Trong vài năm trở lại đây, đời sống kinh tế - xã hội huyện Trấn Yên có những bước phát triển vượt bậc. Đời sống vật chất, tinh thần người dân đã được nâng lên rõ rệt và huyện đang phấn đấu đến năm 2020 trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của Yên Bái.
Có được kết quả đó là sự kết tinh từ chuyển đổi mạnh mẽ cây trồng vật nuôi, nhất là chuyển đổi từ các loại cây lâm nghiệp kém hiệu quả sang các loại cây có giá trị kinh tế cao gắn với chế biến. Là một huyện có thế mạnh về lâm nghiệp, nhưng do thiếu định hướng cùng với khó khăn từ cơ chế, vốn, kỹ thuật... người dân phát triển hàng loạt các loại cây trồng như chè, bồ đề, keo, bạch đàn, trẩu, sở, thầu dầu ve, tre, luồng...
Giống thì nhiều nhưng chất lượng thì kém, trồng không theo quy hoạch, không gắn với chế biến và tiêu thụ dẫn đến hiệu quả kinh tế cao. Trước thực tế đó và những nghiên cứu, tìm tòi từ thực tiễn Trấn Yên đã chọn cây tre măng Bát độ, quế, dâu tằm, chè chất lượng và cây ăn quả để làm cây chủ lực trong phát triển kinh tế.
Song song với đó, huyện đã có những quy hoạch cụ thể và có những cơ chế về chính sách, đất đai, thuế... thúc đẩy sản xuất. Từ những héc-ta măng tre Bát độ đầu tiên được trồng năm 2003 đến nay huyện đã hình thành được vùng măng tre trên 2.500 ha. Bình quân mỗi ha một năm cho thu nhập 35 - 40 triệu đồng/ha, cao gấp 2 -2,5 lần so với các loại cây lâm nghiệp khác.
Cây tre măng Bát độ được phát triển chính là kết quả của sự liên kết "4 nhà” (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp) trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hình thành được chuỗi giá trị sản xuất, tính bền vững cao, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo ở các xã vùng cao như Kiên Thành và Hồng Ca.
Trồng măng tre Bát độ không chỉ tạo việc làm, thu nhập cho người dân mà còn góp phần chống xói mòn, bảo vệ môi trường sinh thái. Từ thành công đó, nhất là thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện đã triển khai thành công nhiều loại cây trồng tạo vùng hàng hóa và gắn với chế biến.
Đối với các xã phía Tây của huyện như: Hưng Khánh, Hồng Ca, Hưng Thịnh... tập trung phát triển cây ăn quả có múi, nhờ vậy, đến nay đã có trên 500 ha, sản lượng đạt trên 700 tấn, thu nhập trung bình đạt 130 - 150 triệu đồng/ha. Hình thành phát triển vùng quế gần 14.000 ha, tập trung tại Tân Đồng, Kiên Thành, Y Can, Hồng Ca, mỗi năm khai thác 300 ha, sản lượng đạt trên 3.000 tấn.
Đối với cây chè, những diện tích già cỗi được trồng cải tạo thay thế bằng giống chất lượng cao đáp ứng cho chế biến chè xuất khẩu. Một phần diện tích không hiệu quả, phù hợp chuyển trồng cây lâm nghiệp, cây nguyên liệu giấy. Hiện, toàn huyện có 900 ha chè chất lượng cao (323 ha giống chè lai, 177 ha giống chè nhập nội) năng suất bình quân đạt 9 tấn/ha, sản lượng đạt trên 8 ngàn tấn.
Trong chuyển đổi cây trồng hiệu quả không thể không nói đến cây dâu tằm, bằng sự liên kết và chỉ đạo sát sao từ một loại cây trồng hiệu quả thấp và manh mún, nay toàn huyện đã phát triển thành vùng sản xuất hàng hoá gắn với chế biến và tiêu thụ trên 260 ha tập trung ở Tân Đồng, Việt Thành, Báo Đáp. Sản lượng kén năm 2016 đạt 360 tấn bán thu về cho người dân 36 tỷ đồng, dự kiến năm 2017 sản lượng đạt trên 400 tấn, giá trị thu về trên 40 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 220 triệu đồng/ha.
Việc chuyển đổi các loại cây trồng ở Trấn Yên không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà nó đánh dấu một tư duy mới trong sản xuất nông lâm nghiệp. Từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất quy mô, hàng hóa, sản xuất theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp đảm bảo phát triển bền vững, phát huy được thế mạnh của địa phương. Những thành công trong chuyển đổi cây trồng, chuyển sản xuất theo hướng hàng hóa và thị trường là tiền đề để Trấn Yên xây dựng huyện nông thôn mới vào năm 2020.
Ngọc Trúc