Nuôi dê trên đảo hồ Thác Bà
- Cập nhật: Thứ năm, 3/8/2017 | 3:08:56 PM
YBĐT - Năm ngoái thu về 200 triệu đồng tiền bán dê và nay đang còn hơn 100 con dê nuôi trên đảo hồ Thác Bà. Đó là thành quả của ông Đinh Xuân Ngọ ở thôn Núi Nì, xã Mông Sơn, huyện Yên Bình.
Vợ ông Đinh Xuân Ngọ cho đàn dê ăn muối hàng ngày.
|
Năm 2010, ông Đinh Xuân Ngọ ở thôn Núi Nì, xã Mông Sơn, huyện Yên Bình bắt đầu nuôi dê trên đảo hồ Thác Bà. Ông Ngọ cho biết: “Sức khỏe giảm sút do ảnh hưởng của một vụ tai nạn, tôi cũng chưa biết làm gì cho phù hợp. Chợt nhớ tới những người dân nuôi dê từng biết trước đây ở xã Xuân Lai và Cảm Ân, tôi liền nảy ý định nuôi dê”.
Nghĩ là làm, ông đã đầu tư 34 triệu đồng mua 15 con dê về nuôi trên đảo hồ Thác Bà. Diện tích đảo hồ trồng 6 ha bạch đàn này là gia đình ông mượn đất canh tác, chăn nuôi từ lâu. Dê ông mua thuộc giống dê ta, nạc thịt, nhiều đạm. Thực tế ông thấy nuôi dê rẻ hơn, dễ hơn nuôi trâu, bò do dê chỉ ăn cỏ, lá cây và lượng cỏ tiêu thụ cũng ít hơn.
Việc nuôi dê hoàn toàn tự nhiên bởi ngày ngày dê lên đồi ăn cỏ, ông không bổ sung thức ăn gì thêm. Mỗi ngày, bình quân một con dê ăn khoảng 2 - 3 kg cỏ tùy sức. Buổi sáng, mở cửa chuồng là dê lên đồi tìm cỏ ăn suốt cả ngày, tầm 4 - 5 giờ chiều lại tự động về chuồng.
Vợ ông Ngọ giải thích: “Đàn dê tự động theo nhau về chuồng mỗi chiều là mình cho chúng ăn muối hàng ngày”.
Cũng theo vợ ông Ngọ cho biết, ngày nắng, đàn dê về chuồng đúng giờ đó nhưng cứ hôm sau trời mưa to thì đàn dê cố ăn thêm đến tận tối mới về.
Đàn dê thường bị bệnh đau bụng và lở móng. Ông Ngọ bảo, nếu dê bị đau bụng thì cho uống thuốc Cờ - lo - xít; nếu dê bị lở móng thì dùng quả khế, quả chanh xát vào chỗ móng lở hoặc bôi dung dịch Xanh Mê - ti - len để tránh lây sang móng khác. Giống dê ta mỗi năm có thể chửa 2 lứa, thời gian chửa đến lúc đẻ kéo dài chừng 6 tháng. Lần đầu tiên, dê chỉ đẻ 1 con, những lứa tiếp theo có thể là 2 - 3 con. Dê toàn tự đẻ trên đồi gò, khoảng dăm ngày sau dê mẹ dẫn dê con về chuồng. Dê con mới sinh nặng 2 kg, một tháng tăng độ 4 kg, nuôi độ 4 - 5 tháng thì có thể xuất bán.
Trọng lượng lớn nhất của dê đạt mức 40 kg/con nhưng theo kinh nghiệm của những người mua, dê thịt ngon nhất là ở mức cân nặng từ 17 - 20 kg. Thịt dê không được nhiều, chỉ chiếm tỷ lệ 40% trọng lượng cơ thể.
Theo ông Ngọ, việc tiêu thụ dê hiện tại ổn định, thương lái thu mua ra thành phố Yên Bái, mang về Hà Nội, Hải Phòng rồi thỉnh thoảng cũng có người mua lẻ với mức giá dao động từ 100 - 140 ngàn đồng/kg. Năm ngoái, nhà ông thu về 200 triệu đồng tiền bán dê và nay đang còn hơn 100 con dê. Ông Ngọ cho biết cũng không có ý định mở rộng quy mô mà chỉ duy trì như thế này là vừa với diện tích cỏ sẵn có.
Nguyễn Thơm
Các tin khác
Trong Công điện số 07/CĐ-UBND ngày 3/8/2017, UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu các sở, ngành thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động ứng phó với với mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.
YBĐT - Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 và Nghị quyết chuyên đề số 06-NQ/HU, ngày 20/4/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Văn Yên về phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua, huyện Văn Yên tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu và phát triển ngành trồng trọt, chăn nuôi gắn với phát huy lợi thế của từng địa phương.
YBĐT - Để chủ động trong công tác Phòng chống thiên tai -Tìm kiếm cứu nạn (PCTT- TKCN) năm 2017, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN thành phố Yên Bái đã xây dựng kế hoạch với các phương án cụ thể; đảm bảo sát với tình hình thực tế của địa phương theo phương châm "4 tại chỗ". Trong đó, chú trọng tuyên truyền, chuẩn bị về lực lượng, phương tiện; tổ chức luyện tập các phương án sẵn sàng ứng phó với sạt lở ta luy trong mùa mưa.
YBĐT - Trong 6 tháng đầu năm 2017, các lực lượng chức năng đã ngăn chặn, xử lý vi phạm 84 vụ về hàng lậu, hàng cấm.