Đồng chí Đỗ Đức Duy – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Nguyễn Văn Khánh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thẩm định đồng chủ trì Hội nghị.
Tỉnh Yên Bái có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú và đa dạn. Theo số liệu tổng hợp, trên địa bàn tỉnh có trên 300 khu vực mỏ, hiện đã cấp phép 240 khu vực; ngoài ra còn một số biểu hiện khoáng sản chưa được điều tra, đánh giá, mới chỉ được ghi nhận trong công tác đo vẽ bản đồ địa chất tỷ lệ nhỏ bao gồm các loại khoáng sản nhiên liệu, khoáng sản kim loại, khoáng sản không kim loại, khoáng chất công nghiệp, khoáng sản quý hiếm đến nước khoáng, nước nóng.
Theo các tài liệu thu thập về địa chất khoáng sản, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có khoảng 372 khu vực khoáng sản, trong đó thuộc phạm vi cấp phép của tỉnh là 272 khu vực, của Bộ là 100 khu vực. Trong số đó có 142 khu vực đã được cấp phép thăm dò, 187 khu vực đã cấp phép khai thác.
Toàn tỉnh hiện có 111 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực; 86 doanh nghiệp tham gia hoạt động khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản với nhiều loại khoáng sản khác nhau.
Tính đến thời điểm hiện tại, UBND tỉnh đã cấp 72 giấy phép thăm dò, 142 giấy phép khai thá; hoạt động khai thác khoáng sản đã đóng góp một phần ngân sách Nhà nước các khoản thuế, phí…
Tuy nhiên, các khoáng sản phân tán nhỏ lẻ, rải rác trên địa bàn tỉnh, tập trung rải rác tại các vùng hẻo lánh, giao thông đi lại khó khăn nên việc đẩy mạnh công tác khai thác còn gặp nhiều khó khăn. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ khai thác tại các vùng trên sẽ cần vốn đầu tư lớn cũng làm hạn chế phần nào khả năng thu hút đầu tư của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, trình độ công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản chậm được đổi mới, khai thác vẫn còn gây thất thoát, lãng phí tài nguyên làm ảnh hưởng đến môi trường…
Với quan điểm bảo đảm khai thác, sử dụng khoáng sản hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, phục vụ nhu cầu hiện tại, đồng thời có tính đến sự phát triển khoa học, công nghệ và nhu cầu khoáng sản trong tương lai, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác, đảm bảo an ninh - quốc phòng, phù hợp với chiến lược khoáng sản và quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng các loại khoáng sản.
Việc quy hoạch thăm dò, khai thác và chế biến, sử dụng khoáng sản là cơ sở để tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản; khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên khoáng sản; đầu tư các dự án khai thác, chế biến khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của tỉnh nhằm khai thác, sử dụng hợp lý khoáng sản trên địa bàn để phát triển kinh tế tại địa phương bảo đảm lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp và của nhân dân vùng có khoáng sản; xây dựng và phát triển công nghiệp khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản với công nghệ thiết bị hiện đại để tận thu tối đa nguồn tài nguyên khoáng sản, đảm bảo phát triển bền vững và phù hợp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; khuyến khích các tổ chức, cá nhân có năng lực kinh tế, nhân lực trình độ cao, có khả năng đầu tư bài bản bằng công nghệ thiết bị hiện đại và kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động khoáng sản đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến sâu khoáng sản trên địa bàn tỉnh…
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: Yên Bái là địa phương có tiềm năng, thế mạnh về khoáng sản; do vậy, việc quy hoạch cần đánh giá cụ thể thực trạng, tầm quan trọng của từng loại khoáng sản cho việc đóng góp chung vào ngân sách của tỉnh; phải đi sâu, làm rõ loại khoáng sản nào là lợi thế.
Cùng với đó, phải nêu được những bất cấp, tồn tại, hạn chế và phương án khắc phục trong việc quy hoạch sao cho hiệu quả nhất. Việc quy hoạch cũng cần phải so sánh, đánh giá với các chỉ tiêu trước đây để xem có khả thi không. Việc quy hoạch cũng phải đánh giá cụ thể đến tác động môi trường, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, rừng tự nhiên, rừng phòng hộ để hạn chế tối đa ảnh hưởng; cơ cấu lại các cơ chế, giái pháp, kiểm tra, thanh tra, ban hành các chính sách liên quan đến thăm dò, khai thác, khoáng sản... sao cho hiệu quả nhất.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy, phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khánh nêu rõ: báo cáo cơ bản đã lập được đề cương, tính pháp lý, bám sát quy hoạch; tuy nhiên, bố cục chưa hợp lý, nội dung còn trùng lắp, chưa làm rõ được tính khả thi của quy hoạch.
Để hoàn thành, chỉnh sửa quy hoạch cho hợp lý, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường - đơn vị lập Dự án quy hoạch phải nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị, ý kiến tham gia, phải biện của các đơn vị phản biện và các thành viên để sửa đổi quy hoạch và gửi cho Sở Kế hoạch - Đầu tư trước ngày 23/11/2017 để thẩm định lại và trình UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy để HĐND tỉnh thông qua.
Tại Hội nghị, các thành viên Hội đồng thẩm định đã bỏ phiếu nhất trí thông qua Dự án quy hoạch có chỉnh sửa, bổ sung.
Thanh Tân