Thực hiện Nghị định 147: Người dân Yên Bái sẽ hưởng lợi nhiều hơn

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/11/2016 | 8:14:09 AM

YBĐT - Ngày 02/11/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 147/2016/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 147) về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2010/NĐ-CP (Nghị định 99) ngày 24/9/2010 về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR).

Ông Kiều Tư Giang - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái.
Ông Kiều Tư Giang - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái.

Để hiểu rõ hơn về nội dung Nghị định 147 tác động thế nào đến người dân làm nghề rừng và công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với ông Kiều Tư Giang - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái về vấn đề này.

P.V: Xin ông cho biết những nội dung chính của Nghị định 147?

Ông Kiều Tư Giang: Việc ban hành Nghị định 147 đã đáp ứng được mong mỏi của các bên liên quan, đặc biệt là những người dân đang hàng ngày chăm sóc, bảo vệ rừng, cung ứng DVMTR.

Theo đó, Nghị định 147/2016/NĐ-CP ngày 2 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ bao gồm một số nội dung chính như sau: Về đối tượng được chi trả tiền DVMTR (tại Điều 8 Nghị định 99) đã được bổ sung thêm 02 đối tượng là UBND cấp xã và các tổ chức chính trị - xã hội được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng theo quy định của pháp luật có cung ứng DVMTR.

Về mức chi trả tiền DVMTR (tại Điều 11 Nghị định 99) được sửa đổi: đối với các cơ sở sản xuất thủy điện, mức chi trả tiền DVMTR được quy định là 36 đồng/kwh điện thương phẩm (so với mức quy định cũ là 20 đồng/kwh); đối với các cơ sở sản xuất và cung cấp nước sạch, mức chi trả tiền DVMTR được quy định là 52 đồng/m3 nước thương phẩm (so với mức quy định cũ là 40 đồng/m3). Như vậy, với mức chi trả mới này, thu nhập của người dân từ DVMTR tăng lên khoảng 1,8 lần/ha/năm so với trước đây.

P.V: Ông đánh giá Nghị định 147 có những ưu điểm gì?

Ông Kiều Tư Giang: Ngoài việc sử dụng kinh phí dự phòng khi có thiên tai, khô hạn, Nghị định 147 bổ sung cho phép sử dụng hỗ trợ trong trường hợp mức chi trả tiền DVMTR trên cùng 1 đơn vị diện tích thấp hơn mức chi trả của năm trước liền kề.

Nghị định 147 cũng quy định đối với diện tích rừng có mức chi trả DVMTR lớn hơn 2 lần mức hỗ trợ của ngân sách Nhà nước cho khoán bảo vệ rừng, tùy theo đối tượng trên cùng địa bàn tỉnh, UBND tỉnh quyết định mức điều tiết phù hợp.

Ngoài ra, đối với đối tượng được chi trả tiền DVMTR là UBND cấp xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng, cho thuê theo quy định của pháp luật thì tiền DVMTR nhận được coi là nguồn thu của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp xã, quản lý chi theo quy định tại Điều 3, Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng.

Đối với tổ chức chính trị - xã hội được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng theo quy định của pháp luật phải lập phương án sử dụng kinh phí quản lý bảo vệ rừng từ nguồn tiền chi trả DVMTR trình UBND cấp huyện phê duyệt thay vì trước đây phải gửi sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thẩm định, tổng hợp trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định tại điểm d, khoản 3, Điều 5 Thông tư 62/2012/TTLT- BNNPTNT-BTC ngày 16/11/2012 của Liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tài chính hướng dẫn cơ chế quản lý sử dụng tiền DVMTR.

Bên cạnh đó, Nghị định 147 đã bãi bỏ khoản 7 và điểm b, khoản 9, Điều 22 của Nghị định 99 về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh không cần phải xác nhận danh sách các chủ rừng là tổ chức và UBND cấp huyện cũng không cần phải xác nhận danh sách các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn có cung ứng cho 1 đơn vị sử dụng DVMTR. Điều này, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính trong thực hiện chính sách.

Nghị định 147 được ban hành đã thể hiện sự đồng thuận lớn của toàn xã hội đối với chính sách, trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của các bên liên quan được đảm bảo. Điều này, không chỉ dừng lại ở việc gia tăng nguồn thu tiền DVMTR hàng năm mà cũng đồng nghĩa với việc số tiền người dân tham gia bảo vệ, cung ứng DVMTR nhận được hàng năm cũng tăng lên, góp phần nâng cao chất lượng đời sống, cải thiện thu nhập, sinh kế nhất là đối với đồng bào dân tộc nghèo vùng núi; giúp họ có thêm động lực tham gia giữ rừng, bảo vệ rừng.

Sau 5 năm từng bước đưa chính sách mới vào thực tiễn, việc Chính phủ ban hành Nghị định 147 đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc nảy sinh thời gian qua và là cơ sở quan trọng để tiếp tục triển khai hiệu quả chính sách trong thời gian tới, thực hiện mục tiêu xã hội hóa nghề rừng.

P.V: Nghị định 147 có hiệu lực từ ngày 01/01/2017, vậy tỉnh Yên Bái tiến hành triển khai Nghị định này như thế nào?

Ông Kiều Tư Giang: Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tham mưu giúp UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 147 đến tất cả các đơn vị có sử dụng DVMTR, các chủ rừng, hộ gia đình cá nhân có diện tích rừng cung ứng DVMTR về những nội dung cơ bản của Nghị định để tổ chức thực hiện theo quy định. Quỹ tiến hành thương thảo, đàm phán ký kết lại hợp đồng ủy thác với các đơn vị có sử dụng DVMTR để thực hiện việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh bảo đảm đúng quy định của Nghị định 147.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Hồng Duyên (thực hiện)

Các tin khác
Một vườn bưởi đặc sản ở xã Đại Minh.

YBĐT - Huyện Yên Bình hiện có 1.120 ha cây ăn quả, trong đó có 268 ha trồng giống bưởi Đại Minh. Diện tích này tập trung chủ yếu tại 2 xã Đại Minh và Hán Đà với gần 200 ha. Bưởi Đại Minh quả tròn, vỏ mỏng, múi mọng nước, tôm đều, khi ăn có vị ngọt mát với hương thơm đặc trưng.

Ngô nếp sớm được người dân bán từ 1.000 đồng - 2.000 đồng/bắp.

YBĐT - Trên 100 ha ngô nếp lấy bắp để bán sớm đã cho thu hoạch với giá bán từ 1.000 đồng - 2.000 đồng/bắp, ngô bao tử có giá từ 1.000- 1.500 đồng/bó đem lại thu nhập khá cho người dân Nghĩa Lộ

YBĐT - Trong 10 tháng năm 2016, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 152 doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký 1.225,5 tỷ đồng. Trong đó có 24 doanh nghiệp tư nhân, 96 công ty trách nhiệm hữu hạn, 32 công ty cổ phần.

YBĐT - Sự thành công của Đề án sản xuất rau an toàn sẽ là một hướng đi mới, bền vững cho sản xuất rau nói riêng và sản xuất nông nghiệp của thành phố Yên Bái nói chung. Những vùng rau này sẽ mang lại niềm tin cho người tiêu dùng, từng bước nâng cao chất lượng nông sản và đời sống người trồng rau.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục