Để chăn nuôi thủy sản phát triển bền vững
- Cập nhật: Thứ tư, 12/4/2017 | 12:23:03 PM
YBĐT - Là tỉnh miền núi, nhưng Yên Bái lại có trên 32.000 ha mặt nước, trong đó, có 26.000 ha đủ điều kiện để phát triển chăn nuôi thủy sản (CNTS). Vài năm gần đây, hàng loạt chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, CNTS được ban hành.
Nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà.
|
Phát huy lợi thế đó, Yên Bái đã có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích CNTS thâm canh và bán thâm canh ở quy mô hợp tác xã, quy mô nhóm hộ và hộ gia đình. Đặc biệt, vài năm gần đây, nhất là thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM), hàng loạt chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, CNTS được ban hành. Bình quân mỗi năm được hỗ trợ hàng chục tỷ đồng mua con giống, đóng lồng bè, phòng chống dịch bệnh, hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật... đã tạo tiền đề quan trọng cho người dân phát triển sản xuất.
Trong năm 2016, đã triển khai thực hiện hỗ trợ 231/193 cơ sở nuôi cá lồng, 16 cơ sở nuôi cá eo ngách trên hồ Thác Bà. Thông qua đó, phong trào CNTS phát triển mạnh mẽ từ vùng thấp đến vùng cao.
Nơi nào có mặt nước là người dân CNTS và nhiều địa phương còn mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa, trồng màu kém hiệu quả sang CNTS. Người dân vùng cánh đồng Mường Lò, huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ còn tổ chức phát triển nuôi cá ruộng khá hiệu quả.
Nhờ vậy, hết năm 2016, giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt 217.209 triệu đồng, tăng 4,38% so với năm 2015, giá trị sản xuất ngành thủy sản tăng, chủ yếu do sản lượng nuôi trồng những loại cá có giá trị cao (cá trắm, cá chép, cá tầm, cá nheo, cá bỗng, cá hồi) tăng.
Để hiểu rõ hơn về phong trào CNTS, ông Lã Tuấn Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Bình cho biết: “CNTS ở Yên Bình trong vài năm trở lại đây đã trở thành một nghề không thể thiếu với hầu hết người dân ven hồ Thác Bà. Nếu như trước đây, bà con chủ yếu đánh bắt thủy sản tự nhiên thì nay đã kết hợp nuôi quảng canh và bán thâm canh; thậm chí, có những mô hình chăn nuôi mang dáng dấp công nghiệp. Phong trào nuôi cá lồng đang phát triển mạnh và toàn huyện có trên 500 lồng cá. Riêng năm 2016, đóng mới 223 lồng nằm trong Đề án Phát triển CNTS. Diện tích mặt nước CNTS đạt trên 726 ha, trong đó có 164 ha nuôi cá quây lưới. Sản lượng khai thác thủy sản năm 2016 đạt 4.030 tấn, giá trị đạt trên 200 tỷ đồng”.
Thôn Ao Khoai, xã Thịnh Hưng vốn là xã có truyền thống sản xuất kinh doanh chè, nhưng nay nổi lên với nghề nuôi cá lồng và nuôi cá eo ngách. Các hộ dân còn thành lập được Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Thác Bà và đi vào hoạt động từ năm 2015. Với quy mô 30 lồng cá và nuôi chủ yếu cá nheo, cá lăng, cá trắm cỏ và rô phi đơn tính.
Năm 2016, Hợp tác xã đã xuất bán trên 80 tấn cá nheo, cá lăng thu về trên 4,2 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí mỗi thành viên còn được lãi gần 200 triệu đồng. Gia đình ông Nguyễn Đức Chung ở thị trấn Yên Bình chăn nuôi với quy mô hộ nhưng có tới 16 lồng cá. Không chỉ nuôi cá thịt, ông còn thuê kỹ sư thủy sản để nuôi trồng, sản xuất cá giống cung ứng cho thị trường.
Hiện tại, ông có 4 lồng cá trắm, 4 lồng cá chép, 4 lồng rô phi, còn lại là ươm nuôi cá giống và các loại cá khác. Nhờ nuôi đúng kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh hiệu quả nên cá sinh trưởng, phát triển tốt. Bình quân mỗi lồng nuôi theo một chu kỳ 8 tháng - 1 năm tùy từng loại cá mà cho thu từ 2 tấn - 2,5 tấn/lồng. Với 16 lồng nuôi cá, sau khi trừ chi phí, ông còn lãi được trên 200 triệu đồng.
Nuôi cá trên hồ Thác Bà đang cho hiệu quả khá cao, tuy nhiên, cũng đang bộc lộ những khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Ông Nguyễn Đức Thịnh - thành viên HTX Nuôi trồng thủy sản Thác Bà cho biết: “HTX được thành lập, nhưng rất khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, dẫn đến khi thu hoạch bị phụ thuộc vào tư thương. Năm 2015, giá 1 kg cá lăng cân tại lồng là 110.000 đồng, nhưng năm 2016 giảm còn bình quân 60.000 đồng/kg. Thị trường không ổn định nên HTX cũng không dám mở rộng quy mô sản xuất”.
Đó không chỉ khó khăn riêng với HTX Nuôi trồng thủy sản mà còn là khó khăn chung của các hộ dân nuôi trồng thủy sản. Với 500 lồng cá hiện tại, cùng với trên 167 ha nuôi cá eo ngách thì mỗi năm người dân ven hồ Thác Bà cũng thu được trên 1.000 tấn cá lồng và gần 500 tấn cá nuôi eo ngách. Toàn bộ sản lượng cá đều tiêu thụ dựa vào các tư thương là chính, nên thiếu tính ổn định và giá cá không được cao dù chất lượng cá rất tốt.
Đặc biệt, từ năm 2016, Yên Bái thực hiện triển khai các Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, với sự hỗ trợ của Đề án mỗi năm phát triển thêm trên dưới 200 lồng cá và vài chục héc-ta eo ngách. Với tốc độ phát triển như vậy, sản lượng cá ngày một nhiều lên, nếu chúng ta không có một đầu ra ổn định thì nghề nuôi cá, nhất là nuôi cá trên hồ Thác Bà khó mà bền vững. Bên cạnh đó, vấn đề thiếu con giống chất lượng, sạch bệnh cũng đang được người chăn nuôi quan tâm.
Qua thực tế cho thấy, giống cá, nhất là giống cá đặc sản như cá nheo, cá lăng... các hộ chăn nuôi đa phần mua từ thương lái tự do, không rõ nguồn gốc, chất lượng tiềm ẩn rủi ro cao. Khi cá nhiễm bệnh thì hậu quả để lại rất nặng nề, bởi cả một vùng mặt nước rộng lớn như hồ Thác Bà không chỉ lây lan cá nuôi lồng, cá nuôi eo ngách mà còn cả nguồn cá tự nhiên.
Việc phát triển nghề nuôi cá, đưa CNTS trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn là một hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, nhất thiết chúng ta phải có nguồn cung cấp giống cá đảm bảo chất lượng và tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm. Sản xuất nông nghiệp nói chung và CNTS nói riêng, chỉ bền vững hiệu quả khi sản xuất theo chuỗi sản phẩm.
Thanh Phúc
Các tin khác
Ngày 11/4, Đại sứ Australia, ông Craig Chittick, và Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione, đã ký thỏa thuận đối tác mới để tiếp tục chung sức hỗ trợ Việt Nam thực hiện chương trình nghị sự về cải cách kinh tế bền vững và bao trùm.
Ngày 11/4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường đã ký ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý vận chuyển, giết mổ động vật bảo đảm an toàn thực phẩm.
YBĐT - Hàng loạt các cửa hàng bán lẻ, đại lý của những hãng thời trang thương hiệu Việt như: Eva de Eva, Chicland, Seven AM, Orchid, Rosy, Bella, IVY Moda, Trali… cùng rất nhiều các hãng thời trang khác đã từng ngày phủ kín thị trường Yên Bái.
YBĐT - Hợp tác xã đã trở thành kênh huy động các nguồn lực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là ở khu vực nông thôn và đóng góp tích cực trong phong trào xây dựng nông thôn mới.