Xây dựng hợp tác xã để phát triển kinh tế
- Cập nhật: Thứ ba, 1/11/2016 | 7:59:17 AM
YBĐT - Nhận thấy được nhu cầu rất lớn của thị trường với các sản phẩm trái cây sạch có thương hiệu như: cam Đường canh, cam sành, bưởi Diễn, chanh tứ thời..., Hợp tác xã (HTX) Sản xuất kinh doanh tổng hợp xã Hưng Thịnh đã ra đời, tạo điều kiện phát triển kinh tế cho các hộ dân.
Khu vườn trồng chanh tứ thời của gia đình anh Nguyễn Văn Đoàn - thành viên HTX Sản xuất kinh doanh tổng hợp xã Hưng Thịnh.
|
Xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên có 1.247 hộ, 4.674 khẩu và có 2 dân tộc cùng chung sống là Kinh, Tày. Đời sống nông dân trong xã chủ yếu trồng lúa, trồng rừng. Những năm gần đây, với lợi thế đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, bà con trong xã đã phát triển mạnh trồng cây ăn quả có múi. Song, nhìn chung người dân còn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa có quy mô tập trung, vì vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương đã coi trọng chỉ đạo triển khai hình thành vùng cây ăn quả có múi thành vùng sản xuất hàng hóa.
Tiền thân của HTX Sản xuất kinh doanh tổng hợp xã Hưng Thịnh bắt đầu chỉ là một nhóm hộ trồng cây ăn quả gồm 7 thành viên, được thành lập từ năm 2013. Được sự giúp đỡ và tư vấn của Liên minh HTX tỉnh Yên Bái về hình thức tổ chức thực hiện, giải quyết những vấn đề hồ sơ, pháp lý, cũng như động viên về tinh thần cho các xã viên, nên 7 nhóm hộ trồng cây ăn quả bước đầu không gặp quá nhiều khó khăn trong hoạt động.
Đầu năm 2015, nhóm đã liên kết với một số sở, ban, ngành của tỉnh, huyện tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật canh tác cây ăn quả có múi như: cam sành, cam Đường canh, bưởi Diễn, chanh tứ thời… cho các thành viên; tổ chức cho các thành viên đi thăm quan các HTX sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp làm ăn có hiệu quả.
Qua đó, các thành viên có thể trải nghiệm thực tế và thấy được hiệu quả thiết thực mà mô hình HTX mang lại. Ngày 8/12/2015, sau khi nghiên cứu kỹ Luật HTX 2012, nhận thấy được hiệu quả từ việc phát triển kinh tế trồng cây ăn quả có múi tại địa phương, cộng thêm nguyện vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, nhóm quyết định làm đơn xin được thành lập HTX.
Hiện nay, tổng số thành viên của HTX là 17 người, tổng vốn điều lệ là 1 tỷ đồng, tổng diện tích đất trồng cây ăn quả có múi khoảng 50 ha, được thực hiện do quá trình góp vốn, góp đất của các thành viên HTX và cấp đất của chính quyền địa phương, trong đó 25 ha đang trong thời kỳ thu hoạch. Đến nay, doanh thu 1 năm của HTX đã đạt hơn 1 tỷ đồng. Năm 2016, HTX tiếp tục trồng hơn 20 ha cây ăn quả có múi. Tuy mới đi vào hoạt động, song HTX đã đưa ra những phương hướng hoạt động rất khả thi và đang dần khẳng định hiệu quả thực tiễn.
Thời gian đầu, các hộ chỉ tập trung vào trồng giống cam sành. Sau khi tìm hiểu thấy được lợi nhuận nhiều hơn từ trồng giống cam Đường canh và các giống cây khác như bưởi Diễn, chanh tứ thời… các hộ dần chuyển sang trồng các giống cây này. Nếu như trước kia trồng cam sành với giá thu mua tại vườn là 10.000 đồng/kg, sau khi chuyển sang trồng cam Đường canh giá đã tăng lên gấp 3 lần. Các thành viên khi tham gia HTX có thể yên tâm sản xuất, không lo về sản phẩm làm ra không bán được, giá cả luôn ở mức ổn định, hợp lý, không phải đề phòng về nguồn gốc không rõ ràng.
Việc tiêu thụ sản phẩm và tìm kiếm thị trường cho HTX, do Hội đồng Quản trị HTX thực hiện, Liên minh HTX tỉnh, chính quyền địa phương hỗ trợ trong các hoạt động xúc tiến thương mại. Cuộc sống người dân trong xã chuyển biến rõ rệt khi tập trung phát triển kinh tế nhờ mô hình trồng cây ăn quả có múi.
Một trong những thành viên tham gia đầu tiên vào nhóm hộ trồng cây ăn quả, anh Nguyễn Văn Đoàn cho biết: “Tham gia làm thành viên của HTX, chúng tôi được bồi dưỡng sâu hơn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả có múi. Đặc biệt, chúng tôi được đi tham quan các mô hình HTX sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao, nên tôi được mở mang tầm nhìn và học tập được rất nhiều về kỹ thuật trồng trọt. Hiện giờ, gia đình tôi đã có cuộc sống ổn định, xây được nhà và chuẩn bị mua ô tô để vận chuyển hàng hóa”.
HTX đã xác định được hoạt động chủ lực của mình là sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, cung cấp vật tư nông nghiệp và dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, nên HTX đã ký kết với các đơn vị sản xuất phân bón, chế biến thức ăn chăn nuôi, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y để phục vụ cho các thành viên trong HTX với giá ưu đãi nhằm đảm bảo phục vụ cho sản xuất.
Anh Mai Văn Tình - một thành viên HTX phấn khởi: “Mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình tôi cũng đã triển khai được 5 năm. Quyết định tham gia vào HTX Sản xuất kinh doanh tổng hợp xã Hưng Thịnh, khiến tôi rất yên tâm sản xuất. Các sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp giờ tôi không phải lo lắng bị ép giá hay chất lượng không được đảm bảo nữa. Trước đây, phân bón tôi nhập với giá 500.000 đồng/tạ, giờ chỉ mất 470.000 đồng, mà chất lượng lại tốt hơn nhiều”.
Tuy nhiên, HTX thành lập trong bối cảnh diện tích cây ăn quả có múi còn nằm rải rác, chưa tập trung thành quy mô lớn, cho nên nhu cầu tới đây cần mở rộng diện tích lớn hơn, liên kết với các nhà khoa học, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho các thành viên trong HTX theo hướng chuyển đổi, cải tạo vườn cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGap, phấn đấu đưa cây ăn quả có múi trở thành thương hiệu có uy tín để bán rộng rãi ra thị trường trong nước và xuất khẩu ra thị trường quốc tế.
Chị Hà Thị Nhung - Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Sản xuất kinh doanh tổng hợp xã Hưng Thịnh cho biết: “HTX Sản xuất kinh doanh tổng hợp xã Hưng Thịnh được hình thành trong điều kiện đảm bảo 19 tiêu chí của nông thôn mới (phải có mô hình HTX). HTX mới được thành lập, cho nên quy mô còn nhỏ, vốn còn hạn chế, thiếu về kinh nghiệm quản lý, điều hành, nơi xây dựng điểm giao dịch của HXT chưa có. Chúng tôi mong muốn UBND xã, huyện tạo mọi điều kiện cho HTX có được quỹ đất để xây dựng văn phòng, giúp HTX ổn định vượt qua khó khăn ban đầu, yên tâm bước vào sản xuất kinh doanh phát triển bền vững. Đồng thời, kiến nghị với Liên minh HTX tỉnh Yên Bái, hỗ trợ, tư vấn cung cấp dịch vụ, xây dựng các dự án, hỗ trợ về nguồn vốn đầu tư, xúc tiến về thương mại để có thể xây dựng nên thương hiệu cây ăn quả, tạo điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh tại địa phương”.
Hải Hà
Các tin khác
YBĐT - Trong 9 tháng của năm 2016, tình hình sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) trên địa bàn huyện Lục Yên duy trì ổn định. Giá trị sản xuất (theo giá so sánh năm 2010) đạt 864,93 tỷ đồng, bằng 75,2% kế hoạch, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2015.
Hàng năm Kiểm toán Nhà nước thực hiện hàng trăm cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước tại các bộ, ngành và địa phương trên cả nước. Thông qua báo cáo kiểm toán đã giúp cho Nhà nước xử lý và thu hồi hàng tỷ đồng sai phạm cũng như góp phần hoàn thiện hơn những bất cập về cơ chế chính sách.
Các doanh nghiệp thành lập mới tăng 18,3% về số lượng và tăng 46,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015.
Tổng cục Thuế vừa có công văn chỉ đạo triển khai thực hiện các mục tiêu liên quan đến công tác hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), trong đó nhấn mạnh đến việc quản lý việc hoàn thuế chặt chẽ, đúng quy định, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.