Hoạt động nghiên cứu ứng, dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội
- Cập nhật: Thứ tư, 17/5/2017 | 10:50:18 AM
YBĐT - Ngày 18 tháng 5 năm 1963, tại Đại hội lần thứ Nhất của Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và phát biểu tại Đại hội. Điều 7, Luật Khoa học-công nghệ (KHCN) năm 2013 đã quy định ngày 18 tháng 5 hằng năm là Ngày KHCN Việt Nam.
Đồng chí Vũ Xuân Hợi - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (thứ 3 bên phải) kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án khoa học "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng thử nghiệm cây măng tây xanh" tại huyện Trấn Yên.
|
Trong những ngày tháng năm lịch sử, khi cả dân tộc Việt Nam cùng hướng về kỷ niệm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954; kỷ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, thì một vinh dự đối với giới trí thức khoa học nói chung và ngành khoa học và công nghệ (KHCN) nói riêng, là vào ngày 18 tháng 5 năm 1963, tại Đại hội lần thứ Nhất của Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và phát biểu tại Đại hội.
Trong bài phát biểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh:"… Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi…".
Câu nói cô đọng và giản dị của Bác đã hàm chứa đầy đủ nhận thức và trách nhiệm của mỗi người chúng ta đối với sự phát triển KHCN nước nhà. Hơn 50 năm qua, các thế hệ tri thức, nhà khoa học đã luôn nỗ lực phấn đấu, không ngừng lao động, sáng tạo để có những thành tựu đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Với lý do đó, tại Điều 7, Luật KHCN năm 2013 đã quy định ngày 18 tháng 5 hằng năm là Ngày KHCN Việt Nam. Năm 2014, là năm đầu tiên công bố Ngày KHCN Việt Nam. Lễ công bố Ngày KHCN Việt Nam đã được tổ chức trọng thể vào sáng ngày 18 tháng 5 năm 2014 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia - Hà Nội. Từ đó, ngày 18 tháng 5 hàng năm, thực sự là ngày hội của những người hoạt động trong lĩnh vực KHCN và toàn xã hội.
Đây là dịp chúng ta tri ân, tôn vinh các nhà khoa học xuất sắc, các công trình KHCN có giá trị đóng góp cho sản xuất và đời sống, biểu dương người dân và thế hệ trẻ đam mê KHCN, các đơn vị ứng dụng KHCN tiên tiến, hiện đại. Đồng thời, cũng là dịp để mỗi người chúng ta, nhà khoa học, người làm khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý nâng cao nhận thức và trách nhiệm thúc đẩy KHCN đóng góp cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Chủ đề của Ngày KHCN Việt Nam năm 2017, được Bộ KHCN đưa ra là: " Khoa học - chìa khóa của tương lai". Để hưởng ứng ngày này, hàng loạt các hoạt động được tổ chức như: tuyên truyền sâu, rộng các thành tựu KHCN; biểu dương, tôn vinh đội ngũ những người làm công tác KHCN; tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các thành tựu KHCN đối với sự phát triển đất nước.
Đồng thời, thông qua những hoạt động tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của KHCN trong sự nghiệp xây dựng đất nước và động viên, khích lệ thế hệ trẻ say mê, tâm huyết trong nghiên cứu khoa học, góp phần xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh. Đồng thời, trong những ngày này, những người làm công tác KHCN có dịp để trao đổi, chia sẻ những kết quả nghiên cứu của mình cũng như những ý tưởng nghiên cứu trong tương lai.
Không giống như một số ngày kỷ niệm khác, Ngày KHCN Việt Nam không chỉ là tôn vinh các nhà khoa học, mà là ngày giới khoa học trong nước trưng bày, trình diễn, giới thiệu những thành tựu nghiên cứu, sáng tạo KHCN của mình với công chúng, nhằm khơi dậy đam mê sáng tạo của cả một dân tộc, nhất là thế hệ trẻ thông qua các hoạt động cụ thể như: giao lưu, nói chuyện, truyền hình trực tiếp các bài giảng của các nhà khoa học hàng đầu với học sinh, sinh viên.
Các phòng thí nghiệm trọng điểm, viện nghiên cứu, trường đại học sẽ mở cửa để đón học sinh, sinh viên cũng như công chúng vào tham quan, xem trình diễn các thành tựu KHCN, để mọi người có thể tiếp cận và hiểu hơn về công việc của những người làm khoa học… Việc tổ chức Ngày KHCN có ý nghĩa to lớn trong việc đưa KHCN tới gần hơn với công chúng, khích lệ sự sáng tạo của các nhà khoa học và đặc biệt là nuôi dưỡng tình yêu khoa học của thế hệ trẻ, góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực KHCN đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.
Với phương châm khoa học phải phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, trong thời gian qua, hoạt động KHCN trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có những chuyển biến tích cực.
Các hoạt động đã bám sát Chương trình hành động số 76-CTr/TU Tỉnh ủy Yên Bái về thực hiện Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và các định hướng phát triển kinh tế, xã hội tỉnh của tỉnh.
Trong đó, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KHCN phục vụ phát triển kinh kế, xã hội của địa phương đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo. Đặc biệt, bám sát chủ trương, định hướng của tỉnh là tăng cường nghiên cứu ứng dụng KHCN trong sản xuất nông, lâm nghiệp, chế biến nông lâm sản theo hướng phát triển bền vững, hiệu quả kinh tế cao; trong đó, tập trung ứng dụng KHCN góp phần thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020 và xây dựng nông thôn mới, tập trung vào 7 nhóm sản phẩm chủ lực đã được xác định.
Thực hiện chủ trương trên, với chức năng của ngành, hàng năm, Sở KHCN đã chủ động, phối hợp với Sở Tài Chính tham mưu giúp UBND tỉnh phân bổ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học cho các đơn vị thông qua việc chủ trì thực hiện các nhiệm vụ KHCN.
Trong đó, xác định hoạt động nghiên cứu, triển khai các nhiệm vụ khoa học là nhiệm vụ trọng tâm, tỉnh đã ưu tiên dành 65 - 70% tổng kinh phí sự nghiệp khoa học cho triển khai thực hiện nhiệm vụ này. Kết quả, trong 3 năm (2014-2016) với nguồn kinh phí còn hạn hẹp, nhưng đã tổ chức triển khai thực hiện được 167 đề tài, dự án (ĐTDA) khoa học (trong đó, lĩnh vực nông lâm nghiệp 105 ĐTDA; lĩnh lực khoa học xã hội 44 ĐTDA; lĩnh vực giao thông, công nghiệp, chế biến, tin học, lĩnh vực khác 14 ĐTDA và 4 Dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi).
Trong 3 năm qua, với trên 60% tổng số ĐTDA đã được thực hiện thuộc lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp, nông dân, nông thôn, có thể khẳng định mức độ ưu tiên, tập trung hoạt động nghiên cứu ứng dụng KHCN đối với lĩnh vực này; những ĐTDA khoa học thuộc lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp đã tập trung chuyển giao, ứng dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất, hỗ trợ nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ, khoa học, kỹ thuật có hiệu quả ra diện rộng, đẩy mạnh đổi mới công nghệ chế biến nông lâm sản, nhằm từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông lâm nghiệp, tăng giá trị, hiệu quả sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Đồng thời, góp phần sớm đạt mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Điển hình như Đề tài: "Ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật nhân giống khoai tây bằng công nghệ khí canh" ; Dự án: "Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh tăng năng suất bưởi Đại Minh và kết hợp nuôi ong lấy mật theo hướng sản xuất bền vững"; Dự án: "Áp dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình trồng thâm canh cây cam sành theo hướng bền vững tại huyện Lục Yên"; Dự án: "Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật lai tạo bê lai giữa bò đực BBB và bò cái nền lai Zebu trên địa bàn tỉnh Yên Bái"... Có được kết quả trên là có sự chỉ đạo sát sao của tỉnh, sự phối hợp của các cấp, các ngành chức năng, các địa phương và các đơn vị chủ trì thực hiện các nhiệm vụ KHCN trong và ngoài tỉnh.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, ứng dụng KHCN phục vụ tốt hơn vào phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian tới, Sở KHCN sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương triển khai một số nội dung sau:
Một là, bám sát vào định hướng phát triển kinh tế, xã hội, tiềm năng, lợi thế của địa phương, chỉ đạo của tỉnh, đẩy mạnh công tác tham mưu, đề xuất, đặt hàng thực hiện những ĐTDA khoa học phục vụ các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm của tỉnh, của địa phương; phối hợp triển khai đưa các thành tựu KHCN mới và kết quả nghiên cứu có triển vọng ứng dụng vào sản xuất và đời sống góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Hai là, phối hợp chặt chẽ giữa Sở KHCN, các ngành liên quan với địa phương trong công tác quản lý các nhiệm vụ KHCN từ khâu đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ, đến việc tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì, quá trình thực hiện nhiệm vụ KHCN, đến khi nghiệm thu kết thúc. Thông qua sự phối hợp đó, các ngành liên quan, các địa phương có sự tham gia ngay từ đầu từ khi đề xuất ý tưởng đến khi kết thúc nhiệm vụ đảm bảo sự khách quan; đồng thời, có ý kiến để kịp thời điều chỉnh mục tiêu, nội dung nhiệm vụ cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của ngành, địa phương.
Ba là, Phối kết hợp với các ngành, các cấp trong tỉnh trong việc xây dựng và lồng ghép các chương trình nghiên cứu KHCN với chương trình phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn, đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và nhân rộng kết quả các nhiệm vụ kết thúc có kết quả. Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ nhân rộng kết quả các nhiệm vụ có triển vọng, nhất là trong lĩnh vực nông lâm nghiệp.
Vũ Xuân Hợi - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Yên Bái
Các tin khác
YBĐT - Từ ngày 3/4/2017 đến ngày 5/5/2017, Đoàn đã tiến hành thanh tra 45 cơ sở sản xuất, kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng trên địa bàn 7/9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Yên Bái.
YBĐT - Tích cực đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ hội viên vay vốn, học nghề, tư vấn việc làm, chuyển giao khoa học, kỹ thuật... là hoạt động thường xuyên của Hội Nông dân huyện Lục Yên.
Viettel, VNPT-VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile và Gtel lần đầu tiên ký cam kết chặn tin nhắn rác...
YBĐT - Tăng cường trách nhiệm phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác quản lý thu thuế, phí và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (KTKS) đối với hoạt động KTKS trên địa bàn tỉnh Yên Bái nhằm đảm bảo thi hành có hiệu quả Luật Quản lý thuế, các luật có liên quan và chính sách, pháp luật về thuế, thu tiền cấp quyền KTKS hiện hành, đảm bảo thu đúng, thu đủ, kịp thời nộp vào ngân sách Nhà nước (NSNN).