Yên Bái: Bàn phương án sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp làm thủy lợi
- Cập nhật: Thứ năm, 18/5/2017 | 5:20:04 PM
YênBái - YBĐT - Chiều 18/5, đồng chí Nguyễn Chiến Thắng – Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp tỉnh chủ trì Hội nghị đánh giá thực trạng mô hình hoạt động, tổ chức sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hoạt động trong lĩnh vực quản lý, khai thác công trình thủy lợi thuộc UBND tỉnh quản lý và phương án sắp xếp các doanh nghiệp này trong giai đoạn 2017 -2020.
Đồng chí Nguyễn Chiến Thắng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
|
Tham dự Hội nghị còn có đại diện Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Trung ương, Vụ Đổi mới doanh nghiệp (Văn phòng Chính phủ), các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính.
Hiện tỉnh Yên Bái còn 3 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực quản lý, khai thác công trình thủy lợi, gồm: Công ty TNHH một thành viên Nghĩa Văn, Công ty TNHH một thành viên Tân Phú và Công ty TNHH một thành viên Đại Lợi. Đến hết năm 2016, các doanh nghiệp trên quản lý trên 800 công trình, phục vụ tưới tiêu cho diện tích 55.603 ha.
Theo báo cáo, trong 3 năm (từ 2014 – 2016), doanh thu các doanh nghiệp đạt 90,2 tỷ đồng, trong đó nguồn thu thủy lợi phí được Nhà nước cấp bù trên 63,8 tỷ đồng; trung bình mỗi năm các doanh nghiệp đóng góp ngân sách khoảng 1,2 tỷ đồng.
Theo đánh giá, các DNNN hoạt động trong lĩnh vực thủy lợi đã làm tốt công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, cung cấp nước kịp thời, đầy đủ cho sản xuất nông nghiệp, góp phần ổn định sản lượng sản xuất nông nghiệp, ổn định an ninh lương thực và phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
Theo lộ trình giai đoạn 2016 – 2020, các DNNN thuộc lĩnh vực cung ứng dịch vụ thủy nông sẽ thực hiện cổ phần hóa nhằm nâng cao nguồn lực đầu tư, nâng cấp hệ thống thủy nông, nâng cao chất lượng dịch vụ cung ứng thủy nông.
Tuy nhiên, việc cổ phần hóa các doanh nghiệp này còn những khó khăn nhất định bởi Yên Bái vẫn đang được Nhà nước thực hiện chính sách miễn thu thủy lợi phí, nguồn kinh phí thực hiện chi trả cho các hoạt động dịch vụ cung ứng thủy lợi trên địa bàn vẫn đang được Nhà nước hỗ trợ 100%. Do đó, khi thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp này sẽ không trực tiếp được nhận khoản kinh phí của Nhà nước cấp nữa thì việc thu khoản phí này từ người dân là rất khó khăn.
Việc xác định giá trị doanh nghiệp đối với tài sản là các công trình thủy lợi cũng sẽ gặp nhiều khó khăn vì các công trình đều được đầu tư bằng vốn của Nhà nước và nhân dân đóng góp. Các công ty thủy lợi có giá trị tài sản lớn trong khi doanh thu ít biến động, khả năng lợi nhuận không cao, vì vậy khó thu hút các nhà đầu tư tham gia mua cổ phần góp vốn.
Trước những khó khăn kể trên, các doanh nghiệp đều đề nghị Nhà nước giữ nguyên mô hình hoạt động là công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn như hiện nay.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng đề nghị lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Trung ương, các bộ, ngành tiếp tục có hướng dẫn tỉnh Yên Bái nói riêng và các tỉnh, thành trong cả nước nói chung liên quan đến việc hoàn thiện cơ chế hoạt động, các quy định đối với loại hình doanh nghiệp này và quan tâm đến công tác đổi mới, sắp xếp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Trước khi Chính phủ có chủ trương chung về chuyển đổi hình thức hoặc sắp xếp, hoặc tái cơ cấu doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy lợi, thủy nông, đồng chí yêu cầu 3 doanh nghiệp (Công ty TNHH MTV Nghĩa Văn, Công ty TNHH MTV Tân Phú và Công ty TNHH MTV Đại Lợi) tự nghiên cứu tái cơ cấu doanh nghiệp mình, trong đó tập trung vào 6 lĩnh vực: tái cơ cấu tổ chức bộ máy; tái cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh; tái cơ cấu tài chính; tái cơ cấu đầu tư, mua sắm trang thiết bị phù hợp ngành nghề lĩnh vực của mình; tái cơ cấu về khoa học, công nghệ; tái cơ cấu về công nghệ thông tin, công nghệ quản trị doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp này phải báo cáo UBND tỉnh những phương án tái cơ cấu của đơn vị mình và những hiệu quả sẽ đạt được của việc tái cơ cấu trong quý III/2017.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp tỉnh sẽ quyết liệt thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ và hướng dẫn của bộ, ngành.
Văn Thông
Các tin khác
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu các địa phương có diện tích rừng tự nhiên giảm trong năm 2016, cần làm rõ nguyên nhân, xem xét trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Chỉ thị 20/CT-TTg yêu cầu chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.
Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chủ trì, phối hợp với các cơ quan rà soát lại việc bố trí các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ trên toàn quốc.
Ngày 17/5, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (GIC/AHK Việt Nam) cho biết: Theo phán quyết mới nhất của Tòa án châu Âu ngày 16/05/2017, Các Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và các quốc gia, sẽ chỉ được phê chuẩn và đi vào hiệu lực khi có sự đồng ý của Quốc hội mỗi nước thuộc Liên minh này.