Tức là về bản chất, họ đã tăng giá mặc dù giá giao dịch, thỏa thuận công khai đến nhà phân phối hoặc người mua không thay đổi. Làm như vậy, họ vẫn có lợi nhuận, mà không mang tiếng là tăng giá" - ông Vũ Vinh Phú chỉ rõ.

Về phía người tiêu dùng, nhiều ý kiến cho rằng mặc dù CPI được công bố là tăng nhẹ hoặc giảm nhưng tác động lại không thể hiện rõ qua các hoạt động mua bán tại chợ, siêu thị. Nhìn chung, mặt bằng giá cả vẫn khá cao so với thu nhập của người làm công ăn lương.

Chị Đinh Thúy Lan (quận Long Biên) là một công chức, xác nhận: Mỗi gia đình hiện phải chi trả những khoản gần như cố định là tiền ăn, đi lại, chăm sóc sức khỏe, tiền học cho con. Và tổng thu nhập gần như chỉ để bảo đảm các khoản chi như vậy, nên rất khó đặt vấn đề tích lũy.

Ở khía cạnh khác, một số bà nội trợ phản ánh, cùng một mặt hàng, một nhãn mác nhưng giá bán ở mỗi nơi lại khác nhau. Điều này đặt ra vấn đề cần tăng cường vai trò quản lý giá của Nhà nước thay vì chỉ yêu cầu “người tiêu dùng thông thái” khi lựa chọn sản phẩm.

Các tin khác
Thế Giới Di Động và Tập đoàn Central Group (Thái Lan) giờ đây là đối thủ cạnh tranh với cùng mảng sản phẩm là công nghệ và điện máy.

Thế Giới Di Động vừa phải rút 22 cửa hàng ra khỏi hệ thống BigC Việt Nam sau khi hãng này về tay Central Group...

YBĐT - Vụ đông năm nay, toàn huyện Văn Chấn phấn đấu gieo trồng đạt 2.500 ha, trong đó phấn đấu giữ vững diện tích ngô đông 1.750 ha.

Ông Vũ Ngọc Hải - Giám đốc Phòng bán hàng Trấn Yên (VNPT - Vinaphone Yên Bái) trao thưởng cho khách hàng Hà Thị Ngoan ở xã Hồng Ca.

YBĐT - Sáng 17/9, VNPT - Vinaphone Yên Bái đã tổ chức trao thưởng máy điện thoại Iphone 6S cho khách hàng Hà Thị Ngoan ở xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên trúng thưởng chương trình “Sinh nhật vui, trúng thưởng lớn”.

Tháng 7/2016, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã phải hạ chỉ tiêu xuất khẩu gạo trong năm 2016 xuống còn 5,65 triệu tấn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục