Giá lợn hơi giảm sâu và kéo dài: Người chăn nuôi “kêu cứu”
- Cập nhật: Thứ năm, 27/4/2017 | 6:47:17 AM
YênBái - YBĐT - Từ tết Nguyên đán đến nay, giá lợn hơi giảm mạnh, dao động từ 20.000 đồng – 23.000 đồng/kg, tương đương với 1 kg khoai lang - thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.
Đàn lợn của gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Tâm chưa thể xuất chuồng vì thương lái chẳng đến mua.
|
Giá lợn giảm ở mức kỷ lục và kéo dài suốt từ cuối năm 2016 đến nay đã đẩy nhiều hộ chăn nuôi rơi vào cảnh khó khăn, thậm chí bên bờ vực phá sản.
Lợn hơi ngang giá... khoai lang!
Gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Tâm ở thôn 4, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên trước đây chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ. Năm 2016, sau khi đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan về có chút vốn, chị đã đầu tư 120 triệu đồng xây dựng chuồng trại cùng hơn 50 triệu đồng mua con giống với mong muốn làm giàu từ chăn nuôi lợn. Thế nhưng, ngay lứa lợn đầu tiên này đã “thổi bay” toàn bộ vốn liếng của gia đình.
Dẫn chúng tôi ra thăm chuồng 50 con lợn, lưng dài hàng mét, con nào cũng từ trên 1 tạ chị Tâm ngao ngán: “Toàn bộ số lợn này đều xuất chuồng được rồi, nhưng giá lợn hơi càng ngày càng xuống thấp, đã thế thương lái còn chê ỏng, chê eo. Thú thật, gia đình cũng muốn bán lắm rồi vì có nuôi tiếp cũng không lớn hơn được là bao. Đã vậy, mỗi ngày cũng ngốn hết hơn 1 triệu đồng tiền cám. Nuôi lợn càng to, càng lỗ vốn!”.
Theo chị, nếu bán lợn ở thời điểm này gia đình sẽ lỗ khoảng 1,2 - 1,5 triệu đồng/ con. Để chờ thương lái đến mua, những ngày này, gia đình chị cho ăn cầm chừng bằng thức ăn thừa của một doanh nghiệp gần đó vì số tiền nợ chủ đại lý cám đã lên hơn 140 triệu đồng.
Ông Trần Trọng Tiến ở thôn 8, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên cho biết: “Nhà tôi còn hơn 30 con lợn trên một tạ, gọi mãi mà thương lái chưa đến bắt. Đàn lợn nái sắp đẻ, gia đình có dự định để lại chăn nuôi lợn thịt nhưng với giá lợn bấp bênh như hiện nay cũng không biết tính sao”.
Giá lợn hơi từ cuối năm 2016 đến nay luôn ở mức thấp, thời điểm cao nhất cũng chỉ trên 30.000 đồng/kg. Nhiều chủ hộ chăn nuôi vẫn tiếp tục duy trì đàn lợn với hy vọng giá sẽ khởi sắc. Tuy nhiên, càng đợi, giá càng giảm sâu.
Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay giá lợn hơi chỉ 20.000 đồng/kg - 23.000 đồng/kg, có nơi còn dưới 20.000 đồng/kg, vừa đủ mua 1 kg... khoai lang! Qua tìm hiểu được biết, tại thời điểm tái đàn, giá lợn giống dao động từ 70.000- 100.000 đồng/kg, chi phí cho con giống loại từ 15 kg/con đã lên tới 1.050.000 đồng – 1.500.000 đồng, cộng với chi phí 8 bao thức ăn khoảng 2,2 triệu đồng và công chăm sóc, khấu hao, thuốc thú y… đã đưa giá thành chăn nuôi lợn lên trên 3,3 triệu đồng/tạ.
Với giá 22.000 đồng/kg, mỗi con lợn trên 1 tạ, người chăn nuôi lỗ từ 1,1 -1,5 triệu đồng. Nhiều hộ chăn nuôi đã phải cầm cố nhà cửa để trả tiền mua cám cho các đại lý.
Gia đình bà Lê Thị Chinh ở khu phố 7, thị trấn Cổ Phúc huyện Trấn Yên là một ví dụ. Gia đình bà gắn bó nghề nuôi lợn từ nhiều năm nay. Chăn nuôi lợn nhiều năm qua đã giúp gia đình bà thoát nghèo. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại giá lợn liên tục giảm mạnh đã khiến bà Chinh có nguy cơ mất hết cơ ngơi hiện có, vì toàn bộ gia sản nhà cửa, ruộng vườn, chuồng trại, đại lý cám đã tạm giữ do bà không còn khả năng trả trên 300 triệu đồng tiền mua cám của lứa lợn này.
Vì đâu nên nỗi?
Câu chuyện bắt đầu từ thời điểm tháng 5/2016, do nhu cầu của thị trường nội địa, các thương lái Trung Quốc đã len lỏi tới từng trang trại lợn ở các địa phương tìm bắt lợn.
Đặc biệt, do thị trường Trung Quốc chuộng loại lợn mỡ, do đó, lợn càng to, càng được giá càng dễ bán. Giá lợn hơi lúc đó tăng đột biến từ trên 40.000 đồng/kg lên tới 55.000 đồng/kg. Lợn được giá, nông dân đua nhau tăng đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi. Có hộ còn bỏ nghề về chăn lợn với giấc mơ đổi đời.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2016, tổng đàn lợn trên địa bàn toàn tỉnh đạt gần 550.000 con, tăng 5,9% so với cùng kỳ, sản lượng đạt trên 34.405 tấn. Tuy nhiên, cuối năm 2016 đến nay, Trung Quốc ngừng nhập lợn đã đẩy giá lợn hơi xuống mức thê thảm như hiện nay.
Theo ngành chuyên môn, hàng năm sản lượng thịt lợn tiêu thụ trên địa bàn tỉnh chỉ bằng 20% tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng. Chính việc phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc đã dẫn đến tình trạng này, trong khi thị trường nội địa lại không chuộng loại lợn có trọng lượng lớn, nhiều mỡ, dẫn đến thịt lợn hơi bế tắc đầu ra.
Chưa kể, sau tết Nguyên đán, lượng thịt tiêu thụ trên thị trường giảm so với trước tết nên tư thương càng được dịp ép giá. Nhiều thương lái còn cho biết: nếu thời tiết nắng nóng thì lượng tiêu thụ thịt lợn tiếp tục giảm và giá lợn rất có thể còn tiếp tục lao dốc.
Ông Trần Đức Lâm - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: “Đầu năm 2016, giá thịt lợn hơi ở ngưỡng cao đã thúc đẩy tăng đầu đàn trong nông hộ và nhiều cơ sở chăn nuôi tăng đầu đàn. Việc tăng đầu đàn không có kiểm soát, không chắc chắn về mối tiêu thụ đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến chúng ta gặp khó khăn như hiện nay”.
“Cứu chúng tôi!”
Giá thấp, không có nơi tiêu thụ người chăn nuôi đang “kêu cứu”. Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm cho biết: “Giờ thì rẻ hay đắt cũng phải bán tống, bán tháo đi, nhưng khổ nỗi gọi mãi mà chưa thấy thương lái đến cân. Chúng tôi mong muốn Nhà nước tìm đầu ra cho người chăn nuôi, tìm kiếm thị trường tin cậy, ổn định giúp nông dân”.
Ông Nguyễn Ngọc Luyện - chủ hộ chăn nuôi ở xã Minh Quân cho biết: “Giá lợn hơi thấp như hiện nay, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi. Đặc biệt, với các hộ vay vốn ngân hàng cần có chính sách giãn nợ, mới mong vực dậy được nếu không chỉ có... phá sản!”.
Giá lợn hơi đã giảm xuống 22.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu dừng lại, nhất là trong hè tới, gây thua thiệt lớn cho người chăn nuôi.
Để giải cứu người chăn nuôi, mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ về một số giải pháp nhằm cứu ngành này thoát khỏi tình trạng khủng hoảng về giá và cung vượt cầu.
Trong đó, giải pháp trước mắt là chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh giảm giá thành và giá bán các sản phẩm đầu vào của ngành chăn nuôi, nhất là thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y để đạt trong nhóm các nước có giá thấp nhất trong khu vực; đẩy nhanh các biện pháp đàm phán tìm thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn ở cả khu vực biên mậu và chính ngạch.
Bộ cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng, các tổ chức tín dụng có giải pháp khoanh nợ, giảm nợ cho người chăn nuôi, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thú y. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị có năng lực dự trữ, chế biến thịt tăng cường mua, giết mổ cấp đông thịt lợn, thịt gia cầm trữ cho các tháng hè sắp tới.
Mặt khác, Chính phủ xem xét, dừng các hoạt động tạm nhập tái xuất sản phẩm thịt, phủ tạng từ bên ngoài qua Việt Nam vào thị trường các nước trong khu vực nhằm bảo vệ thị phần cho các sản phẩm chăn nuôi trong nước.
Ông Trần Đức Lâm – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: “Bộ đã chỉ đạo địa phương trước mắt, giảm đầu đàn lợn nái. Bộ cũng đã làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp sản xuất thức ăn lớn để cùng bàn bạc, để các doanh nghiệp hạ giá thành sản phẩm thức ăn chăn nuôi, nhằm gánh bớt khó khăn với người chăn nuôi".
"Chúng tôi cũng khuyến khích người chăn nuôi sử dụng các nguồn nguyên liệu thức ăn tại chỗ sẵn có như là ngô sẵn, khoai và cám để có thể phối trộn nuôi dưỡng bằng nguồn thức ăn tự chế biến để giảm giá thành và có thể duy trì trong lúc giá thịt lợn hơi chưa lên. Về mặt chính sách hỗ trợ, Sở sớm báo cáo và kiến nghị tỉnh chỉ đạo ngân hàng và tổ chức tín dụng có giải pháp khoanh nợ, giảm nợ cho người chăn nuôi” - ông Lâm nói.
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Tại Kỳ họp thứ 5 - Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 diễn ra vào trung tuần tháng 4 đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), cả nước vừa ghi nhận thêm một ổ dịch cúm gia cầm mới H5N1 tại Cao Bằng.
Từ 25/4 - 15/6, Vietjet công bố chương trình độc đáo nhất từ trước đến nay “Hè bay Free, đi thỏa thích” với 1 triệu vé siêu tiết kiệm giá chỉ từ 0 đồng vào khung giờ vàng 12h – 14h.
YBĐT - Tính đến hết năm 2016, xã Yên Hợp (Văn Yên) đã hoàn thành 14 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Để “cán đích” nông thôn mới đúng hẹn trong năm nay, ngay từ đầu năm, cả hệ thống chính trị đã quyết tâm cao cùng sự chung sức đồng lòng của nhân dân để hoàn thành nốt các tiêu chí còn lại.