Thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi
- Cập nhật: Thứ tư, 2/8/2017 | 7:06:10 AM
Chiều 1-8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành, địa phương về thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp.
|
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cùng dự.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch- Đầu tư (KH-ĐT), kể từ khi nối lại quan hệ với cộng đồng tài trợ quốc tế vào năm 1993 đến tháng 6-2017, Việt Nam đã ký kết các khoản vay và viện trợ không hoàn lại có giá trị khoảng 82,61 tỷ USD (trong đó vốn vay 74,92 tỷ USD).
Tính đến hết tháng 6-2017, có 810 chương trình, dự án đang triển khai với số vốn ODA và vốn vay ưu đãi còn lại chưa giải ngân khoảng 21,167 tỷ USD. Số vốn này sẽ giải ngân theo tiến độ hiệp định từ nay đến hết năm 2026, tuy nhiên, sẽ tập trung khối lượng lớn vào giai đoạn 2017 - 2020 là 17,485 tỷ USD.
Để bảo đảm giải ngân số vốn còn lại đã ký kết, trong giai đoạn này trung bình mỗi năm cần giải ngân được 4,37 tỷ USD. Năm 2017, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi có khả năng giải ngân khoảng 4,6 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm, đã giải ngân được 1,5 tỷ USD, bằng 32,6% dự kiến cả năm.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vốn ODA đã có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước, phần lớn đã được sử dụng có hiệu quả. Thủ tướng nêu rõ tinh thần phải bảo đảm giải ngân được hết số vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã ký kết theo tiến độ cả giai đoạn 2017 - 2020, đặc biệt là năm 2017.
Trước việc 6 tháng đầu năm 2017 mới giải ngân được 1,5 tỷ USD, đạt 32,6%, Thủ tướng nhấn mạnh trong năm 2017, với những dự án chưa giải ngân được, chưa làm thủ tục thì phải điều chuyển vốn để làm sao giải ngân hết số vốn kế hoạch đã thông qua.
Từng chủ dự án phải xem lại năng lực, trách nhiệm, phải tự rút lui khi thấy khả năng không thể triển khai được dự án hoặc tìm được nguồn khác mà không cần đến vốn vay ODA.
Thủ tướng cho rằng bên cạnh vướng mắc cố hữu như năng lực nhà thầu, giải phóng mặt bằng, chỉ đạo điều hành thì thay đổi dự toán là vấn đề cần quan tâm, thủ tục đầu tư xây dựng còn nhiều vướng mắc.
Để khắc phục những vướng mắc này, cập nhật định hướng thu hút vốn ODA và vốn vay ưu đãi phù hợp với tình hình mới, Thủ tướng chỉ đạo thực hiện một số giải pháp.
Cụ thể, Bộ KH-ĐT xem lại từng dự án, ưu tiên các dự án hoàn thành trong năm 2017. Ngành, đơn vị nào không làm được thì báo cáo để điều chỉnh. “Không làm được thì thôi, đừng làm. Không làm được thì sẽ cắt vốn chứ không thể cứ do dự mãi được”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bộ KH-ĐT lập danh sách cần giải ngân trong năm 2017 mà thiếu vốn, không thuộc phạm vi của Chính phủ để báo cáo Thường vụ Quốc hội bổ sung các danh mục và cân đối bổ sung vốn ngoại trong kỳ họp Quốc hội sớm nhất.
“Tất cả dự án vượt dự toán đều phải thẩm tra lại để có biện pháp xử lý, đặc biệt không để kéo dài”, Thủ tướng nói và giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan làm việc với các nhà tài trợ để sửa đổi các điều kiện vay vốn tại các hiệp định theo hướng nâng cao tính cạnh tranh trong việc lựa chọn nhà thầu tránh để tình trạng chỉ định các nhà thầu không đủ năng lực như trường hợp dự án đường sắt tuyến Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) hay nhà thầu dự án nước Hưng Yên.
Thủ tướng cũng chỉ đạo sửa đổi cơ chế, chính sách, trong đó có việc nghiên cứu đề xuất bổ sung vào Luật Đầu tư công về quy trình riêng áp dụng đối với dự án ODA và vay ưu đãi nhằm tinh giản thủ tục, giảm bớt chi phí phát sinh do quy định gây ra.
Thủ tướng giao Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi rà soát lại từng dự án để xử lý cụ thể sau khi nghe Bộ KH-ĐT báo cáo; có thể thành lập một số đoàn kiểm tra để xử lý; kịp thời báo cáo Thủ tướng những biện pháp mạnh mẽ, đặc biệt đối với một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân bằng 0…
(Theo SGGP)
Các tin khác
YBĐT - Những năm qua, sản phẩm quả sơn tra, thảo quả của huyện Mù Cang Chải được tiêu thụ nhiều trên thị trường trong và ngoài tỉnh nên nhân dân đã phát triển trồng hai loại cây này. Hiện, toàn huyện có khoảng 2.442 ha cây sơn tra, 1.500 ha cây thảo quả.
YBĐT - 540 ngày là quãng thời gian không dài nhưng đã bước đầu đánh giá những cái được, cái chưa được, những khó khăn, hạn chế về thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở tỉnh Yên Bái.
Dự án do tổ chức W.P.Schmitz - Stiftung tài trợ, góp phần bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc vừa ký ban hành Chỉ thị yêu cầu chấn chỉnh hoạt động kiểm toán tránh chồng chéo, trùng lắp.