Thị xã Nghĩa Lộ: Khi người dân là chủ thể du lịch

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/11/2016 | 8:17:12 AM

YBĐT - Thị xã Nghĩa Lộ giờ đây đã trở thành một điểm đến của nhiều du khách. Một trong những yếu tố mang lại những thành công nhất định cho du lịch địa phương trong suốt thời gian qua chính là sự tham gia của người dân.

Du khách tìm hiểu về sản vật địa phương.
Du khách tìm hiểu về sản vật địa phương.

Có thể nói, Nghĩa Lộ đã đạt được những kết quả không thể phủ nhận trong việc khơi dậy sức mạnh chủ thể của người dân vào phát triển du lịch, để rồi khi du lịch phát triển đã tạo điều kiện trở lại phục vụ chính cuộc sống người dân ngày một khấm khá.

Đóng góp của người dân là dễ nhận thấy trong suốt quá trình phát triển du lịch của địa phương và nó càng được thể hiện rõ nét hơn qua những sự kiện văn hóa, du lịch mà một trong những điểm nhấn đó là các tuần văn hóa - du lịch hàng năm. Năm nay, nhìn lại một lần nữa Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò vừa qua càng thấy rõ hơn những đóng góp từ những con người bình thường nhất trong các bản làng Nghĩa Lộ.

Những con số ấn tượng trong Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò 2016 không chỉ cho thấy quy mô của sự kiện mà chính là những minh chứng cụ thể cho sự tham gia không hề nhỏ của người dân làm nên thành công của không gian văn hóa du lịch này. 2.000 diễn viên, nghệ nhân, học sinh của thị xã tham gia Lễ khai mạc, 800 diễn viên quần chúng và nghệ nhân thị xã tham gia biểu diễn đường phố, 500 diễn viên của thị xã và 900 diễn viên của 6 xã huyện Văn Chấn góp mặt trong Liên hoan diễn xướng dân gian dân tộc Thái...

Không chỉ là góp sức mình làm nên con số hàng trăm, hàng nghìn diễn viên trong các hoạt động văn hóa mà mỗi người dân tham gia vào các hoạt động này đều bằng cả sự nhiệt tình của bản thân những mong góp phần nhỏ của mình tạo nên không gian văn hóa ấn tượng với du khách. Trước Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò cả tháng trời, nhiều chị em trong các bản làng như chị Lường Thị Chiến ở bản Lè 1, phường Trung Tâm đã không tiếc thời gian, công sức tập luyện màn đại xòe cổ biểu diễn trong đêm khai mạc.

Chị Chiến chia sẻ: “Thời điểm đó, lúa đã chín đồng nên công việc đồng áng chúng tôi khá bận rộn. Song, tôi và hơn 100 chị em trong phường Trung Tâm không bỏ buổi tập nào”.

Cùng với hàng trăm, hàng nghìn người dân, nhiều nghệ nhân, người am hiểu dân ca, dân vũ trên địa bàn đã đóng góp cả trí tuệ tham gia đạo diễn, hướng dẫn các diễn viên trình diễn các điệu xòe cổ và các màn biểu diễn nghệ thuật như: nghệ nhân Điêu Thị Xiêng, nghệ nhân Lò Văn Biến, bà Hoàng Thị Văn ở phường Tân An... Những diễn viên nòng cốt của các đội văn nghệ các thôn, bản của thị xã đều tích cực hướng dẫn cho các chị em.

Chị Lò Thị Khẹn - đội văn nghệ Tông Pọong 2, phường Tân An cho biết: “Am hiểu về xòe cổ nên tôi được chọn để hướng dẫn chị em tập luyện. Tuy thực sự bận việc gia đình song tôi đều cố gắng thu xếp tốt thời gian để hướng dẫn chị em sắp xếp đội hình và hướng dẫn thêm cho chị em nhuần nhuyễn các động tác để có thể trình diễn tốt nhất trong đêm khai mạc. Chúng tôi xác định giữ gìn và giới thiệu bản sắc văn hóa của dân tộc tới đông đảo du khách cũng là trách nhiệm của mỗi người dân bản địa như chúng tôi”.

Không phải chỉ trong các lễ hội hay sự kiện văn hóa lớn thì tinh thần, ý thức đó mới được bộc lộ mà nó vẫn lặng lẽ, âm thầm trong các hoạt động sinh hoạt văn hóa thường ngày của người dân ở mỗi bản làng và làm nên điểm nhấn, sức hút du lịch. Để rồi, khi du lịch được phát triển thì chính những người dân lại được thụ hưởng khi biết nắm bắt cơ hội này. Không thể phủ nhận sự phát triển của du lịch cộng đồng trong thời gian qua ở Nghĩa Lộ. Rất nhiều gia đình ở đây đã tham gia vào kinh doanh loại hình du lịch này.

Gia đình chị Hoàng Thị Phượng ở thôn Đêu 3, xã Nghĩa An làm du lịch cộng đồng đã nhiều năm. Gần đây, gia đình chị đã đầu tư thêm một nhà sàn trị giá 200 triệu đồng để phục vụ du khách. Mùa du lịch năm nay, chị còn mở thêm dịch vụ bán các sản phẩm như: thịt trâu, thịt lợn sấy, măng ớt hay các mặt hàng thổ cẩm. Đặc biệt, sinh hoạt văn hóa văn nghệ dân gian như múa xòe, hát dân ca Thái được chị tích cực giới thiệu để du khách khám phá, thưởng thức, trải nghiệm. Vì vậy, mô hình du lịch của gia đình chị Phượng không chỉ hút khách trong các dịp tuần văn hóa - du lịch mà còn trong cả những ngày thường.

“Du khách đặc biệt rất thích tìm hiểu, tham gia các hoạt động như hát múa cùng dân bản. Như vậy, mình vừa giới thiệu được bản sắc văn hóa lại vừa mang lại thu nhập cho nhiều người dân” - chị Phượng cho biết. Mô hình du lịch cộng đồng của chị Lường Thị Hồng Chung ở thôn Chao Hạ 1, xã Nghĩa Lợi cũng là một địa chỉ được du khách tìm đến nhiều. Trong Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò 2016, gia đình chị đón trên 200 lượt khách.

Chị Chung cho biết, gia đình chị thực hiện đúng chỉ đạo của thị xã là không tăng tiền lưu trú, tiền phục vụ ăn uống trong dịp này và chỉ nhận đủ lượng khách để bảo đảm phục vụ tốt. Nhiều gia đình làm du lịch cũng như nhiều hộ dân khác ở đây cũng tranh thủ kinh doanh nhiều mặt hàng khác làm sản phẩm du lịch, mang lại nguồn thu đáng kể cho gia đình. Theo thống kê của thị xã, trong dịp vừa qua, trên địa bàn có 25 hộ làm du lịch cộng đồng, đón nhiều lượt khách du lịch, mang lại thu nhập khá cho nhiều gia đình và tạo việc làm cho nhiều lao động hơn.

Nhận thấy rõ hơn những giá trị thực tế mà sự phát triển của du lịch mang lại, nhiều người dân càng ý thức hơn trong việc chung tay, góp sức xây dựng, phát triển du lịch địa phương từ những hành động, việc làm cụ thể, nhất là trong giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

 Hạnh Quyên

Các tin khác
Ông Kiều Tư Giang - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái.

YBĐT - Ngày 02/11/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 147/2016/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 147) về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2010/NĐ-CP (Nghị định 99) ngày 24/9/2010 về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR).

Một vườn bưởi đặc sản ở xã Đại Minh.

YBĐT - Huyện Yên Bình hiện có 1.120 ha cây ăn quả, trong đó có 268 ha trồng giống bưởi Đại Minh. Diện tích này tập trung chủ yếu tại 2 xã Đại Minh và Hán Đà với gần 200 ha. Bưởi Đại Minh quả tròn, vỏ mỏng, múi mọng nước, tôm đều, khi ăn có vị ngọt mát với hương thơm đặc trưng.

Ngô nếp sớm được người dân bán từ 1.000 đồng - 2.000 đồng/bắp.

YBĐT - Trên 100 ha ngô nếp lấy bắp để bán sớm đã cho thu hoạch với giá bán từ 1.000 đồng - 2.000 đồng/bắp, ngô bao tử có giá từ 1.000- 1.500 đồng/bó đem lại thu nhập khá cho người dân Nghĩa Lộ

YBĐT - Trong 10 tháng năm 2016, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 152 doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký 1.225,5 tỷ đồng. Trong đó có 24 doanh nghiệp tư nhân, 96 công ty trách nhiệm hữu hạn, 32 công ty cổ phần.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục