Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, trên địa bàn huyện Trấn Yên có mưa to kéo dài, kết hợp lũ thượng nguồn làm mực nước sông Hồng lên báo động cấp III. Nước các suối dâng cao, gây lũ ống, lũ quét tại nhiều nơi, làm ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân trên địa bàn.
Nga Quán là một trong những xã có diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nhiều nhất và đến ngày 3/8 diện tích bị ngập nặng mới rút hết nước. Ngay sau khi nước rút, lãnh đạo xã trực tiếp đi kiểm tra, thăm đồng và chỉ đạo khắc phục hậu quả.
Cùng với đó, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân ổn định cuộc sống, chủ động và nhanh chóng khôi phục sản xuất. Thôn Hồng Hà là một trong bốn thôn có thiệt hại nặng nhất trong đợt mưa vừa qua, với trên 8 ha lúa của 65 hộ dân bị thiệt hại trên 70%. Nhiều gia đình có diện tích bị thiệt hại lớn như gia đình ông Nguyễn Đức Tề, Trần Xuân Định, Lê Tiến Dũng, Lê Đức Trung, Phạm Đinh Mạnh...
Ông Phạm Thăng Long - Chủ tịch UBND xã Nga Quán cho biết: "Toàn xã có trên 22 ha lúa của 233 hộ dân bị ngập, trong đó chỉ có 4 - 5 ha là khắc phục được thì bà con đã tiến hành rửa lá, vệ sinh đồng ruộng. Một số diện tích không khắc phục được, chúng tôi chỉ đạo bà con chủ động gieo mạ để cấy lại, diện tích ngập không kịp thời gian cấy sẽ chuyển sang trồng ngô, hoa màu”.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 (ngày 17,18/7) và mưa lớn trong 2 ngày 21, 22/7, thêm vào đó, lũ thượng nguồn đổ về làm mực nước sông Hồng lên báo động cấp III đã gây thiệt hại nặng trong sản xuất nông nghiệp của huyện Trấn Yên. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, UBND huyện, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn huyện đã chỉ đạo UBND các xã khẩn trương thống kê, báo cáo các thiệt hại xảy ra và chủ động khắc phục theo phương châm "4 tại chỗ”.
Đồng thời, lãnh đạo huyện, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn huyện đã đến các địa phương để nắm tình hình và chỉ đạo khắc phục thiệt hại. trong đó có trên 154 ha bị thiệt hại trên 70%; 32,5 ha ao hồ nuôi cá bị thiệt hại, trong đó có trên 22 ha bị thiệt hại trên 70%; trên 33 ha ngô và hoa màu bị thiệt hại...
Để khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất sau bão, lũ, UBND huyện Trấn Yên đã ban hành văn bản chỉ đạo tập trung khắc phục, chăm sóc cây trồng sau ngập úng. Chỉ đạo các đơn vị khối nông nghiệp tập trung cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nhân dân các biện pháp khắc phục sản xuất sau ngập úng.
Đối với diện tích lúa có khả năng khắc phục ngành nông nghiệp hướng dẫn nhân dân tập trung chăm sóc "nước rút đến đâu rửa lá đến đó” tiến hành vệ sinh đồng ruộng, đối với diện tích lúa chưa đứng cái, làm đòng cần sục bùn phá váng để cây lúa phục hồi nhanh.
Chú trọng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại, đặc biệt là phun phòng bệnh bạc lá, bệnh thối than. Tích cực bón phân cân đối để cây lúa phục hồi sinh trưởng. Đối với diện tích bị mất trắng và diện tích bị vùi lấp hướng dẫn nhân dân khôi phục đồng ruộng, tận dụng mạ dự phòng cấy bổ sung hoặc gieo sạ bằng giống lúa thuần Khang dân 18. Đối với những diện tích bị thiệt hại mất trắng, không còn thời vụ gieo cấy lúa, hướng dẫn nông dân chuyển sang trồng cây ngô vụ thu đông và các cây rau ngắn ngày.
Đối với cây ngô, cây rau màu, cần tháo nước nhanh, kịp thời khơi thông dòng chảy, không để nước ngập lâu trong ruộng gây thối cây, thối rễ; đối với diện tích ngô đã trồng, có khả năng khắc phục cần xới, phá váng, vun gốc và bón phân cân đối; cây rau còn nhỏ có khả năng phục hồi, cần phun các loại thuốc phòng trừ nấm hại; đối với diện tích bị ảnh hưởng nặng, không có khả năng cho thu hoạch, cần vệ sinh đồng ruộng, chủ động chuẩn bị đất để gieo trồng lại bằng những loại rau ngắn ngày hoặc trồng ngô vụ thu đông.
Hồng Duyên