Rừng được quản lý, bảo vệ tốt hơn
- Cập nhật: Thứ năm, 27/10/2016 | 7:22:25 AM
YBĐT - Toàn tỉnh có trên 213.113,8 ha (diện tích quy đổi 205.182,7 ha) nằm trong lưu vực có cung ứng dịch vụ môi trường rừng trên 3 lưu vực: sông Đà, sông Hồng và sông Chảy với 22 chủ rừng là tổ chức, 8 chủ rừng không phải là tổ chức nhưng được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn cùng nhân dân tăng cường kiểm tra, bảo vệ rừng. (Ảnh: Văn Thông)
|
Yên Bái là tỉnh miền núi nằm ở giữa Đông và Tây Bắc, có vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc. Tổng diện tích tự nhiên 688.767 ha; diện tích rừng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 479.632,6 ha, chiếm 69,6% diện tích tự nhiên toàn tỉnh.
Yên Bái lại nằm ở cuối dãy Hoàng Liên Sơn mang đặc trưng của địa hình núi cao chạy dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, thoải dần về hướng Đông nên địa hình bị chia cắt khá mạnh, tạo thành những dãy núi cao có độ dốc lớn, nhất là khu vực phía Tây của tỉnh. Do đó, Yên Bái là một trong những tỉnh có tiềm năng lớn về phát triển thủy điện. Theo quy hoạch của Bộ Công thương, trên địa bàn tỉnh có 29 địa điểm có khả năng phát triển thủy điện vừa và nhỏ.
Đến nay, UBND tỉnh đã cấp chứng nhận đầu tư và chấp thuận đầu tư cho 23 dự án thủy điện với 28 nhà máy với tổng công suất thiết kế gần 400 MW. Yên Bái cũng tự hào là địa phương đầu tiên của cả nước có công trình thủy điện Thác Bà trên dòng sông Chảy, con chim đầu đàn của ngành thủy điện Việt Nam. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 3 đơn vị sản xuất kinh doanh nước sạch với sản lượng nước thương phẩm bình quân gần 3 triệu m3/năm.
Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sản xuất lâm nghiệp Yên Bái đã có những bước chuyển biến quan trọng chuyển từ lâm nghiệp truyền thống sang lâm nghiệp xã hội và là một trong những ngành có vị trí quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, để phát huy tốt hiệu quả của tài nguyên rừng trong việc giữ nước, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp, sản xuất điện và sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, cần phải nâng cao được chất lượng rừng thông qua bảo vệ và phát triển vốn rừng.
Để làm được việc này, các nhà máy thủy điện, các công ty sản xuất, kinh doanh nước sinh hoạt cần chung tay góp sức với công tác bảo vệ và phát triển rừng. Ngày 24/9/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 99/2010/NĐ-CP về Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). Đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước nhằm huy động các nguồn lực của xã hội để duy trì và làm hồi sinh những cánh rừng, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng của các chủ rừng, hộ gia đình, cộng đồng dân cư, từng bước nâng cao đời sống của người dân, tạo nguồn tài chính bền vững cho bảo tồn đa dạng sinh học.
Tháng 4/2011, UBND tỉnh Yên Bái phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức Hội thảo Khởi động triển khai chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh, nhằm tập trung thảo luận các giải pháp, kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh; xây dựng các đề án: xác định đối tượng sử dụng dịch vụ; xác định ranh giới diện tích rừng nằm trong lưu vực và các chủ rừng, hộ gia đình cá nhân, cộng đồng dân cư có diện tích rừng cung ứng DVMTR; Đề án thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng...
Sau Hội thảo, UBND tỉnh đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị định 99 của tỉnh, thành lập Tổ công tác kỹ thuật để triển khai thực hiện các nội dung công việc theo kế hoạch của tỉnh. Sau một thời gian tích cực triển khai đồng bộ các nội dung, sự phối hợp có hiệu quả của các sở, ban, ngành, địa phương, các đơn vị sử dụng dịch vụ, việc xây dựng các đề án đã hoàn thành. Đây là cơ sở quan trọng để UBND tỉnh quyết định thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng.
Sau khi đi vào hoạt động, tỉnh đã chỉ đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tiến hành đàm phán và tổ chức ký kết hợp đồng ủy thác chi trả tiền DVMTR với 16/16 đơn vị sử dụng DVMTR trên địa bàn tỉnh (13 cơ sở sản xuất thủy điện, 3 cơ sở sản xuất nước sạch); khẩn trương phối hợp với các sở, ngành có liên quan thực hiện rà soát thống kê phân loại đối tượng sử dụng DVMTR; các chủ rừng được chi trả tiền DVMTR.
Kết quả cho thấy toàn tỉnh có trên 213.113,8 ha (diện tích quy đổi 205.182,7 ha) nằm trong lưu vực có cung ứng DVMTR trên 3 lưu vực: sông Đà, sông Hồng và sông Chảy với 22 chủ rừng là tổ chức, 8 chủ rừng không phải là tổ chức nhưng được giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ (các hạt kiểm lâm được UBND các huyện, thị xã giao trách nhiệm quản lý rừng tổ chức giao khoán bảo vệ rừng) và trên 20 ngàn hộ gia đình cá nhân. Hàng năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã tiếp nhận tiền DVMTR từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam và xây dựng kế hoạch thu tiền DVMTR đối với các đơn vị sử dụng dịch vụ nội tỉnh.
5 năm qua, Quỹ tỉnh đã tổ chức được hơn 300 hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách chi trả DVMTR cho trên 17.000 lượt người tham dự. Ngoài ra, còn thực hiện tuyên truyền qua tờ rơi, áp phích, biển báo; biên tập và phát hành 20.000 cuốn tài liệu tuyên truyền song ngữ Việt - Mông, 3.000 cuốn sổ tay hướng dẫn chi trả tiền DVMTR nhằm tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR tới các chủ rừng, hộ gia đình cá nhân, cộng đồng dân cư thôn; tổ chức tiếp nhận tiền trồng rừng thay thế từ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích không phải lâm nghiệp; tham mưu với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh kế hoạch sử dụng kinh phí để trồng rừng thay thế.
Tính đến ngày 25/10/2016, tổng số tiền đã thu được về Quỹ tỉnh là 191,6 tỷ đồng, bao gồm tiền trồng rừng thay thế: 850,7 triệu đồng; tiền DVMTR 190,7 tỷ đồng (Quỹ trung ương điều tiết 146,7 tỷ đồng; thu nội tỉnh 42,2 tỷ đồng; thu tiền lãi 1,8 tỷ đồng). Năm 2016, số tiền đã thu được 41,7 tỷ đồng, đạt 73,3% kế hoạch năm; trong đó, Quỹ trung ương điều tiết 31 tỷ đồng, đạt 88% kế hoạch; thu nội tỉnh 10,7 tỷ đồng, đạt 51% kế hoạch.
Trên cơ sở kết quả nghiệm thu diện tích rừng có cung ứng DVMTR hàng năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh đã tổ chức chi trả tiền DVMTR cho các chủ rừng trên địa bàn. Tổng số tiền DVMTR đã được Quỹ tỉnh thanh toán từ năm 2011 - 2015 là trên 134,8 tỷ đồng; 10 tháng đầu năm 2016, đã thanh toán và chi tạm ứng 2,2 tỷ đồng. Qua kiểm tra, giám sát cho thấy, việc chi trả tiền DVMTR diễn ra công khai, minh bạch, các chủ rừng thực hiện nghiêm túc việc chi trả tiền DVMTR đến các hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng. Các hộ gia đình được nhận đúng, đủ số tiền DVMTR mà mình được thụ hưởng.
Sau 5 năm, thực hiện chính sách chi trả DVMTR, diện tích rừng và chất lượng rừng đã được nâng lên rõ rệt. Nếu như năm 2011, toàn tỉnh có 410.709 ha diện tích đất có rừng, trong đó có 233.328 ha rừng tự nhiên, 177.464 ha rừng trồng, thì hết năm 2015, diện tích đất có rừng đã nâng lên 428.261,5 ha (246.092,2 ha rừng tự nhiên,182.169,2 ha rừng trồng); tỷ lệ che phủ đạt trên 62,2% và đưa Yên Bái là một trong 5 tỉnh của cả nước có tỷ lệ che phủ của rừng đạt trên 60%.
Bên cạnh đó, chính sách chi trả tiền DVMTR được triển khai, đã tạo bước phát triển tốt, góp phần ổn định dân cư, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân. Cùng với các nguồn thu nhập khác từ rừng, tiền DVMTR đã đóng góp một phần trong tổng thu nhập của người dân, từng bước nâng cao ý thức người dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng. Các chủ rừng là tổ chức đã tiến hành giao khoán rừng ổn định lâu dài cho các hộ, nên đã có sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị chủ rừng với hộ gia đình và chính quyền địa phương trong quản lý, bảo vệ rừng. Tình trạng phá rừng làm nương rẫy, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép tại các khu vực rừng được chi trả tiền DVMTR không còn xảy ra.
Rừng đầu nguồn của tỉnh Yên Bái ngày càng được bảo vệ tốt hơn.
Sau 5 năm triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã từng bước ổn định về cơ cấu tổ chức bộ máy, hệ thống chi trả tiền DVMTR các cấp, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hoá nghề rừng; gia tăng đóng góp của ngành lâm nghiệp, cải thiện sinh kế, ổn định đời sống, nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với bảo vệ và phát triển rừng của những người được hưởng lợi từ rừng. Qua đó, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, sử dụng và bảo vệ rừng cho các chủ rừng, góp phần thực hiện hoàn thành chiến lược phát triển lâm nghiệp của tỉnh.
Từ kết quả sau 5 năm thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh, rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương để tỉnh Yên Bái tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác quản lý và bảo vệ rừng trong thời gian tới; đồng thời, làm tốt công tác chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh.
Phát huy kết quả đã đạt được, trong thời gian tới ngành nông nghiệp, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, các ngành liên quan tiếp tục đôn đốc các đơn vị sử dụng DVMTR thực hiện nghiêm túc việc kê khai và chuyển tiền DVMTR năm 2016 về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đảm bảo thời gian theo quy định và hợp đồng ủy thác đã ký kết; phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu giúp UBND tỉnh điều chỉnh kế hoạch chi trả tiền DVMTR năm 2016 đảm bảo thời gian theo quy định; chỉ đạo các chủ rừng là tổ chức, tổ chức không phải là chủ rừng nhưng được giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, các công ty, doanh nghiệp có diện tích rừng cung ứng DVMTR rà soát diện tích rừng tự nhiên, rừng trồng trong quy hoạch lâm nghiệp; rà soát diện tích rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp nhưng có cung ứng DVMTR đủ điều kiện chi trả tiền DVMTR lập kế hoạch chi trả báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh xem xét quyết định; các chủ rừng là tổ chức, tổ chức không phải là chủ rừng nhưng được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, khẩn trương rà soát ranh giới, diện tích các hộ nhận khoán bảo vệ trên cơ sở các hộ nhận khoán phải nắm rõ được diện tích rừng, ranh giới khu rừng nhận khoán ổn định lâu dài.
Đồng thời, tăng cường công tác tuần tra, quản lý, bảo vệ rừng trong khu vực nhận khoán; thường xuyên cập nhật bổ sung, hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu về DVMTR thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh, làm cơ sở cho việc giám sát, đánh giá kết quả thực hiện chính sách chi trả DVMTR đảm bảo công khai minh bạch và chính xác; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về chính sách chi trả DVMTR đến mọi người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao; cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, cần nhận thức sâu sắc về chính sách chi trả DVMTR để tiếp tục triển khai thực hiện, nhằm sớm đưa chính sách vào thực tiễn cuộc sống.
Nguyễn Văn Khánh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng
Các tin khác
YBĐT - Vượt qua nhiều khó khăn, tính đến hết ngày 30/9/2016, Chi cục Thuế thị xã Nghĩa Lộ đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách được giao với số thu ngân sách trên địa bàn đạt 49,3 tỷ đồng, bằng 100,6% kế hoạch tỉnh giao và 100,2% kế hoạch thị xã giao và trở thành chi cục đầu tiên trong tỉnh cán đích.
YBĐT - Nội dung diễn tập sẽ được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 tổ chức chuẩn bị phòng cháy, chữa cháy rừng; giai đoạn 2 tổ chức thực hành chữa cháy rừng, tìm kiếm cứu nạn do cháy rừng gây ra với lực lượng tham gia thực binh gồm 178 người.
YBĐT - Là địa phương có phong trào sản xuất cây vụ đông, những ngày này, huyện Trấn Yên đang chỉ đạo các địa phương tích cực vận động nhân dân khẩn trương trồng cây màu vụ đông bảo đảm đúng tiến độ. Bởi vậy, nhiều địa phương đã thực hiện vượt chỉ tiêu sản xuất vụ đông.