Phạt tiền tỷ nhà mạng không quản lý thông tin thuê bao trả trước

  • Cập nhật: Thứ hai, 22/5/2017 | 9:26:51 AM

Theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP, doanh nghiệp viễn thông sẽ hoàn toàn phải chịu trách nhiệm về việc thông tin thuê bao di động không chính xác. Số tiền phạt cao nhất lên tới 200 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế doanh nghiệp có thể mất hàng chục, thậm chí là hàng trăm tỷ đồng.

Theo nghị định 49, các đại lý bán lẻ sẽ không được bán sim trực tiếp nữa.
Theo nghị định 49, các đại lý bán lẻ sẽ không được bán sim trực tiếp nữa.

Ngày 24/4 vừa qua, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 49/2017/NĐ-CP (Nghị định 49) nhằm sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật viễn thông và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Nghị định 49 đưa ra nhiều điểm sửa đổi, bổ sung về việc đăng ký, lưu giữ thông tin thuê bao di động nhằm hình thành một cơ sở dữ liệu chính xác, chi tiết về thuê bao, phục vụ việc đảm bảo an ninh quốc gia, giảm thiểu tình trạng tin rác, các cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo.

Để làm được điều đó, Nghị định 49 gia tăng thêm yêu cầu và trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc thu thập thông tin thuê bao di động. Nghị định 49 chỉ rõ doanh nghiệp viễn thông hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin thuê bao. Nếu các thông tin thuê bao bị phát hiện chưa tuân thủ các quy định mới trong Nghị định, người đứng đầu doanh nghiệp có thể sẽ phải chịu phạt số tiền tới 100 triệu đồng, doanh nghiệp có thể phải chịu phạt tới 200 triệu đồng.

Tuy nhiên, số tiền phạt thực tế thậm chí có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng bởi ngoài các khoản phạt nêu trên, doanh nghiệp viễn thông còn bị buộc phải nộp phạt để khắc phục hậu quả. Cụ thể theo khoản 12 điều 20, doanh nghiệp viễn thông sẽ phải nộp lại tổng số tiền tương đương tổng số tiền đã được nạp vào tài khoản chính của SIM vi phạm (đối với các thuê bao bắt đầu được cung cấp dịch vụ từ sau ngày Nghị định 49 chính thức có hiệu lực) và số tiền đã được nạp vào tài khoản chính của các sim vi phạm từ ngày 24/4/2018 (đối với các thuê bao hoạt động trước thời điểm nghị định có hiệu lực). Trong trường hợp không thể xác định chính xác, số tiền phải nộp lại được áp dụng theo công thức: số tiền phạt = 100.000 đồng x số tháng vi phạm/SIM.

Thử một phép tính đơn giản, giả sử số tiền nhà mạng nạp vào SIM vi phạm trung bình là 100.000 đ/SIM. Theo số liệu từ Cục Viễn thông, tính tới hết tháng 2/2017, Việt Nam đã có 121,6 triệu thuê bao di động. Chỉ cần 1% thuê bao thông tin không chính xác thì các nhà mạng đã phải nộp lại số tiền ước tính là 121,6 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp viễn thông sẽ phải cập nhật lại thông tin của hơn 121,6 triệu thuê bao di động trên cả nước. Các thuê bao thông tin đã chính xác cũng phải cập nhật bởi theo nghị định 49 thông tin thuê bao sẽ phải bổ sung thêm một số trường dữ liệu mới, ví dụ như ảnh người đến quầy giao dịch làm thủ tục… Đây là một khối lượng công việc khổng lồ và việc thực hiện cũng rất khó khăn và các doanh nghiệp viễn thông sẽ phải hoàn tất việc này trước ngày 24/4/2018 nếu không muốn bị phạt.

Đại diện VNPT cho biết sau khi được phổ biến Nghị định 49, doanh nghiệp này đã nhanh chóng bắt tay vào xây dựng kế hoạch thực hiện theo các quy định mới. VNPT xác định rõ việc thực hiện nghiêm túc các quy định của Nghị định 49 không chỉ để tránh bị phạt, mà quan trọng hơn là để hình thành một cơ sở dữ liệu chính xác, chi tiết về thuê bao bởi đây là kho dữ liệu cực kỳ có giá trị, là nền tảng để phát triển các dịch vụ mới trong tương lai.

Chính vì vậy, VNPT quyết tâm sẽ hoàn thiện cơ sở dữ liệu về thuê bao sớm hơn thời hạn Nghị định yêu cầu. Dự kiến VNPT sẽ tiếp tục duy trì việc phê duyệt, hậu kiểm thông tin thuê bao của tất cả các thuê bao phát triển mới, các thuê bao đăng ký lại trên toàn bộ các kênh phát triển thuê bao hiện có như đã thực hiện từ cuối năm 2016 tới nay. Đồng thời đã nhanh chóng bổ sung các quy trình đăng ký thông tin thuê bao tại tất cả các điểm giao dịch trên cả nước; các tính năng cho tất cả các hệ thống kỹ thuật hỗ trợ hiện có cũng như phát triển các công cụ mới để đáp ứng các yêu cầu trong Nghị định 49.

(Theo VnMedia)

Các tin khác

Ngay trước khi kỳ họp thứ 3 Quốc hội XIV khai mạc, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về kết quả kiểm toán năm 2016 vừa được gửi đến Quốc hội.

Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam về tháo gỡ khó khăn đối với khách hàng vay vốn chăn nuôi lợn, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) vừa yêu cầu giám đốc NHCSXH các tỉnh, thành phố về việc tháo gỡ khó khăn đối với khách hàng vay vốn chăn nuôi lợn.

Các hộ dân ở thị trấn Nông trường Trần Phú thu hoạch cam.

YBĐT - Diện tích cam quýt của huyện có trên 1.300 ha, trong đó đang cho thu hoạch là 800 ha. Việc phát triển cam được xem là một giải pháp chuyển dịch cơ cấu cây trồng.

Công nhân Công ty cổ phần Xây dựng đường bộ I tỉnh Yên Bái xử lý điểm sạt lở ta-luy dương khu vực đèo Khau Phạ trong mùa mưa bão năm 2016.

YBĐT - Năm 2017, huyện Kế hoạch phòng chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn (PCTT - TKCN) được xây dựng cụ thể, chi tiết, đặc biệt xác định các khu vực trọng điểm dễ xảy ra thiên tai.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục