Tiếp tục chủ động phòng trừ rầy nâu

  • Cập nhật: Thứ năm, 25/5/2017 | 8:01:57 AM

YBĐT - Đến thời điểm cuối tháng 5, toàn tỉnh đã có hơn 878 ha lúa xuân bị nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng. Nếu không có biện pháp phòng chống kịp thời, dịch sẽ còn tiếp tục lan rộng và có nhiều khả năng gây cháy rầy trên diện rộng, ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa xuân. Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp, các địa phương đang tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp tích cực để kịp thời ngăn chặn sâu bệnh.

Gần tháng nay, chị Đặng Thị Tâm ở xã Minh Quân, huyện Trấn Yên thường xuyên thăm đồng để phát hiện sâu bệnh hại lúa. Chị Tâm cho biết: “Thời gian này, trên đồng ruộng sâu bệnh đang phát sinh mạnh, chủ yếu là bệnh khô vằn và rầy nâu. Hiện, gia đình đang tập trung phun thuốc chống rầy để đảm bảo năng suất lúa”.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ xuân năm nay toàn tỉnh đưa vào gieo cấy trên 19.377 ha lúa xuân với cơ cấu giống 60% lúa lai còn lại là lúa thuần chất lượng cao. Hiện nay, các trà lúa đang trong giai đoạn ngậm sữa - chắc xanh - đỏ đuôi và một số diện tích lúa xuân sớm đã cho thu hoạch. Tuy nhiên, do thời tiết mưa, nắng xen kẽ nên đã xuất hiện sâu bệnh hại lúa.

 Đến thời điểm cuối tháng 5, toàn tỉnh đã có 1.647 ha lúa bị nhiễm bệnh khô vằn, trong đó, diện tích nhiễm nhẹ 1.028,5 ha,  nặng 134,8 ha. Ngoài ra, đã có trên 417,2 ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, bệnh khô vằn không gây mất trắng mà chỉ ảnh hưởng đến năng suất lúa.

Điều đáng lo ngại là, ở nhiều địa phương, rầy nâu, rầy lưng trắng đã xuất hiện và gây hại. Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, tính đến ngày 17/5 toàn tỉnh đã có 878 ha lúa nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng với mật độ trung bình 500 - 600 con/m2, nơi cao 3.500 con/m2.

Tại huyện Văn Yên, từ cuối tháng 4, trên các giống lúa BC15, Ji02, Chiêm hương, nếp đã nhiễm đạo ôn với diện tích 147 ha. Ngoài ra, có 94 ha lúa bị rầy nâu tấn công với mật độ trung bình 600 con/m2; mật độ cao, có nơi trên 1.650 con/m2, nguy cơ gây cháy rầy cục bộ ở một số nơi, đặc biệt là ở các xã vùng cao của huyện.

Ông Đỗ Quang Trung - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Yên cho biết: “Để chủ động phòng trừ có hiệu quả, ngăn chặn kịp thời sâu bệnh phá hại, bảo vệ năng suất lúa xuân, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện tăng cường cán bộ kỹ thuật kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc diệt trừ một cách hiệu quả; đồng thời, trực để theo dõi tình hình dịch và có phương án xử lý kịp thời. Huyện tiếp tục chỉ đạo quyết liệt cho nông dân tập trung phun trừ rầy. Từ nay đến cuối vụ, rầy hại lúa vẫn phát triển khá mạnh, vì vậy, trọng tâm là phòng chống loại dịch này”.

Trước diễn biến tình hình sâu bệnh như trên, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã chỉ đạo các trạm bảo vệ thực vật thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật điều tra đồng ruộng để thống kê diện tích nhiễm bệnh, dự báo chính xác, ra thông báo chỉ đạo kịp thời. Đồng thời, tham mưu với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có chỉ đạo kịp thời trong việc phòng chống dịch bệnh. Tăng cường cán bộ kỹ thuật thường xuyên thăm đồng, phối hợp với nông dân phát hiện sâu bệnh kịp thời và hướng dẫn bà con các biện pháp phòng trừ.

Mặt khác, Chi cục phối hợp với các cơ quan liên quan mở các lớp tập huấn, hướng dẫn sử dụng thuốc đặc trị và biện pháp phòng trừ sâu bệnh gây hại cây trồng nói chung và cây lúa nói riêng; tăng cường hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả; khi sâu bệnh phát sinh, lập tức dập, diệt không để lây lan ra diện rộng.

Theo dự báo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, thời gian tới, điều kiện thời tiết còn diễn biến rất phức tạp, nắng, mưa xen kẽ sẽ là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh gây hại mạnh và có khả năng lây lan trên diện rộng.

Để chủ động phòng chống sâu bệnh hại lúa, bảo đảm năng suất lúa mùa, Chi cục đề nghị các trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, các huyện, thị, thành phố tăng cường kiểm tra đồng ruộng, nắm chắc diễn biến của từng đối tượng gây hại để có biện pháp xử lý kịp thời; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nông dân tự kiểm tra, phát hiện rầy nâu, rầy lưng trắng và các dịch hại khác như: sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá… để phòng trừ kịp thời; tăng cường kiểm tra việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật của các đại lý trên địa bàn để kịp thời ngăn chặn việc tăng giá, thuốc giả, thuốc kém phẩm chất.

Văn Thông

Các tin khác

YBĐT - Hưởng ứng “Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm”, trong tháng 5/2017, lực lượng chức năng ngành y tế Yên Bái đã tiến hành thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm tại 35 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Nông dân xã Phù Nham thu hoạch lúa đông xuân.

YBĐT - Vụ đông xuân năm 2016 – 2017, toàn huyện Văn Chấn gieo cấy trên 4.100 ha lúa nước với cơ cấu 42% diện tích gieo cấy giống lúa lai, 58% diện tích gieo cấy giống lúa thuần.

Đại diện ADB và TPBank tại lễ ký kết.

Chương trình Tài trợ thương mại của ADB nhằm mục tiêu giúp Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng cơ hội thương mại, nâng cao tính cạnh tranh, và thúc đẩy tăng trưởng đồng đều với thương mại làm động lực.

Phối cảnh dự án nhiệt điện Thái Bình 1.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, vào lúc 18 giờ chiều 23/5, tổ máy số 1 Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1 đã phát điện thành công vào hệ thống điện quốc gia. Đây là mốc tiến độ có ý nghĩa quan trọng trong toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng của công trình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục