Lãi suất "siêu rẻ" và cơ hội của doanh nghiệp

  • Cập nhật: Thứ năm, 3/11/2016 | 8:37:07 AM

YBĐT - Sau động thái hạ lãi suất cho vay của một loạt các ngân hàng thương mại với mức bình quân từ 6,5 đến 7%/năm, cuối tháng 9 vừa qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) triển khai gói tín dụng cho vay đối với khách doanh nghiệp ở mức lãi suất 5%/năm - một mức lãi mà nhiều chuyên gia kinh tế và hàng loạt các tờ báo đều cho rằng, đó là mức lãi “phá giá”, “siêu rẻ”.

Sở dĩ gọi như vậy, vì chưa bao giờ và không còn ngân hàng nào áp dụng mức lãi thấp đến như vậy, thấp hơn cả lãi suất huy động trên thị trường và của chính Agribank.

Bà Trần Thị Kim Thoa - Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Yên Bái cho biết: “Thực hiện Quyết định 6767 của Tổng Giám đốc Agribank, toàn hệ thống chúng tôi đang triển khai gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp (gọi tắt là gói 6767). Lãi suất ngắn hạn là 5%/năm, trung và dài hạn là 7%/năm và hy vọng với mức lãi suất này, các doanh nghiệp trên địa bàn nhanh chóng tiếp cận, đầu tư sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả. Qua đây, Agribank thực hiện tốt mục tiêu chính sách khách hàng, mở rộng thị phần, thu hút những khách hàng là những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, phát triển và mở rộng tín dụng gắn với phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng”.

Đối tượng của gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lần này là những khách hàng doanh nghiệp có lịch sử quan hệ tín dụng thường xuyên với Agribank (từ 12 tháng trở lên); khách hàng chỉ quan hệ tín dụng với Agribank (gồm cả khách hàng mới); trong đó, ưu tiên đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết, thời gian triển khai bắt đầu từ ngày 20/9/2016 đến 31/12/2016.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng - giám đốc một doanh nghiệp ở thành phố Yên Bái đến Phòng Khách hàng doanh nghiệp của Agribank Yên Bái làm các thủ tục để vay 2 tỷ đồng từ Chương trình 6767. Là doanh nghiệp lần đầu vay vốn ngân hàng để sản xuất kinh doanh, ông Thắng thấy cán bộ, nhân viên của Agribank Yên Bái phục vụ rất chuyên nghiệp, thủ tục vay nhanh gọn.

Ông Thắng cho biết: “Đã là kinh doanh thì luôn cần vốn, tín dụng từ các ngân hàng thương mại luôn là nguồn vốn cơ bản, nhưng rào cản lớn nhất chính là lãi suất. Khi mới thành lập doanh nghiệp, chúng tôi cũng đã tiếp cận với các ngân hàng nhưng lãi suất thời điểm đó là 20%/năm, nên tôi chuyển hướng tìm nguồn vốn khác. Giờ Agribank áp dụng lãi suất rẻ thế này, không vay ở đây thì còn vay ở đâu nữa!”.

Cùng đến làm thủ tục vay vốn, một khách hàng đề nghị không nêu tên nói: “Lãi suất chỉ bẳng ¼ so với trước, rẻ gần như cho không thì hết kêu lãi suất là gánh nặng, bớt được nỗi lo lãi suất là rất quan trọng, giờ chỉ tập trung mà làm cho tốt”.

Được biết, ngay sau khi Agribank Yên Bái triển khai gói tín dụng 6767 đã có hơn 20 doanh nghiệp ở thành phố Yên Bái đến làm thủ tục vay vốn. Do được tuyên truyền, tư vấn từ trước nên các khách hàng đều được vay, dù mức vay không lớn (từ 1 đến 3,5 tỷ đồng), chủ yếu vay ngắn hạn đưa ngay vào thu mua nguyên vật liệu để sản xuất kinh doanh.

Công ty TNHH Minh Nghĩa Yên Bái là một khách hàng truyền thống của Agribank, đứng chân trong Khu công nghiệp Âu Lâu với ngành nghề chiết xuất tinh dầu quế. Thời điểm này, Công ty vừa sản xuất, vừa tập trung mua nguyên liệu để đảm bảo sản suất liên tục.

Bà Đoàn Thị Thu - lãnh đạo Công ty Minh Nghĩa cho biết: “Đang là vụ thu hoạch quế và là lúc bà con chặt tỉa cành, chăm sóc quế, nên chúng tôi đang tập trung thu mua để đủ nguyên liệu làm đến tháng 3 năm 2017.

Vốn lưu động để ứng cho các đại lý thu mua nguyên liệu là rất cần, nên khi Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho vay lãi suất thấp là chúng tôi vay luôn. Giờ trong kho đã có 4.000 tấn nguyên liệu, nên từ nay đến cuối năm sẽ mua thêm ít nhất 3.500 tấn nữa là yên tâm duy trì sản xuất quanh năm rồi”.

Được biết, Minh Nghĩa Yên Bái là khách hàng được hưởng nhiều chính sách tín dụng ưu đãi. Quá trình đầu tư xây dựng, mua máy móc thiết bị của doanh nghiệp này đã được vay một khoản vốn lớn với lãi suất 7%/năm. Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp này đã sản xuất và tiêu thụ được 45 tấn tinh dầu quế, đảm bảo việc làm cho 32 cán bộ, công nhân và doanh nghiệp có lãi, duy trì nền tài chính lành mạnh, hoàn thành tốt nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước.

Từ nay đến 31/12/2016, Công ty Minh Nghĩa Yên Bái phấn đấu sản xuất và tiêu thụ thêm 25 tấn tinh dầu nữa và triển khai phương án đầu tư mở rộng nhà máy, nâng công suất thêm 100% so với hiện nay.

Ông Lê Văn Xuất - Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp Agribank Yên Bái nhấn mạnh: “Đã và đang có rất nhiều doanh nghiệp hưởng lợi từ chính sách tín dụng ưu đãi. Chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện để khách hàng tiếp cận được nguồn vốn đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, chính sách ưu đãi tín dụng luôn có những điều kiện áp dụng bắt buộc. Agribank chỉ cho vay đúng đối tượng là khách được xếp loại A theo tiêu chí xếp hạng tín dụng và khách hàng mới. Đặc biệt, tổng dư nợ của khách hàng tại thời điểm 31/12/2016 phải tăng hơn so với thời điểm 20/9/2016 và tiêu chí này sẽ tránh được tình trạng vay mới lãi suất thấp để trả cũ lãi suất cao”.

Chương trình tín dụng hỗ trợ của hàng loạt các ngân hàng thương mại, đặc biệt của Agribank với mức lãi suất "siêu rẻ", triển khai áp dụng đúng vào quý IV của năm kế hoạch 2016. Đây thực sự là cơ hội để các doanh nghiệp tận dụng thời cơ tiếp cận để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2016 và mở rộng kinh doanh, phát triển sản xuất, duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong năm 2017 và những năm tiếp theo.

Lê Phiên

Các tin khác
Ảnh minh hoạ

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.

Phấn đấu đến năm 2020 có 70% dân số thưởng thành sử dụng tài khoản ngân hàng.

Sáng nay 2-11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai trong toàn ngành về việc thực hiện “Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế” theo Quyết định số 1726/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 1726).

Nông dân xã Phù Nham, huyện Văn Chấn làm giàn cho cây cà chua.

YBĐT - Một cán bộ ngành nông nghiệp thừa nhận, các sản phẩm rau màu của Yên Bái chỉ có thể len lỏi vào các cửa hàng rau sạch, siêu thị của Yên Bái chứ chưa có thể có mặt tại các siêu thị của tỉnh và thủ đô Hà Nội.

Ảnh minh họa.

Tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc nhất về đời sống, sản xuất; từng bước cải thiện và nâng cao điều kiện sống cho hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn; góp phần giảm nghèo bền vững, giảm dần chênh lệch trong phát triển giữa vùng dân tộc thiểu số và miền núi với các vùng khác trong cả nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục